UAV Trung Quốc và tham vọng sẽ phá vỡ độc quyền của phương Tây

30/06/2013 06:17
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ cung cấp máy bay không người lái giá rẻ cho những nước "đáng ghét nhất thế giới", chống lại lợi ích của Mỹ.
Máy bay tấn công không người lái Dực Long do Trung Quốc "chế tạo"
Máy bay tấn công không người lái Dực Long do Trung Quốc "chế tạo"

Ngày 24 tháng 6, trang mạng tuần san "Tin tức quốc phòng" Mỹ cho biết, khi dạo bước qua mô hình máy bay không người lái Dực Long ở Triển lãm hàng không Paris, rất có thể mọi người hoàn toàn không biết đây là máy bay tác chiến không người lái được Trung Quốc lần đầu tiên trưng bày ở triển lãm quốc phòng quốc tế.

Loại máy bay không người lái này có thể là bước đi đầu tiên của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) thông qua cung cấp giá rẻ sản phẩm thay thế đáng tin cậy để phá vỡ sự thống trị của phương Tây đối với máy bay không người lái. Những sản phẩm thay thế này đồng thời sẽ còn làm cho việc cấm vận, trừng phạt, quản lý, kiểm soát của Mỹ mất tác dụng.

Bài viết cho rằng, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Trung-Mỹ đã công bố báo cáo "Công nghiệp máy bay không người lái quân dụng Trung Quốc". Báo cáo này cảnh báo, hệ thống bay không người lái đa năng giá rẻ của Trung Quốc chắc chắn sẽ cướp đi thị phần của Mỹ và Israel trên thị trường máy bay không người lái quốc tế.

Báo cáo cho rằng, Mỹ và Israel là hai nước xuất khẩu máy bay không người lái chủ yếu nhất của toàn thế giới, cũng là hai nước được chứng thực từng xuất khẩu máy bay không người lái cấp chiến lược, đồng thời đều đã gia nhập vào 2 cơ chế quản lý xuất khẩu máy bay không người lái chủ yếu - Chế độ kiểm soát tên lửa và công nghệ của nó (MTCR) và "Hiệp định Wassenaar".

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa gia nhập bất cứ cơ chế nào, vì vậy "trong tình hình chưa tham gia cạnh tranh với các sản phẩm tiên tiến hơn của Mỹ và Israel, Trung Quốc có thể trở thành nước phổ biến chính cung cấp máy bay không người lái cho các nước không tham gia MTCR hoặc Wassenaar".

Mô hình máy bay chiến đấu không người lái Ám Kiếm, Trung Quốc
Mô hình máy bay chiến đấu không người lái Ám Kiếm, Trung Quốc

Ian Easton, nhà nghiên cứu Viện nghiên cứu Chương trình 2049, Washington cho rằng, triển vọng tương lai, "xu thế công nghệ cho thấy ranh giới giữa máy bay không người lái và tên lửa tầm xa sẽ trở nên ngày càng mờ nhạt".

Điều này đã gây ra một sự lo ngại, đó là Trung Quốc phát triển quy mô lớn máy bay không người lái, "biến nó thành bộ phận chính của năng lực tổng hợp trinh sát-tấn công của họ, sẽ tiếp tục tạo ra mối đe dọa đối với các căn cứ hàng không và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác vốn đã yếu ớt tại khu vực".

Bài báo cho rằng, điều gây ra sự lo ngại "họa vô đơn chí" này là "hành vi xuất khẩu không có trách nhiệm" trước đây của Trung Quốc, đặc biệt là xuất khẩu vũ khí cho những "quốc gia đáng ghét nhất trên thế giới" - trong đó có những nước tạo ra mối đe dọa cho lợi ích an ninh của Mỹ.

Bài báo chỉ ra, trước đây Trung Quốc đã thành công sản xuất và trang bị một lượng lớn máy bay không người lái chiến thuật, trong đó có máy bay hoạt động ở tầng trời thấp cũng như vừa và cao, năng lực hoạt động liên tục đã gồm có cả loại máy bay tầm ngắn và tầm trung.

Được biết, khoảng 93% chương trình máy bay không người lái của Trung Quốc là máy bay không người lái chiến thuật, còn lại là hệ thống cấp chiến lược và máy bay chiến đấu không người lái.

Tuy nhiên, tình hình này có thể xảy ra: "Về lâu dài, những quan tâm và tiến triển tiếp theo của Trung Quốc trên phương diện máy bay không người lái cấp chiến lược có thể sẽ làm cho Trung Quốc đứng ở vị thế dẫn trước trên thị trường máy bay không người lái giá rẻ".

Hình ảnh máy bay không người lái Lợi Kiếm (LJ) Trung Quốc mới xuất hiện.
Hình ảnh máy bay không người lái Lợi Kiếm (LJ) Trung Quốc mới xuất hiện.

Theo bài báo, loại máy bay chiến đấu không người lái trưng bày ở Triển lãm hàng không Paris là phiên bản tiếp theo của máy bay tác chiến trưng bày trạng thái tĩnh ở Triển lãm hàng không Chu Hải Trung Quốc năm 2012. Tờ "Tin tức Quốc phòng" khi đó đã lấy được các tài liệu và ra sức tuyên truyền cho rằng, máy bay này có tính năng tấn công không đối đất, bao gồm năng lực "đánh dấu mục tiêu mặt đất" và "chỉ thị mục tiêu di động mặt đất" .

Một chuyên gia hàng không vũ trụ nhắc nhở cho rằng, không nên bị nhiều chương trình máy bay chiến đấu không người lái Trung Quốc trưng bày ở triển lãm hàng không "che mắt". Douglas Bali, nhà nghiên cứu lâu năm về hàng không vũ trụ quân dụng của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế London cho rằng, Dực Long là một loại máy bay "nổi trội", nhưng "mức độ tiến triển chung của Bắc Kinh vẫn không rõ ràng, độ chính xác công nghệ và mức độ tích hợp của họ cũng cực kỳ không rõ ràng".

Ông chỉ ra, trong lĩnh vực máy bay không người lái, thân máy bay thường là bộ phận dễ nhất của toàn bộ hệ thống, trong khi đó do thiếu minh bạch, những bức ảnh và mô hình máy bay không người lái thường là những thông tin có liên quan đến máy bay không người lái Trung Quốc mà các chuyên gia bên ngoài có thể lấy được.

Tuy nhiên, Ian Easton tin chắc rằng, Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành 1 trong số các quốc gia chính phổ biến máy bay không người lái. Ông nói: "Trung Quốc đang phát triển hệ thống người tiên tiến, bao gồm máy bay không người lái thực hiện các nhiệm vụ như trinh sát, theo dõi và tình báo mang tính chiến lược và tấn công chính xác, hơn nữa một số điều kiện hầu như đã đảm bảo cho những máy bay không người lái này có ưu thế xuất khẩu mạnh hơn nước khác".

Chiến tranh máy bay không người lái trong tương lai (tưởng tượng)
Chiến tranh máy bay không người lái trong tương lai (tưởng tượng)

Báo cáo của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Trung-Mỹ nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân làm cho máy bay không người lái Trung Quốc có giá rẻ là, rất nhiều máy bay không người lái không phải do doanh nghiệp, mà là tổ chức học thuật (nghiên cứu) phát triển. Chẳng hạn, những công ty trực thuộc các trường đại học, cao đẳng đã bàn giao hơn 1.500 máy bay không người lái cho Quân đội Trung Quốc.

Đông Bình