Binh lực của các nước ở Biển Đông:

Nhật Bản, Nga, Ấn Độ đang tạo ảnh hưởng quân sự đến ASEAN như thế nào?

07/07/2013 07:13
Đông Bình
(GDVN) - Các nước lớn ngoài khu vực đang tăng cường gây ảnh hưởng quân sự lên các nước ASEAN một cách công khai trong bối cảnh an ninh khu vực nóng bỏng.
Hải quân Mỹ và Malaysia trong một cuộc diễn tập quân sự trên Biển Đông
Hải quân Mỹ và Malaysia trong một cuộc diễn tập quân sự trên Biển Đông


Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc vừa đăng bài viết cho rằng, từ cuộc diễn tập liên hợp hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các nước đối tác (ADMM+) cho thấy, việc tranh giành ảnh hưởng quân sự đối với ASEAN vốn âm thầm của các nước lớn không chỉ đã được "công khai", mà còn có xu hướng quyết liệt.

Trên thực tế, gần đây, các cuộc diễn tập quân sự có sự tham gia của ASEAN ngày càng gia tăng. Cuộc diễn tập thường niên Carat với các nước ASEAN là hình mẫu tăng cường ảnh hưởng quân sự đối với ASEAN của Mỹ. Ngày 2 tháng 7, Mỹ vừa kết thúc cuộc diễn tập lần thứ 19 "Carat-2013" với Philippines. Trước đó, Mỹ cũng đã tổ chức diễn tập "Carat-2013" với Malaysia, Thái Lan.

Thiếu tướng Jefferey Harley, Tư lệnh lực lượng đổ bộ Hạm đội 7 của Mỹ nói thẳng rằng: "Cuộc diễn tập Carat lần thứ 19 có nghĩa là cuộc diễn tập thường niên giữa Mỹ và các nước ASEAN đã có 19 năm, điều này giúp cho Hải quân Mỹ và ASEAN tìm được một con đường hợp tác có hiệu quả trong tương lai".

Một sĩ quan giấu tên của Malaysia cho biết: "So với các cuộc diễn tập thường lệ những năm trước, năm nay số lượng tàu chiến, máy bay và binh sĩ tham gia diễn tập giữa Mỹ và các nước ASEAN đều tăng lên.

Sự tham gia diễn tập của tàu tuần duyên mới của Mỹ có khả năng tác chiến ven bờ, có thể tác chiến mặt nước, quét mìn và săn ngầm càng là một điểm sáng khác biệt". Vị sĩ quan này hầu như tình cờ nhấn mạnh, "những cuộc diễn tập này cơ bản là tiến hành ở quanh Biển Đông".

Nhật Bản-Philippines xích lại gần nhau trước sức ép quân sự từ Trung Quốc trên hướng biển.
Nhật Bản-Philippines xích lại gần nhau trước sức ép quân sự từ Trung Quốc trên hướng biển.

Vai trò ảnh hưởng quân sự của Nhật Bản đối với ASEAN đã tăng lên rõ rệt trong những năm gần đây. Trước đây, Nhật Bản thúc đẩy "ngoại giao chống cướp biển" đối với Indonesia và Philippines, tức là giương lá cờ chống cướp biển Malacca, chi viện lượng lớn tàu tuần phòng hải dương mới.

Hiện nay, Nhật Bản ngoài tiếp tục áp dụng cách làm này, còn gia tăng mức độ ảnh hưởng quân sự đối với những nước ASEAN mà trước đây "không được coi trọng", chẳng hạn Brunei.

Ngày 6 tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đến Brunei, tham vấn vấn đề "tăng cường hợp tác quân sự song phương" với Tư lệnh các lực lượng vũ trang Brunei. Tháng 5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, Brunei cần làm "kiểm nghiệm" đối với sự tăng cường vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc.

Vai trò ảnh hưởng quân sự của Nhật Bản đối với Philippines cũng tăng lên rõ rệt. Một nguồn tin quân sự Malaysia giấu tên tiết lộ, Nhật Bản, Mỹ và Philippines đã đạt được một thỏa thuận, ba nước có thể cử quan sát viên tới hiện trường các cuộc diễn tập song phương hoặc đa phương, hoặc trực tiếp cử lực lượng tham gia diễn tập. Bắt đầu từ cuối năm 2013, Nhật Bản cử Lực lượng Phòng vệ tổ chức diễn tập liên hợp với Philippines, hoặc tham gia diễn tập liên hợp Mỹ- Philippines.

Biên đội tàu chiến Ấn Độ thăm Việt Nam
Biên đội tàu chiến Ấn Độ thăm Việt Nam

Một thế lực bên ngoài đang có  ảnh hưởng lên ASEAN khác là Ấn Độ. Một sĩ quan Malaysia tiết lộ, Quân đội Philippines và Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận, Philippines có thể cử sĩ quan hải quân đến Ấn Độ để huấn luyện, chương trình huấn luyện hạt nhân của họ là tác chiến chống tàu ngầm.

Với tư cách là một cường quốc quân sự, Nga lại thông qua một hình thức khác để tăng cường ảnh hưởng quân sự lên ASEAN. Sĩ quan Malaysia tiết lộ, Nga đã đồng ý nâng cấp máy bay MiG-29N cho Không quân Malaysia, giúp Không quân Malaysia kéo dài tuổi thọ của máy bay chiến đấu chủ lực đến 40 năm.

Điều quan trọng hơn là, về nguyên tắc, Nga đồng ý bán máy bay chiến đấu Su-30MKM và máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm cho Không quân Malaysia, và đồng ý cho nhập dây chuyền sản xuất.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Nga
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Nga
Đông Bình