Bộ GTVT thanh tra 7 địa phương gia tăng số vụ TNGT nghiêm trọng

09/07/2013 09:37
Ngọc Quang
(GDVN) - Nhằm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trong hoạt động vận tải đường bộ, ngày 8/7, Bộ GTVT đã thành lập đoàn thanh tra tại các tỉnh thành có số vụ TNGT tăng trong 6 tháng đầu năm 2013.

Từ ngày 15/7, 7 đoàn thanh tra do 7 Thứ trưởng Bộ GTVT làm trưởng đoàn sẽ tiến hành thanh tra tại 21 địa phương, trong đó có 7 tỉnh thành để xảy ra việc gia tăng số vụ TNGT nghiêm trọng trong 6 tháng đầu năm 2013. Nội dung thanh tra tập trung vào hai vấn đề: Điều kiện kinh doanh vận tải ô tô, xe container và Quản lý phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình.

Năm 2013 là năm an toàn giao thông, mặc dù các biện pháp được các cấp tổ chức quyết liệt ngay từ đầu năm, số vụ tai nạn giảm nhưng số người thiệt mạng lại gia tăng, gần 6% so với 6 tháng cùng kỳ 2012.

Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước đã xảy ra hơn 5.500 vụ tai nạn giao thông làm chết gần 5.000 người (tăng 5,5% so với cùng kỳ) và làm bị thương 3.500 người.

Ngành giao thông đang nỗ lực giảm thiểu số vụ TNGT nghiêm trọng trên cả nước.
Ngành giao thông đang nỗ lực giảm thiểu số vụ TNGT nghiêm trọng trên cả nước.

Báo cáo về nguyên nhân các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho rằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn là do ý thức, đạo đức và sức khỏe của người lái xe không đảm bảo theo quy định, dẫn đến những hành vi vi phạm về tốc độ, đi sai phần đường, vượt xe không đúng quy định.

Nguyên nhân chủ quan là do có sự buông lỏng trong công tác quản lý Nhà nước về vận tải, cũng như những hạn chế về hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho rằng sẽ khó giảm được con số người bị thương vong nếu tình hình không được kiểm soát và có biện pháp mạnh hơn.

Trước đó, vào đầu tháng 3, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện yêu cầu các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông.

Công điện cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; huy động tối đa phương tiện, trang thiết bị và lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, công an xã, thanh tra giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các lỗi vi phạm có nguy cơ gây tai nạn như: chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, đi sai phần đường, làn đường, uống rượu bia điều khiển phương tiện, dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng quy định, người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm… 
Tập trung và kiểm tra xử phạt đối tượng lái xe khách, xe mô tô vi phạm trên các tuyến quốc lộ trọng điểm. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông tại các vùng nông thôn, các tuyến đường liên huỵên liên xã; quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải khách trên các tuyến quốc lộ trọng điểm…

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho rằng: "Cần có quy định đối với người cầm lái; làm rõ việc một số trung tâm cai nghiện tổ chức đào tạo lái xe cho người cai nghiện. Có thể đào tạo cho người cai nghiện biết lái xe, nhưng không thể đào tạo để họ cầm lái những loại phương tiện liên quan đến tính mạng nhiều người như xe khách, container. Hơn nữa, cần xem xét xử lý hình sự đối với hành vi lái xe không có giấy phép lái xe, không để đến khi TNGT chết người xảy ra mới xem xét khởi tố".
Ngọc Quang