Những bài học cho DN vàng từ vụ thảm sát tiệm vàng Ngọc Bích

29/08/2011 06:39
Điều quan trọng là phải hướng dẫn để những thao tác về báo động, thoát hiểm tại tiệm vàng trở thành ý thức phòng ngừa thường trực cho mỗi người trong gia đình...

Vụ giết người, cướp tiệm vàng tại căn nhà 3 tầng, nằm trên con phố sầm uất của huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, làm 3 người chết hôm 24/8, đã khiến dư luận bàng hoàng. Nhiều người tự hỏi, bọn cướp vào nhà bằng cách nào, tẩu thoát ra sao khi trước cửa nhà là đường lưu thông chính của phố huyện?

Để lí giải điều đó, chiều 27/8, chúng tôi đã cùng các điều tra viên quay trở lại hiện trường vụ án. Ngôi nhà định mệnh của anh Trịnh Thành Ngọc, chị Đinh Thị Chín nằm ở khu Phố Sàn, xã Phương Sơn. Dù đây chỉ là trung tâm của một xã miền núi nhưng cư dân khá đông đúc, phố xá đẹp đẽ, khang trang, việc buôn bán sầm uất vào bậc nhất ở huyện này.

Tiệm vàng Ngọc Bích bị đột nhập như thế nào?

Theo quan sát của chúng tôi thì ngôi nhà của gia đình anh Ngọc được thiết kế khá vững chắc trên diện tích khoảng 80m2. Phía mặt tiền - nơi cửa tiệm bán hàng được bảo vệ an toàn bằng cửa sắt cuốn điện tử, bên trong là lớp cửa kính trắng thủy lực, có dùng thêm khóa dây. Phía sau ngôi nhà giáp với ruộng canh tác của nhân dân quanh vùng nhưng hiện nay do hết mùa thu hoạch nên đang khô nẻ, cỏ úa vàng vì nắng.

Để chống sự đột nhập từ phía sau, ngoài cửa gỗ chốt trong khá chắc chắn, gia đình anh Ngọc thiết kế thêm một hàng rào sắt với ô thoáng khoảng 10x20cm rất chắc chắn nhưng không có cửa thoát hiểm nào được mở ra từ hướng này. Chính vì vậy, việc đột nhập từ cửa chính hoặc phía sau hầu như không thể xảy ra.

Ngoài cửa cuốn, mặt tiền của ngôi nhà còn có cửa kính thủy lực.
Ngoài cửa cuốn, mặt tiền của ngôi nhà còn có cửa kính thủy lực.
Tuy nhiên, có lẽ sơ hở lớn nhất trong việc bảo vệ an ninh của ngôi nhà này chính là cửa sổ và cửa thông gió trang trí của ngôi nhà. Theo đó, tầng 2 và 3 của ngôi nhà được thiết kế theo kiểu kính tràn không có song, cả ban công cũng tương tự, cả hai tầng đều có thông gió làm theo hình "bậc thang" khá lớn.

Bên cạnh đó, phần đua ra của lan can tầng trên lại rất gần cột điện. Chính vì vậy, theo như mọi người trong nhà cho biết, nhiều khả năng kẻ gian đã trèo lên cột điện để đột nhập ngôi nhà. Trong trường hợp này, chính những yếu tố thiết kế của căn nhà như: nằm gần cột điện, lan can khá thấp, lại có nhiều khe thông gió lớn có thể đã vô tình tiếp tay cho kẻ xấu vào nhà, sát hại gia chủ, cướp tài sản rồi lại tẩu thoát theo đường cũ.

Lý giải này xem ra hợp lý, bởi khi sự việc được phát hiện, chính những người quen biết với gia đình cũng có thể trèo vào nhà xem xét tình hình bằng con đường này. Và chị Vũ Thị Mến, chị dâu của anh Ngọc, cũng là người đầu tiên liên lạc được với cháu Trịnh Ngọc Bích cho biết "Khi chúng tôi vào nhà, cửa kính không khóa, chỉ ngoắc hờ nhưng cửa sắt bên ngoài vẫn đóng chốt, không hề có dấu hiệu cạy phá".

Bên cạnh việc sơ hở trong thiết kế nhà cửa, hiện nay, rất nhiều tiệm vàng, cửa hàng kinh doanh lớn cũng khá sơ sểnh trong công tác bảo vệ an ninh. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong việc kinh doanh tài sản có giá trị lớn, song trên thực tế, chính những chủ doanh nghiệp, tiệm vàng lại tỏ ra lơ là, sơ sểnh trong việc bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của chính mình. Những vấn đề này, chúng tôi đã cảnh báo ở bài báo trước.

Hãy dạy từ các cháu nhỏ về kỹ năng phòng ngừa tội phạm

Tuy mới 8 tuổi nhưng cháu Trịnh Ngọc Bích có trí nhớ tốt và cách ứng biến rất thông minh trước sự việc xảy ra (chúng tôi sẽ kể lại câu chuyện thoát hiểm kỳ lạ của cháu Bích trong một số báo khác). Tuy nhiên, có một tình tiết trong lời kể của cháu Bích mà người nhà cháu kể lại khiến chúng tôi thấy rất đáng tiếc.

Trong quá trình sự việc xảy ra, khi phát hiện bọn cướp chém bố mẹ, cháu Bích đã chạy vào trốn tại phòng ngủ ở tầng 2, lấy điện thoại di động gọi cho Cảnh sát 113 nhưng vì cháu không biết gọi mã đầu 0240 của tỉnh Bắc Giang trước khi bấm 113 nên không gọi được. Cùng lúc này, tên cướp phát hiện cháu bé nên chặt đứt cánh tay của cháu…

Cầu thang dẫn lên tầng 3, nơi nghi vấn là đường đột nhập của các đối tượng.
Cầu thang dẫn lên tầng 3, nơi nghi vấn là đường đột nhập của các đối tượng.
Giá như vợ chồng anh Ngọc dạy con thật kỹ kỹ năng phòng ngừa các tình huống bất ngờ xảy ra trong cuộc sống như: khi thấy có sự biến xảy ra trong nhà, bấm gọi cho Cảnh sát 113 như thế nào? Hoặc họ định sẵn trong máy điện thoại của gia đình những số điện thoại gấp (có kèm mã đầu điện thoại của địa phương mình) như: 113 (gọi Cảnh sát 113); 115 (gọi cấp cứu bệnh viện); 114 (gọi báo cháy) thì có lẽ vụ việc biết đâu sẽ không dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vậy.

Ít nhất, khi nhận được tin, Cảnh sát 113 sẽ có mặt kịp thời, nếu bọn cướp đã tẩu thoát thì cũng có thể cấp cứu nhanh chóng cho các nạn nhân, chứ không để đến mức hơn 3 tiếng sau, mọi người mới phát hiện ra sự việc.

Trong sự việc này, sự sống sót của cháu Bích quả thật kỳ diệu. Bởi nhiều người chỉ cần bị cắt động mạch chủ ở cổ tay là có thể dẫn đến cái chết vì mất nhiều máu. Đằng này, cháu bị chặt đứt lìa cánh tay, trong điều kiện không ai giúp đỡ suốt hơn 3 tiếng đồng hồ, nhưng vẫn sống và hiện đã qua cơn nguy kịch, nối thành công cánh tay bị đứt.  

Một trong những yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa loại tội phạm trộm, cướp đột nhập vào nhà lấy tài sản, theo Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, chúng ta luôn phải chú trọng đến việc thoát hiểm của các cá nhân trong gia đình. Việc thoát hiểm ở đây bao gồm nhiều vấn đề. Đó là cách thiết kế ngôi nhà đang ở, dù to nhỏ thế nào, ngoài cửa chính, cũng cần phải có cửa thoát hiểm (đằng sau, hoặc trên tum).

Cơ quan Công an đang xem xét lại phòng ngủ của vợ chồng anh Ngọc và 2 cháu.
Cơ quan Công an đang xem xét lại phòng ngủ của vợ chồng anh Ngọc và 2 cháu.

Bên cạnh đó, các gia đình, đặc biệt đối với các gia đình kinh doanh vàng bạc, phải lắp đặt các thiết bị an ninh đầy đủ theo hướng dẫn của lực lượng Công an, trong đó phải có chuông báo động để ở những vị trí chỉ có những người trong gia đình được biết. Phải hướng dẫn từng người trong gia đình, kể cả trẻ nhỏ vị trí để chuông báo động và hướng dẫn mọi người, nếu có sự việc bất thường xảy ra thì tìm cách bấm chuông.

Tiếng chuông inh ỏi vang lên, thông thường nếu lắp đặt đúng hướng dẫn của cơ quan Công an thì sẽ báo động thẳng đến Công an phường, hoặc kể cả chưa báo động được cho bên ngoài thì cũng khiến bọn trộm, cướp hoảng sợ, tìm đường tẩu thoát ra ngoài.

Khi phát hiện bọn cướp, trộm (nhất là khi thấy chúng có vũ khí) đã đột nhập vào trong nhà, phải tìm cách ẩn vào vị trí an toàn (vào phòng, chốt cửa lại), sau đó tìm cách báo động cho bên ngoài (hô hoán, bấm chuông báo động, gọi điện thoại báo cơ quan Công an hoặc người thân…).

Điều quan trọng là phải dạy để những việc trên trở thành ý thức phòng ngừa thường trực cho mỗi người trong gia đình. Để khi sự việc xảy ra, họ không bị bất ngờ, cuống và ứng biến không đúng cách dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.   

Vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang xảy ra, vợ chồng anh Ngọc và cháu bé mới 18 tháng tuổi đã bị giết chết một cách thảm thương. Đối với bọn tội phạm gây án rất man rợ và máu lạnh như thế, thì hậu quả đau lòng khó tránh được. Thế nhưng, những người theo dõi vụ án như chúng tôi vẫn tự nghĩ, biết đâu, nếu chúng ta ứng biến tốt hơn và có ý thức phòng ngừa tội phạm tốt hơn, có thể, không chỉ một mình cháu Bích may mắn được sống?

Qua vụ việc này, thêm một lần nữa mong tất cả mọi người, nhất là các gia đình kinh doanh vàng, phải nghiêm túc trong việc phòng ngừa tội phạm, lắp đặt các thiết bị an ninh theo hướng dẫn của cơ quan Công an. Bên cạnh đó, cần phải thường xuyên liên lạc với cơ quan Công an đã nắm bắt, biết được những phương thức thủ đoạn mới, tinh vi của những tên trộm, cướp vàng hoặc thông báo ngược lại với cơ quan Công an những biểu hiện nghi vấn của các đối tượng đến giao dịch hoặc có ý định xấu.

Hơn bao giờ hết, nếu biết quý tài sản và tính mạng của chính mình, mọi người hãy xem vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích là bài học soi vào của chính mình để có ý thức "phòng hơn chống".

Một số lời khuyên của các chuyên gia trong công tác phòng, chống trộm, cướp đột nhập vào nhà:

Không nên để nhiều tiền mặt trong nhà, nên chia nhỏ tiền và cất ở nhiều nơi; không nên khoe thu nhập cao với mọi người bởi sự giàu có rất dễ cám dỗ những kẻ xấu; không nên đi vắng thường xuyên; nên làm cửa chắc chắn, kể cả cửa ban công, sân phơi cũng phải chắc chắn và đóng khoá cẩn thận. Ban đêm khi tỉnh giấc, nếu phát hiện có trộm tốt nhất nên nghe ngóng, quan sát các phòng xem trộm đã vào phòng ngủ chưa để quyết định.

Nếu trộm chưa vào nhà thì lập tức bật các đèn lên, gọi người nhà dậy, như vậy bọn trộm thường bỏ đi chứ không muốn đối mặt với chủ nhà. Nếu trộm đã đột nhập vào nhà, phải tuỳ cơ ứng biến. Nếu chỉ có một mình ở nhà, nên đóng chặt cửa phòng ngủ, giả vờ gọi to người bên cạnh, bấm chuông báo động (nếu có) hoặc gọi điện thoại báo cho cơ quan Công an.

Khi thấy kẻ trộm ra khỏi nhà, nên quan sát, ghi nhớ đặc điểm, hướng chạy của chúng sau đó báo cho Công an những thông tin về tên trộm như: độ tuổi, màu da, vẻ mặt, tóc, đặc điểm nhân dạng, ăn mặc… càng chi tiết càng tốt. Khi về đến cổng nhà, nếu phát hiện hoặc nghi có người lạ trong nhà như: nghe tiếng động trong nhà, nhìn thấy cửa bị khoá hoặc bị cậy, nhất thiết không được vào nhà, phải lập tức gọi điện báo cho Công an hoặc ban quản lý khu nhà.

Nếu đã vào bên trong cổng mới phát hiện có khác thường phải thật bình tĩnh, có thể giả vờ là người đến chơi, không được lộ ra mình là chủ nhà, nếu không sẽ làm cho bọn trộm hoảng sợ mà điên cuồng chống lại. Nên tìm cách để kẻ trộm đi ra và nhớ quan sát, ghi nhớ đặc điểm của chúng để báo Công an. Nếu nghe bên ngoài nhà có tiếng động lạ, trước tiên không được mạo hiểm mở cửa, tốt nhất nhìn qua khe cửa xem đã xảy ra chuyện gì, nếu có gì bất thường nên báo cho Công an.

Theo Công an nhân dân