"Công trình giao thông ở VN đội giá, chênh lệch vô cùng lớn"

11/07/2013 13:25
Ngọc Quang
(GDVN) - "Có công trình nào không đội giá? Có công trình giao thông nào không đội giá, mà đội giá vô cùng lớn? Thế mà vẫn đâu vào đấy. Công trình cả ngàn tỷ mà cứ chạy theo điều chỉnh giá dẫn đến giá đắt nhất khu vực, nhất thế giới. Dây dưa kéo dài tiến độ để điều chỉnh giá, tiêu cực chạy cho trúng thầu mà không bắt, không xử được". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi.

Tại phiên làm việc sáng nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật đấu thầu (sửa đổi). Sau khi nghe các ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh phải có các quy định chặt chẽ để làm sao khi Luật được thông qua phải khắc phục được những hạn chế trong luật hiện hành cũng như tình trạng đấu thầu, thông thầu, điều chỉnh giá đang gây bức xúc hiện nay. Đó là điều mà ĐB Quốc hội và nhân dân cả nước đang mong đợi.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, thực trạng đang gây bức xúc trong nhân dân hiện nay là chuyện thông thầu, sau khi trúng thầu rồi thì điều chỉnh đội giá rất lớn.

“Có công trình nào không đội giá? Có công trình giao thông nào không đội giá, mà đội giá vô cùng lớn? Thế mà vẫn đâu vào đấy. Công trình cả ngàn tỷ mà cứ chạy theo điều chỉnh giá dẫn đến giá đắt nhất khu vực, nhất thế giới. Dây dưa kéo dài tiến độ để điều chỉnh giá, tiêu cực chạy cho trúng thầu mà không bắt, không xử được”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ bức xúc.

Chủ tịch Quốc hội: Luật Đấu thầu sửa đổi phải ngăn chặn được tình trạng thông thầu, không cho phép các công trình đội giá như thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội: Luật Đấu thầu sửa đổi phải ngăn chặn được tình trạng thông thầu, không cho phép các công trình đội giá như thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là điểm cốt lõi trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, phòng chống lãng phí. Làm gì để chống thông thầu? Làm gì để chống lãng phí? Đó là điều quan trọng, đề nghị các ủy ban vào cuộc quyết liệt để có các biện pháp hữu hiệu ngăn chặn. Dứt khoát khi đưa báo cáo thẩm tra ra Quốc hội phải nói được điểm đó, phải có cái gì hơn cái cũ, ngăn chặn được thông thầu. Nếu chưa làm được điều đó thì chưa thể thông qua được, vì Đại biểu QH không hài lòng, nhân dân không hài lòng.

"Thông thầu tiêu cực thì xử lý thế nào? Mới nói tới bồi thường chung chung và xử lý theo pháp luật, tôi thấy còn nhẹ nhàng. Tôi có nhiều năm làm trong ngành tài chính và thấy đau nhất là ở chỗ sau đấu thầu, trúng thầu là cứ điều chỉnh giá, không điều chỉnh không được vì nó đúng luật. Vậy luật dở hay luật đúng? Thiết kế nhà thế nào thi công thế ấy, không có thay đổi chứ! Suốt ngày chờ giá, điều chỉnh rồi thiệt hại. Tiếng nói của Bộ Tài chính ở đâu, thanh tra tiếng nói ở đâu, ý kiến thế nào để thuyết phục Quốc hội.
Tôi không đồng ý điều chỉnh giá. Giá trúng thầu là cuối cùng. Rủi ro tính hết đi, rồi cho tỷ lệ. Không chấp nhận việc cứ thay đổi liên tục. Thiết kế phải là chắc chắn, khối lượng là ổn định. Phải sòng phẳng, minh bạch thì mới chống tiêu cực được. Cứ nhập nhằng là thiếu trách nhiệm", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Tham dự và phát biểu ý kiến tại phiên làm việc, ông Cao Viết Sinh - Thứ trưởng Bộ Kế hoạc và Đầu tư cho rằng, giải quyết triệt để  tình trạng thông thầu, trúng giá thấp rồi điều chỉnh giá là vấn đề đại sự.

“Trong đấu thầu có nhiều hình thức, trong đó có đấu thầu trọn gói và nhà thầu nước ngoài hay lựa chọn. Nhưng điều kiện kiên quyết là kinh tế vĩ mô phải ổn định. Vì chỉ cần lạm phát tăng thì ảnh hưởng giá, tỷ giá rồi lãi suất”, ông Sinh nói. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã nhắc lại quan điểm “dứt khoát không đồng ý điều chỉnh giá”.

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết sẽ tiếp thu và làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội  để tiếp tục nghiên cứu, thiết kế các quy định cho chặt chẽ, rõ ràng.

Phát biểu về nội dung này, ông Phùng Quốc Hiển  - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách: Nhiều dự án vốn nhà nước kéo dài có nguyên nhân lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo năng lực về tài chính, kỹ thuật. Nhiều nhà thầu thắng thầu khối lượng rất lớn, nhưng khả năng thực hiện không đạt. Do đó, việc sửa đổi luật lần này phải có quy định chặt chẽ để lựa chọn nhà thầu đủ điều kiện. Thực tế có tình trạng bỏ thầu thấp, kéo dài thời gian thi công, đợi khi có thay đổi về giá, không chấp hành tốt ký kết ban đầu khi tham gia đấu thầu.

Nhiều hợp đồng chúng ta thiên về giá mà chưa chú trọng yếu tố kỹ thuật. Giám sát nhiều công trình cho thấy yếu tố kỹ thuật không được ưu tiên hàng đầu, nên nhiều công trình không đảm bảo, có công trình mới thi công đã phải sửa chữa. Do đó, tiêu chuẩn hồ sơ cần được quy định thiên về hướng quy mức cao hơn về tổng điểm kỹ thuật, nếu cứ thiên về giá thì chất lượng công trình sẽ còn nhiều  vấn đề.

Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng, trong hộp đồng mời thầu phải đưa hết các yêu cầu của chủ đầu tư, và cho thêm một phần trăm nhỏ tỷ lệ giao động.

"Đơn vị nào đã tham gia đấu thầu và trúng thầu thì phải chấp hành đúng quy định, đúng với giá trúng thầu, chứ không thể để xảy ra tình trạng đội giá quá lớn như hiện nay. Do đó, khi xây dựng lại thật chặt chẽ Luật đấu thầu thì đây sẽ là một thanh bảo kiếm giúp chúng ta đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống lãng phí", ông Ksor Phước bày tỏ.
Ngọc Quang