Thủ tướng Thái Lan nên làm cầu nối giải quyết tranh chấp Biển Đông

22/07/2013 06:59
Hồng Thủy (Nguồn: The Nation)
(GDVN) - Thẳng thắn mà nói, Thái Lan có thể giúp lãnh đạo các nước có mâu thuẫn, xung đột biên giới đặc biệt là xung đột trên biển và hàng hải (Biển Đông) nói chuyện với nhau.
Cựu Phó thủ tướng Thái Lan Surakiart Sathirathai
Cựu Phó thủ tướng Thái Lan Surakiart Sathirathai
Thủ tướng Thái Lan phải đóng vai trò cầu nối để đạt được hòa bình và hòa giải giữa các nước đang có tranh chấp trong khu vực, cựu Phó thủ tướng Thái Lan Surakiart Sathirathai cho biết. "Lịch sử chính sách ngoại giao của Thái Lan cho thấy chúng tôi luôn đóng vai trò như một điều phối viên giữa các bên xung đột để có được sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn", ông Sathirathai phát biểu trong dịp kỷ niệm 43 năm ngày thành lập tờ The Nation. Suthichai Yoon, Chủ tịch tập đoàn truyền thông đa phương tiện đã yêu cầu Surakiart trong bài phát biểu của mình hãy cho biết, nếu ông làm Thủ tướng thì điều gì sẽ được ưu tiên. Surakiart từng là Ngoại trưởng Thái Lan trong chính quyền cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra giai đoạn 2001 - 2005, ông đã nâng cao vai trò của Thái Lan trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và châu Á. Hiện Surakiart là Chủ tịch Hôi đồng Hòa giải, hòa bình châu Á (APRC) được thiết lập năm ngoái, một tổ chức phi chính phủ thúc đẩy hòa bình và hòa giải ở châu Á. "Tôi nghĩ răng Thái Lan là một trong những quốc gia đang ở vị thế rất tốt để làm việc với APRC nhằm tạo ra một cuộc đối thoại hòa bình", Surakiart cho biết, thẳng thắn mà nói, Thái Lan có thể giúp lãnh đạo các nước có mâu thuẫn, xung đột biên giới đặc biệt là xung đột trên biển và hàng hải (Biển Đông) nói chuyện với nhau. Thái Lan có thể giúp giảm bớt căng thẳng thông qua "ngoại giao im lặng". Thách thức tại châu Á hiện nay là làm thế nào để tạo ra một sự cân bằng ảnh hưởng giữa các nước lớn trong khu vực khi phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh quá lớn giữa Trung Quốc và Mỹ. Các cuộc xung đột lãnh thổ đang là những yếu tố gây bất ổn cho tương lai châu Á. Tranh chấp biên giới Thái Lan - Campuchia, xung đột tại miền Nam Philippines đặc biệt là tranh chấp Biển Đông giữa 4 nước thành viên ASEAN với Trung Quốc vẫn đang tồn tại. Trong khi hiện đại hóa quân sự trong khu vực châu Á có thể không được dự tính cho việc mở rộng lãnh thổ bằng cách sử dụng vũ lực nhưng nguy cơ xảy ra xung đột do "tính toán sai lầm" dẫn đến đụng độ quân sự vẫn có thể xảy ra. "Thách thức là rõ ràng. Làm thế nào để châu Á có thể đưa ra cơ chế tránh xung đột, giảm căng thẳng và giải quyết xung đột, đặc biệt là vấn đề chủ quyền, nơi cảm xúc dân tộc có thể dễ dàng bùng nổ và rơi khỏi tầm kiểm soát", ông Surakiart chia sẻ.

Hồng Thủy (Nguồn: The Nation)