Học vẹt có thể giúp đỗ đại học đến 90%?

27/06/2013 06:48
Theo Lao Động
(GDVN) - Thực trạng giới học sinh học "vẹt" các bài văn trước các kỳ thi, đặc biệt là các kỳ thi quan trọng như vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT và cả thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ… vốn là căn bệnh trầm kha bấy lâu nay. Trong khi đó, Bộ GDĐT vẫn coi đó là "bệnh" nhẹ và chỉ đang khẽ khàng chữa trị bằng những phương pháp nhẹ tay.
Học vẹt nhiều năm
Vừa qua, trên mạng xuất hiện clip quay cảnh một lò luyện thi đại học môn Văn tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) trong thời điểm kỳ thi ĐH, CĐ 2013 đang tới gần. Tại đó có đến gần 1 nghìn em học sinh đang chăm chú đọc ê a một bài văn mẫu theo sự chỉ dẫn của giáo viên trong suốt 4 tiếng đồng hồ. Nhiểu em cho hay để có được chỗ ngồi đẹp tại lớp luyện thi đặc biệt này, các em phải đến trước 2 tiếng để xếp hàng vào học. Bạn Bích Nguyễn, Hà Nội cho hay từng chấp nhận đi từ 5h sáng để tranh chỗ, chấp nhận ngồi nóng như cái lò, hay đội mưa bão để theo học lớp luyện văn kiểu này….
Học sinh luyện thi văn bằng cách đọc to, đọc thuộc tại một lò luyện thi ĐH tại Hà Nội.
Học sinh luyện thi văn bằng cách đọc to, đọc thuộc tại một lò luyện thi ĐH tại Hà Nội.
Giới học sinh đồn rằng phương pháp giáo dục này rất hiệu quả và có thể giúp đỗ đại học đến 90%. Bạn T.Minh - một học sinh từng theo học tại lớp trên xác nhận có tới 5 bạn trong lớp của em đạt điểm Văn thủ khoa nhờ “học vẹt” Văn. Qua tìm hiểu thực tế mới biết được đây thực sự là cách học khá phổ biến của nhiều lò luyện thi, trong đó có rất nhiều lò luyện có tiếng, và được áp dụng trong khá nhiều năm nay. 
Anh Nguyễn Hoài Sơn, Hà Nội than thở: "Tôi đã phải trải qua cách học này cách đây 30 năm. Từ một học sinh chuyên văn cấp 2, tôi bị thầy giáo biến thành một con vẹt không hơn. Thầy đọc và bắt chúng tôi chép lại bài văn mẫu đến thuộc. Bài kiểm tra cũng vậy, nếu tôi làm theo ý mình lập tức bị điểm kém. Thầy bảo các em chưa đủ trình độ để viết đúng chính tả thì làm sao có thể tự sức làm một bài văn, cứ chép theo thày.  Tôi không ngờ 30 năm sau, học sinh vẫn được dạy theo cách ấu trĩ này?".

Còn chị Thanh Hoa ở Thái Hà, Hà Nội cho hay từng đi học ôn văn theo kiểu ghi lại toàn bộ các bài văn mẫu của thày rồi về học thuộc. "Hồi tôi còn đi luyện ôn thi đại học thì thầy Túc dạy văn là "nổi" nhất. Hàng trăm học trò đến gặp thày để chép lại những bài văn mẫu, rồi cứ thế về học thuộc rồi đi thi. Có người gần đến ngày thi bị rớt quyển vở chép văn của thày xuống nước, nhòe hết mực thì khóc hết nước mắt vì không còn gì để học thuộc. Bao nhiêu năm rồi mà cách dạy Văn ở nước ta vẫn thế....", chị Hoa cho biết.

Phải mạnh tay chữa

Văn luôn được coi là môn học khuyến khích sự sáng tạo, tư duy của học sinh. Qua việc phân tích, bình luận các tác phẩm truyện, thơ hay viết nên những bài văn, thế hệ trẻ có thể trang bị những kiến thức phổ thông, hiểu được ngôn ngữ và hình thành các năng lực sử dụng ngôn ngữ và ứng dụng những điều hay ý đẹp đã học vào cuộc sống. Thế nhưng, cách dạy và chấm thi môn Văn hiện nay đang dần "triệt tiêu" đi những ích lợi này. 
Anh Trần Thái - một phụ huynh có con đang học luyện thi ĐH ngán ngẩm bình luận: "Tôi cũng ngán cảnh con phải học thuộc các bài văn lắm. Thế nhưng, đề thi bây giờ đâu cần sự sáng tạo mà cứ theo đáp án gạch đầu dòng của Bộ GDĐT. Bài có ý là có điểm. Cách ra đề và chấm thi kiểu này khiến các cháu phải học thuộc văn là điều hoàn toàn dễ hiểu".
Đồng tình với suy nghĩ của anh Thái, cô T.Thu - một cán bộ đang làm trong ngành giáo dục nhận xét: "Do đặc thù của môn học và yêu cầu chấm điểm của Bộ GDĐT là phải đủ ý mới cho điểm nên việc học sinh học buộc phải ê a học thuộc các bài Văn là điều tất yếu".

Trên thực tế, các đề thi được ra trong nhiều năm qua vẫn chủ yếu dựa vào bộ đề, quanh đi quẩn lại phân tích những tác phẩm cũ kỹ… Với cách ra đề kiểu này nên sau mỗi kỳ thi, dư luận lại xôn xao có hay không việc lộ đề thi khi các đề thi thử trước đó giống đến 70 - 80% đề thi thật. Và thanh tra lại cất công khẳng định không lộ đề, trong khi cả giáo viên và học sinh đều không tỏ ra ngạc nhiên vì đã được luyện nhiều.

May thay, Bộ GDĐT phần nào nhìn ra vấn đề khi đang dần dần cải tiến việc ra đề thi Văn. Trong vòng 2 - 3 năm qua, đề thi Văn dành cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, lớp 10... bắt đầu xuất hiện những câu hỏi nghị luận xã hội nằm ngoài chương trình SGK và ngay lập tức được dư luận đồng tình và tán thưởng. Thế nhưng, động thái đó vẫn quá nhẹ để chữa căn bệnh trầm kha học "vẹt" văn bấy lâu nay. 
Theo lời GS.TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT, muốn chữa dứt được bệnh này cần phải mạnh tay ngay từ khâu đào tạo các giáo viên trong nhà trường để tránh cách dạy sáo rỗng, theo lối mòn trong khi phải cải tiến thi cử mạnh mẽ sao cho đánh giá đúng được trình độ của người đi thi, chứ không chỉ nhăm nhăm "chấm ý thuộc để ghi điểm" như hiện nay. Nếu không, ngành giáo dục VN sẽ ngày càng đón nhận nhiều hơn “những chú vẹt biết nói”.
Theo Lao Động