Thuê ôsin sẽ phải ký hợp đồng

29/08/2011 07:49
Theo SGTT
Đây là quy định của bốn điều mới bổ sung vào bộ luật Lao động đang được sửa đổi.

Ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, bộ LĐ-TB&XH cho biết, dự kiến các gia đình khi thuê người giúp việc (ôsin – PV) phải ký hợp đồng lao động và đảm bảo các quyền lợi cho họ theo tiêu chuẩn của bộ luật Lao động.

Đây là quy định của 4 điều mới bổ sung vào Bộ luật lao động
Đây là quy định của 4 điều mới bổ sung vào Bộ luật lao động

Đây là quy định của bốn điều mới bổ sung vào bộ luật Lao động đang được sửa đổi.

Theo Vụ Gia đình thuộc bộ VH-TT&DL, hiện có khoảng 60% người giúp việc trông coi trẻ em hàng ngày, khoảng 20% chăm sóc người già và 20% chỉ làm các công việc nội trợ. “Phần lớn họ là lao động phổ thông, thiếu các kỹ năng và không coi đây là một nghề thực sự”, ông Hoa Hữu Vân, phó vụ trưởng vụ Gia đình cho biết.

Tuy nhiên, theo ông San, trong xu hướng hiện nay, giúp việc gia đình đang dần trở thành một nghề, đòi hỏi ngày càng chuyên nghiệp và cần được thừa nhận như nhiều nghề khác (công nhân, lái xe…)

Nếu thừa nhận giúp việc gia đình là một nghề thì cơ quan quản lý sẽ phải đưa ra các quy định cụ thể để quản lý và bảo vệ người lao động làm nghề này. Các chủ sử dụng sẽ bắt buộc ký hợp đồng với người lao động thay vì thoả thuận miệng như hiện nay. Tuy nhiên làm thế nào để sau khi các quy định đó ra đời phải thực thi được là điều phải tính.

Dự thảo bộ luật Lao động quy định chủ sử dụng thuê người giúp việc gia đình ổn định lâu dài sẽ phải ký hợp đồng lao động. Hợp đồng này sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại bộ luật Lao động như lương tối thiểu, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương làm thêm giờ, điều kiện lao động, các chế độ khác cho người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp…

Dự kiến sau khi được quy định tại bộ luật Lao động, các văn bản hướng dẫn dưới luật sẽ được ban hành theo hướng bảo vệ nhiều hơn cho quyền lợi của người lao động. Mặc dù là một nghề đặc thù nhưng chủ hộ thuê mướn lao động vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về pháp luật lao động hiện hành. “Thậm chí nếu người lao động có nhu cầu tiếp tục đi học hay tham gia vào các khoá đào tạo thì chủ sử dụng cũng phải cho phép”, ông San nói.

Lao động giúp việc gia đình là loại hình đặc biệt dễ bị lạm dụng nên cần quy định chặt chẽ bằng văn bản. Việc bắt buộc ký hợp đồng lao động không chỉ để bảo vệ quyền lợi của lao động mà sẽ ràng buộc được trách nhiệm cả hai bên. Khi được nhìn nhận như vậy, quan hệ giữa người giúp việc gia đình và chủ thuê mướn họ sẽ dần đi vào chuyên nghiệp và các dịch vụ khác đi kèm cũng sẽ phát triển theo như dịch vụ đào tạo, cung ứng lao động…

Theo SGTT