Thi thêm khối C1 (Văn – Sử - Ngoại ngữ), tại sao lại không?

15/07/2013 07:18
Trung Hiếu – Minh Hải
(GDVN) - Có các khối thi A, A1, B, C, D và một số khối chuyên ngành năng khiếu. Dẫu biết rằng, sự thay đổi tư duy, quan điểm, cách nhìn nhận về việc quyết định thi tuyển sinh để tạo nên một sự đột phá trong giáo dục và đào tạo là một việc không dễ và cũng phải quyết định trong một sớm một chiều.
Thực tiễn và nhu cầu của công tác tuyển sinh vào đại học, cao đẳng trong những năm gần đây  đã  đặt ra nhiều vấn đề từ khâu tuyển sinh đầu vào đến khâu tìm kiếm công ăn việc làm sau khi người học đã tốt  nghiệp đại học, chúng tôi thiết nghĩ, có khối thi A1 tại sao lại không có thêm khối thi C1? (Văn - Sử - Ngoại Ngữ). Vì sao chúng tôi lại đưa ra ý kiến đề xuất như vậy ? Thứ nhất: Nhiều lần chúng tôi đến các điểm du lịch di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh ( di tích lịch sử Đền vua Đinh – vua Lê ở Cố đô Hoa Lư -Ninh Bình, Cố đô Huế …) hướng dẫn viên du lịch tại các điểm giới thiệu không chính xác về di tích mình quản lý. Có những hướng dẫn viên  khi giới thiệu chẳng khác gì như một cái máy đã ghi âm sẵn những kiến thức về địa điểm mà mình hướng dẫn. Nếu du khách có muốn tìm hiểu thêm thì trả lời chưa thuyết phục. Như vậy, giới thiệu với khách trong nước đã như vậy, những hướng dẫn viên này giới thiệu với du khách nước ngoài thì có gì khác không? Chúng tôi tin rằng, điều đó càng khó, bởi họ ngoài yếu tố đầu tiên là phải khá về những hiểu biết lịch sử di tích, danh thắng thì họ còn phải giỏi về ngoại ngữ.
Các thí sinh làm thủ tục dự thi ĐH, CĐ năm 2013. Ảnh minh họa Xuân Trung
Các thí sinh làm thủ tục dự thi ĐH, CĐ năm 2013. Ảnh minh họa Xuân Trung
Chúng ta hãy nhớ lại, tháng 11 năm 2000 Tổng thống Mĩ Bill Clinton sang thăm Việt Nam có đến Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trước đó ông đã tìm hiểu khá kĩ về Văn Miếu Quốc Tử Giám, về các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình để tuyển chọn các tiến sĩ…  Tổng thống Mĩ Bill Clinton đã đến xem quả chuông to treo ở Đại Bái Đường và nói trước khi đi có đọc tài liệu về Văn Miếu Quốc Tử Giám, sách cũ không thấy nhắc đến quả chuông này. Ông đã được giải thích năm 1781 có đúc 5 quả chuông, nay chỉ treo 1 là Bích Ung theo phong tục Việt Nam, bởi Văn Miếu Quốc Tử Gíam là nơi tâm linh cần có chuông và trống nơi thờ cúng. Câu chuyện này có làm nhiều người Việt đỏ mặt  không, vì họ đã không biết gì về Văn Miếu Quốc Tử Giám.Thứ hai: Nhiều trường đại học tuyển sinh khối D (thi Văn- Toán- Ngoại ngữ ), nhưng thực tế trong quá trình đào tạo và công việc sau này lại cần thiết phải học Sử. Ví dụ, học  các môn ngoại ngữ như  Anh,  Pháp, Nga, Trung, Nhật… thực chất là học ngôn ngữ - ngữ pháp và lịch sử văn hóa của những quốc gia nói tiếng đó. Thế tại sao  lịch sử dân tộc, lịch sử văn hoá  mình lại chưa được quan tâm đúng mức ? Thứ ba: Một thực tế nhiều năm qua  mà nhiều người đều biết rằng, trong các môn khoa học xã hội, Lịch Sử là môn  học bị xem thường nhất. Ở nhiều trường THPT, số lượng học sinh đăng ký tham gia học khối C ngày càng suy giảm. Các trường chuyên khi tiến hành tuyển sinh đầu vào cũng gặp rất nhiều khó khăn ở các lớp chuyên Sử và Địa. Nhiều trường không thể tuyển được lớp chuyên Sử, hoặc nếu có lớp chuyên Sử thì chất lượng không cao, và khi các em vào học chuyên Sử thì số đông lại vào để học và thi khối D.Và như vậy, môn Sử đối với kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng hàng năm chủ yếu là khối C. Trong hệ thống các trường đại học quốc gia, thi khối C chỉ quay đi quẩn lại một số trường như  như Sư phạm , Luật, Khoa học xã hội & Nhân văn, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Học viện Cảnh sát, Học viện An ninh …  Nếu môn Sử được mở rộng trong khối thi, trường thi, nhiều học sinh sẽ có thêm những sự lựa chọn đăng ký thi và học, tự khắc sự quan tâm và nhìn nhận vị trí môn này trong xã hội, trong lòng người có sự thay đổi rõ rệt.Thứ tư: Nhìn ra nước bạn, một số nước khi bạn muốn nhập quốc tịch, hay đến sống và làm việc, bắt buộc bạn phải trải qua một cuộc kiểm tra, sát hạch  (hoặc phỏng vấn) về lịch sử nước đó. Theo Luật nhập cư của Canada, những người muốn nhập Quốc tịch nước này phải trải qua kỳ thi viết và phần hỏi vấn đáp về lịch sử chính trị - xã hội và lịch sử văn hoá Canada từ năm 1867 đến nay. Ở nước Mỹ, từ những năm đầu thế kỷ XXI, những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới đã đặt ra những thách thức cho công tác dạy học Lịch Sử ở các trường phổ thông. Sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công ngày 11/9/2001, các chuyên gia trong nghành giáo dục Mỹ buộc phải thay đổi cách nhìn nhận và thấy được sự cần thiết phải tăng cường hiểu biết về lịch sử những khu vực khác nhau trên thế giới cũng như phải tìm hiểu về lịch sử tôn giáo, lịch sử văn hoá và chính trị. Vậy, tại sao ở nước ta những người “thông ngôn” nói riêng, hay người Việt nói chung lại thiếu đi sự cần thiết tìm hiểu lịch sử dân tộc mình. Những ý kiến trên đây là của những người đã, đang và sẽ vẫn còn nặng lòng với quốc sử và luôn nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
            “ Dân ta phải biết sử ta
        Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
                        ( Việt Nam quốc sử diễn ca )

Hơn 70 năm qua , khi Hồ Chí Minh viết những lời tâm huyết ấy, tình hình học Sử, thi Sử và nhận thức về lịch sử dân tộc hiện nay lại đang diễn ra chưa đúng với điều mà Người mong đợi. Lịch sử là cái đã qua, cái tưởng quên đi nhưng lại luôn tiềm tàng  gắn với hôm nay và ngày mai. Chúng tôi chỉ xin kết thúc bài viết này bằng ý kiến phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang  tại Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội Khoa học Lịch sử Việt nam (20/10/2011 ): “Sử học là ngành khoa học nền tảng hết sức quan trọng, không chỉ dựng lại quá khứ mà từ đó biết “ôn cố tri tân”, phục vụ trực tiếp sự nghiệp cách mạng hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Các giá trị lịch sử và văn hoá chung đúc kết qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước, luôn là nguồn động lực của sự phát triển bền vững”.
Trung Hiếu – Minh Hải