Họp khẩn về duy tu cầu, đường chở bauxite

29/08/2011 07:13
Theo MINH PHONG/Pháp luật TPHCM
Cuộc họp này nhằm lên kế hoạch khảo sát, lập phương án gia cường các cây cầu và sửa chữa những hư hỏng trên tuyến quốc lộ 20.
Quy định yêu cầu chủ xe hoặc chủ hàng muốn chở quá tải phải bỏ tiền duy tu cầu, đường nhưng Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại yêu cầu dùng tiền ngân sách sửa đường, nâng cấp cầu phục vụ vận chuyển bauxite bằng xe 40 tấn.

Ngày 28-8, Khu quản lý đường bộ VII (gọi tắt là Khu VII) đã triệu tập một cuộc họp khẩn. Cuộc họp này nhằm lên kế hoạch khảo sát, lập phương án gia cường các cây cầu và sửa chữa những hư hỏng trên tuyến quốc lộ 20 đoạn từ Bảo Lộc đến ngã ba Dầu Giây để phục vụ việc vận chuyển bauxite của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Lập ban chỉ đạo đôn đốc việc sửa chữa

Ông Nguyễn Thuận Phương, Tổng Giám đốc khu VII, cho biết theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc nâng cấp cầu, đường này phải được thực hiện khẩn trương. Do vậy, ngay khi nhận được chỉ đạo của Tổng cục, Khu VII đã triệu tập ngay bốn đơn vị tư vấn thiết kế bàn tính phương án sửa chữa quốc lộ 20 từ Bảo Lộc đến ngã ba Dầu Giây dài gần 125 km.

Ngoài ra, Khu VII cũng dự kiến đề nghị Viện Khoa học Công nghệ thuộc Bộ GTVT khảo sát, lên phương án gia cường hai cầu Gia Đức, La Ngà trên tuyến này để phục vụ việc vận chuyển bauxite của TKV từ Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) về Cảng Gò Dầu (Đồng Nai).


Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu Khu VII cần gấp rút triển khai công tác đảm bảo giao thông khẩn cấp theo phương án vận chuyển bauxite của TKV. “Ngoài việc tổ chức cuộc họp khẩn, tôi còn ký quyết định thành lập một ban chỉ đạo để theo dõi, đôn đốc nhằm đảm bảo cuối tháng 9-2011 sẽ có phương án trình Tổng cục Đường bộ ghi kế hoạch vốn và duyệt phương án kỹ thuật để triển khai thi công ngay” - ông Phương nói.

Ông Phương cũng cho biết sau khi khảo sát chi tiết và lên phương án sửa đường, nâng cấp cầu trên tuyến quốc lộ 20 mới xác định được tổng mức đầu tư cũng như thời gian sửa chữa.

Cầu La Ngà trên tuyến quốc lộ 20 hiện được gắn biển hạn chế tải trọng 20 tấn, không đảm bảo cho đoàn xe 40 tấn chở bauxite đi qua. Ảnh: MP
Cầu La Ngà trên tuyến quốc lộ 20 hiện được gắn biển hạn chế tải trọng 20 tấn, không đảm bảo cho đoàn xe 40 tấn chở bauxite đi qua. Ảnh: MP


Bỏ qua quy định?

Tuyến quốc lộ 20 đã đầu tư từ năm 1973 và được tăng cường một lớp bê tông từ năm 1998, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt hai cầu yếu trên tuyến là Gia Đức với mức chịu tải 30 tấn và La Ngà chịu tải 25 tấn nên không đảm bảo cho “đoàn xe 40 tấn” qua lại. Việc sửa đường, nâng cấp cầu sẽ là điều bình thường nếu không có những bất thường xung quanh yêu cầu “sửa chữa khẩn cấp để phục vụ ngành công nghiệp nhôm khi chưa có Cảng Kê Gà” và việc dùng kinh phí từ đâu để sửa chữa.

Trước đây, trong một lần trả lời Pháp Luật TP.HCM, phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ khẳng định: “TKV muốn xin giấy phép vận chuyển hàng hóa quá tải (theo phương án dùng đoàn xe 40 tấn - NV) thì phải có phương án, kinh phí để nâng cấp cầu, đường. Nếu không chúng tôi không thể cấp phép cho chạy được”.

Quan điểm trên phù hợp với quy định của Bộ GTVT. Bởi theo Thông tư 07/2010 của Bộ GTVT thì những xe quá tải, xe chở hàng siêu trọng vượt quá khả năng chịu tải của đường bộ mà phải gia cường thì chủ xe, người vận tải hoặc người thuê xe phải chi trả chi phí khảo sát, thiết kế gia cường và thực hiện công việc gia cường, chi phí kiểm định chất lượng đường bộ đã được gia cường (nếu cần).

Sau đó, cơ quan có thẩm quyền (trong trường hợp này là Khu VII) chỉ được cấp giấy phép lưu hành xe sau khi đã hoàn thành công tác gia cường và có báo cáo kết quả kiểm định chất lượng công tác gia cường đường bộ (nếu có) đáp ứng khả năng chịu tải do việc lưu hành xe quá tải, xe chở hàng siêu trọng gây ra.


Thế nhưng không hiểu sao Tổng cục Đường bộ lại có văn bản yêu cầu Khu VII khẩn trương xác định các vị trí xung yếu, hư hỏng cần sửa ngay; xác định phương án, gia cường các cầu Gia Đức, La Ngà “theo phương án vận chuyển sử dụng xe 40 tấn của TKV” như trên. Mặt khác, để kịp tiến độ, phục vụ vận chuyển của TKV, Tổng cục Đường bộ cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn sửa chữa đường bộ để Khu VII thực hiện.

Trong khi đó, về phía TKV, trong văn bản ngày 25-8 báo cáo Thủ tướng, TKV đã khẳng định rõ quan điểm là không tạm ứng vốn để sửa chữa, nâng cấp cầu, đường.

“Quên” 52 km đường tỉnh?

Theo phương án của TKV, đoàn xe chở bauxite từ Lâm Đồng về Cảng Gò Dầu ngoài việc đi qua 123 km quốc lộ 20 còn đi qua 18,5 km trên tuyến đường tỉnh 725 (từ Tân Rai đến Bảo Lộc, thuộc tỉnh Lâm Đồng) và 33,5 km thuộc tuyến đường tỉnh 769 (từ Dầu Giây đến Long Thành, thuộc tỉnh Đồng Nai).

Tổng Giám đốc Khu VII Nguyễn Thuận Phương cho hay các tuyến tỉnh lộ nêu trên không thuộc phạm vi quản lý của Khu VII. Ngoài ra, văn bản của Tổng cục Đường bộ VN cũng không giao cho đơn vị thực hiện việc nâng cấp các tuyến đường này nên Khu VII không có trách nhiệm duy tu, sửa chữa các tuyến đường này.

Trong khi đó, ngày 28-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định vẫn chưa hay biết gì về việc “khẩn trương” sửa đường, nâng cấp cầu trên tuyến quốc lộ 20 phục vụ đoàn xe 40 tấn của TKV nên vẫn chưa thể có ý kiến gì. Tuy vậy, ông Vĩnh lưu ý: “Tuyến đường tỉnh 769 đoạn từ Dầu Giây đến quốc lộ 51 hiện đang hư hỏng, có cầu xuống cấp nghiêm trọng phải hạ tải khai thác chỉ 10 tấn. Trong khi đó, nguồn ngân sách tỉnh hạn hẹp, không đảm bảo cân đối bố trí đầu tư nâng cấp tuyến đường tỉnh 769 này”.


Theo MINH PHONG/Pháp luật TPHCM