Tình hình tại Syria sẽ vô cùng phức tạp và khó đoán

28/06/2013 07:39
Việt Dũng
(GDVN) - Một siêu cường - Mỹ đã quyết định hỗ trợ quân sự cho phe đối lập Syria, nhưng hỗ trợ gì và như thế nào, đạt mục tiêu gì vẫn là những câu hỏi.
Phần tử vũ trang phe đối lập Syria cầm súng trường quân dụng của châu Âu cảnh giới
Phần tử vũ trang phe đối lập Syria cầm súng trường quân dụng của châu Âu cảnh giới

Trang mạng tạp chí "Chính sách ngoại giao" Mỹ ngày 25 tháng 6 cho biết, gần đây, chính quyền Obama Mỹ đưa ra quyết định tiếp tục can thiệp trực tiếp vào cuộc nội chiến Syria - cung cấp vũ khí mang tính "chí tử" hạn chế cho một số thành viên của phe đối lập. Đây là một cam kết chính sách ngoại giao quan trọng. Đồng thời, quyết định này cũng khiến cho rất nhiều người cảm thấy hoang mang.

Theo bài báo, quyết định trên của chính quyền Obama có thể nói là sự thay đổi mới nhất của Mỹ trong chính sách đối với Syria, nhưng đến nay, phiền phức của Chính phủ Mỹ là, Obama hoặc quan chức Chính phủ nợ người dân một lời giải thích.

Chính quyền Obama phải giải thích rõ vì sao Mỹ phải ngày càng cuốn sâu vào cuộc xung đột Trung Đông này, cuộc nội chiến này có liên quan gì tới lợi ích của Mỹ và Mỹ hy vọng đạt được mục tiêu chiến lược như thế nào.

Mặc dù rất nhiều quan chức chính phủ Mỹ có các quan điểm khác nhau về vấn đề Syria, nhưng lại đều chưa thể nói rõ chính xác mục tiêu chiến lược của Mỹ như thế nào, trái lại làm cho người dân Mỹ cảm thấy hoang mang.

Bài báo chỉ ra, đến nay, sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Syria đem lại ảnh hưởng thực tế lớn nhất chính là, Mỹ chính thức bị "cột" vào việc vũ trang cho "Quân Syria tự do" - do "Ủy ban quân sự tối cao" phe đối lập Syria chỉ huy. Nhà lãnh đạo của "Ủy ban quân sự tối cao" là Salim Idriss, một cựu tướng lĩnh của Quân đội Syria.

Mỹ lấy cớ quân Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học để hỗ trợ quân sự cho phe đối lập Syria, nhưng bị Nga bác bỏ và nhiều nước thừa nhận chưa có bằng chứng xác thực.
Mỹ lấy cớ quân Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học để hỗ trợ quân sự cho phe đối lập Syria, nhưng bị Nga bác bỏ và nhiều nước thừa nhận chưa có bằng chứng xác thực.

Trước đây, sau khi Mỹ tuyên bố quân Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học không lâu, Salim Idriss đã cảnh báo Mỹ cần cung cấp vũ khí, nếu không sẽ không tham gia hội nghị về vấn đề Syria tổ chức tại Geneva sau này. Kết quả, Salim Idriss đã được như ý - đây chính là bằng chứng ai cuối cùng đã ảnh hưởng đến ai.

Sau khi Nhà Trắng tỏ thái độ, người phát ngôn của đoàn vận động của "Quân Syria tự do" tại Washington đã bày tỏ hoan nghênh việc Mỹ công khai cam kết ủng hộ phe đối lập Syria và cho rằng: "Đến nay ông Obama đã can thiệp trực tiếp, vì vậy bất kể chúng tôi thắng hay thua, họ đều có liên quan lớn".

Theo tờ "Chính sách ngoại giao", đây chính là tình cảnh khó khăn của Mỹ, nếu trong tương lai phe đối lập thua trận trên chiến trường, thì họ sẽ tuyên bố mình không có được vũ khí đầy đủ hoặc uy lực vũ khí có được không đủ mạnh.

Tờ "Chính sách ngoại giao" chỉ ra, một vấn đề khác là Mỹ cung cấp vũ khí có thể tăng cường khả năng quy tụ cho "Ủy ban quân sự tối cao" hay không. Bởi vì, có phương tiện truyền thông cho biết, có những tổ chức được "Ủy ban quân sự tối cao" ủng hộ sau khi có được vũ khí của Mỹ, chuyển bán cho các phần tử cực đoan.

Một chỉ huy của lực lượng vũ trang phe đối lập Syria đã phàn nàn về việc phân phối vũ khí không công bằng, cho rằng: "Lẽ nào người Mỹ không ý thức được, họ sẽ tiếp tục làm trầm trọng hơn cuộc nội chiến của phe đối lập?".

Quân Chính phủ Syria tác chiến trên đường phố
Quân Chính phủ Syria tác chiến trên đường phố

Đối với vấn đề này, bài báo chỉ ra, xét tới thái độ do dự trước đây của Chính phủ Mỹ, nếu chính quyền Obama quyết tâm giảm tới mức thấp nhất cam kết của Mỹ đối với phe đối lập Syria, thì cần phải giảm rõ ràng mục tiêu chính trị và quân sự của mình.

Bởi vì chính bản thân ông Obama cũng biết, "nếu anh đã đưa ra cam kết, thì anh sẽ rất dễ ngày càng lún sâu". Trong tình hình hiện nay Mỹ và đồng minh đều không rõ tại sao phải can thiệp cuộc nội chiến Syria, câu nói này càng chính xác.

Hiện nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bắt đầu đối mặt với sức ép từ trong nước. Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Walter B. Jones Jr thuộc bang North Carolina đã trình lên Quốc hội Mỹ một bản nghị quyết cho biết, Quốc hội Mỹ có thể kết tội Tổng thống Obama nếu tìm thấy bằng chứng Mỹ có hoạt động quân sự tại Syria. Nghị sĩ này nói: "Chúng ta không thể tiếp tục lãng phí tiền bạc và sinh mạng của người Mỹ ở nước ngoài mà không được Quốc hội cho phép".

Được biết, sau cuộc diễn tập quân sự liên hợp tại Jordan, Mỹ sẽ để lại một phần hệ thống tên lửa Patriot và máy bay chiến đấu F-16 - đây được cho là dấu hiệu Mỹ sẵn sàng cho việc thiết lập "vùng cấm bay", mở đường cho hoạt động can thiệp quân sự vào Syria. Tuy nhiên, Mỹ sẽ phải đối mặt với Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời dư luận trong nước Mỹ cũng không muốn Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến mới. Trong khi đó, tình hình Syria vô cùng phức tạp và khó đoán.
Syria mua hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-300 của Nga gây khiếp sợ cho Israel
Syria mua hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-300 của Nga gây khiếp sợ cho Israel
Việt Dũng