Ngư dân bị tàu TQ tấn công kể về giây phút đối mặt kinh hoàng

18/07/2013 15:07
Tấn Tài
(GDVN) - Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng chủ tàu Võ Minh Vương Qng 96787 TS  khẳng định sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển để khẳng định chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Nhiều lần bị Trung Quốc khống chế...

Khoảng 8h sáng 16/07, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã đến khu vực sửa chữa tàu thuyền, nơi mà tàu của ngư dân Võ Minh Vương Qng  96787 TS vừa bị Trung Quốc khống chế, phá hại và đánh đập thuyền viên đang phải tu sữa lại để tiếp tục vươn khơi bám biển.

Tiếp xúc với phóng viên chúng tôi, thuyền trưởng Võ Minh Vương vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về những giây phút kinh hoàng đó.

Anh Vương đang tu sữa lại tàu
Anh Vương đang tu sữa lại tàu

“Như mọi lần trước, khi thấy tàu của Trung Quốc tiến tới vùng biển Hoàng Sa (thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam - PV) gây sự, xua đuổi nên tôi cho tàu chạy về hướng đất liền. Thế nhưng, tàu của Trung Quốc lại tăng tốc rượt đuổi theo, chỉ vài phút sau họ đuổi kịp và khống chế chúng tôi.

Họ cho người nhảy lên tàu cá, tay cầm theo súng để khống chế, một vài người dùng dùi cui đánh đập tới tấp vào ngư dân, dùng búa rìu chặt phá toàn bộ 6 bành dây hơi, 2 bành dây neo, đập nát cửa kính ca bin tàu, lục soát lấy đi toàn bộ hệ thông Icom, máy dò, định vị, 2 thuyền thúng và trên 3 ngàn lít dầu cùng nhiều vật dụng khác.

Họ lên tàu chúng tôi khoảng 20 chục người cầm dùi cui khống chế chúng tôi trong vòng 4 giờ liền, trong vòng 4 giờ đó chúng đập phá đồ đạc trên tàu, lấy hết máy dò, máy định vị, lấy lưới chặt phá hết...

Trong khi chúng đập phá bắt anh em thuyền viên chúng tôi ngồi úp mặt xuống ai mà ngước đầu lên nhìn gì đó thì tụi nó liền dùng dùi cui đánh, chúng đánh tui đến mức ngất xỉu hơn 2 tiếng đồng hồ."  Anh Vương nhớ lại lúc bị Trung Quốc khống chế và đánh đập.

Anh Vương đang tu sữa lại tàu
Anh Vương đang tu sữa lại tàu

Trầm ngâm một lát, rồi anh Vương nói tiếp, "làm nghề đánh bắt cá ngoài khơi rất gian nan và nguy hiểm". Vì đây là lần thứ 7 anh Vương đã bị phái Trung Quốc khống chế, phá hại tài sản. Năm 2006, chiếc tàu cũ của anh Vương bị Trung Quốc tịch thu tàu, một lần anh bị giữ 3 tháng trời và phải nộp phạt 130 triệu.

Bị thu tàu và phải nộp tiền để được sớm về nhà nên anh Vương gặp rất nhiều khó khăn nên anh đi làm thuê cho những chủ tàu khác. Đến năm 2012, được Nhà nước hỗ trợ 300 triệu cộng với số tiền vay mượn và tích góp được anh quyết định mua lại tàu mới (1,5 tỷ đồng).

Nhưng đi đánh bắt chưa đầy 1 năm thì nay lại bị Trung Quốc khống chế, phá hại tài sản và đánh đập. Hiện tại, gia đình anh đang gặp rất nhiều khó khăn vì nợ cũ chưa trả hết nợ mới lại ập đến.


Tiếp tục bám biển, vươn ra Hoàng Sa đánh bắt cá

Mặc dù khó khăn trăm bề anh Vương vẫn quả quyết phải tiếp tục ra Hoàng Sa để đánh bắt cá, "Nợ thì đã nợ nhưng phải tranh thủ nhờ thợ sữa chữa lại tàu để tiếp tục đi đánh bắt cá, phải tranh thủ vì thời gian này dể bắt được nhiều cá. Khoảng 4-5 ngày nữa là tôi sữa xong tàu, lấy đá rồi tiếp tục đi Hoàng Sa" anh Vương khẳng định.

Anh Vương đang tu sữa lại tàu
Anh Vương đang tu sữa lại tàu

Anh Vương ra Hoàng Sa để tiếp tục đánh bắt cá để mưa sinh đồng thời khẳng định tiếng nói chủ quyền của đất nước. Anh Vương cho biết, "Ngư dân Lý Sơn chúng tôi đi khơi mà không đi Hoàng Sa thì biết đi đâu. Hoàng Sa là máu thịt của mình, ông cha ta đã khẳng định chủ quyền ở đó từ xa xưa, bản thân tôi ra đó khai thác thủy hải sản đã hơn 20 năm nay, nên quen thuộc địa hình như con nước, những gềnh đá nên thuận lợi hơn cho việc đánh bắt cá.

Mặt khác tôi ra Hoàng Sa để đánh bắt cá là tiếp nối thế hệ cha anh khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, trước kia cha ông ra đó cắm mốc thể hiện chủ quyền nay ngư dân Lý Sơn chúng tôi phải tiếp tục ra đó đánh bắt cá"

Là ngư dân anh Vương mong muốn được các ban ngành chức năng động viên giúp đỡ và bảo vệ khi đi đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

"Hiện tại tôi chưa trả hết nợ cũ, giờ thuyền bị phá hại ngư lưới cụ bị lấy hết nên gặp rất nhiều khó khăn. Việc sắm mới lại ngư lưới cụ khoảng gần 600 triệu nếu không được sự hỗ trợ của Nhà nước thì thì biết vay nguồn nào để sắm lại. Mặt khác khi ngư dân chúng tôi đi đánh bắt cá xa bờ cần có Cảnh sát biển, Hải quân đi theo để bảo vệ để ngư dân chúng tôi yên tâm hơn." anh Vương mong muốn.

Tấn Tài