Vụ CSGT bắn cán bộ huyện: Rất nhiều độc giả ủng hộ phương án cho bắn!

23/07/2013 07:46
Đỗ Tuyết (tổng hợp)
(GDVN) - Liên quan đến vụ việc: "Cán bộ huyện trêu tức CSGT bị “ăn đạn” phải đi bệnh viện, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều đưa ra về việc có nên cho CSGT nổ súng, bắn đạn cao su vào những hành vi chống đối CSGT hay không.
Như báo Giáo dục Việt Nam đã thông tin. Ngày 16/7, trong khi đang điều khiển giao thông tại ngã tư Lê Quý Đôn- Trần Phú, đại úy Trần Ngọc Hoàng phát hiện 2 thanh niên không chấp hành luật giao thông khi đang điều khiển phương tiện trên đường.
Đồng chí Hoàng đã rút súng bắn đạn cao su ra bắn cảnh cáo nhưng 2 người điều khiển xe máy vẫn không chấp hành hiệu lệnh, nên đồng chí Hoàng đã nổ súng làm hai thanh niên bị thương.

Ngay sau đó, đại úy Trần Ngọc Hoàng đã bị đình chỉ công tác. Hiện vụ việc vẫn đang chờ cơ quan chức năng giải quyết.

Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra trước hành động của đại úy Trần Ngọc Hoàng
Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra trước hành động của đại úy Trần Ngọc Hoàng

Trước sự việc này rất nhiều độc giả gửi ý kiến của mình đến báo Giáo Dục Việt Nam thể hiện quan điểm và suy nghĩ riêng.

Đồng ý để cho CSGT bắn để dăn đe

Đồng ý về hành động của đại úy Trần Ngọc Hoàng. Độc giả Nguyễn Văn Quốc bày tỏ: “Hành động của hai người tham gia giao thông bị CSGT bắn là đúng. CSGT là những người thực thi pháp luật đã ban hành có hiệu lực. Dù anh đúng hay sai, khi có hiệu lệnh, anh phải dừng lại để biết sự việc thế nào và  trước hết phải tuân thủ pháp luật.  

Hai người đi xe máy kia thể hiện thái độ nghênh ngang hoàn toàn không thể chấp nhận được và là người xem thường pháp luật Nếu mọi người cũng đều chạy ẩu, băng bừa như thế thì làm thế nào? Để giao thông thành loạn mất. Nổ súng là đúng. Phải cho CSGT có quyền như thế để ngăn ngừa những kẻ lạm dụng thực quyền của CSGT . Bắn là đúng”.

Đồng tình với ý kiến đó, độc giả Minh Hoàng chia sẻ: “Tôi cũng là độc giả thường xuyên theo dõi thông tin này. Tôi thấy để cho xã hội lập lại trật tự kỷ cương theo quy định của pháp luật. Tôi nhất trí với ý kiến cho phép CSGT và những người thi hành công vụ được bắn súng cao su .

Nhìn nhận trên mọi góc độ, tôi thấy mọi người nhận xét và nêu ra rất nhiều tình huống xử lý nhưng thật theo kiểu ghi biển số rồi mời ra xử nguội thì chỉ nói cho hay thôi.  Có bạn đọc cũng đã nói khó lắm "bằng chứng đâu" nên chăng trang bị camera cho CSGT, nhưng điều này cũng khó thực hiện. Bởi trong lúc này 2 tay điều khiển xe thì còn tay nào nữa quay camera”.

Ủng hộ hành động của cảnh sát Hoàng, độc giả Tiến Dũng viết: “Nếu có hình thức cải tạo lao động thì nên cho hai kẻ này đi học gấp. Anh Cảnh sát đã làm đúng. Tôi ủng hộ việc dùng súng trong những trường hợp này”. 

Hay  quan điểm của độc giả Minh Dân: “Tôi đồng tình và hoan ngênh về cách xử lý của CSGT Hoàng, đó là cách tốt nhất bảo vệ pháp luật, bảo vệ nhân dân”.

“Người lớn, cán bộ huyện mà còn đem luật pháp, tính mạng ra làm trò đùa thì thử hỏi, trẻ con sẽ nghĩ thế nào? chắc là rất nhiều anh "luyện". Theo tôi phải đuổi 2 người này ra khỏi đảng để làm gương. Vị cảnh sát kia cũng chỉ hành động vì nghĩa vụ của mình”: Độc giả Văn Tuấn.

Độc giả Phan Thanh Sơn góp ý: “Tôi có theo dõi trên báo trường hợp này và nói thật phải tôi là CSGT tôi cũng không thể chịu được hành vi thách thức CSGT sau khi mình đã vi phạm luật GT đường bộ. Tuy nhiên tôi có ý kiến như sau: 

Việc CSGT dùng súng bắn đạn cao su vào người vi phạm đúng hay sai khi sử dụng vũ khí do qui định của luật pháp, tôi không rõ nhưng tôi thấy trường hợp này cũng đáng nhớ đời cho người vi phạm giao thông. 

Đối với người vi phạm lại có hành vi trêu chọc CSGT lại là công chức nhà nước nên có hình thức xử lý hành chính thật nặng mới làm gương cho những công chức khác khi có động thái tương tự”.



"Không đồng ý cho CSGT bắn đạn cao su vào người vi phạm giao thông"


Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc cảnh sát Hoàng rút sung cao su bắn hai cán bộ huyện không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông và lượn lách đánh võng trên đường. Nhiều thành viên đưa ra những quan điểm cho rằng hành động của cảnh sát này phải chịu trách nhiệm thật nghiêm khắc. Độc giả Đỗ Phương đưa ra ý kiến: 

“Tôi không đồng ý để cho cảnh sát giao thông bắn đạn cao su vào người vi phạm giao thông dù họ có sai phạm, có lăng mạ, hành xử như thế nào đối với CSGT. Nếu trường hợp người vi phạm chống đối, có hung khí nguy hiểm thì lại là chuyện khác.

Trong trường hợp này, CSGT không thể nổ súng như vậy được bởi chúng ta còn có nhiều biện pháp khác để ngăn chặn mà như: Gọi điện lực lượng hỗ trợ, đeo bám tận cùng hay hô hào dân chúng bắt hoặc có thể trực tiếp chặn đầu xe của người vi phạm và khống chế... Họ có sai thì pháp luật sẽ nghiêm trị, chứ không thể nổ súng khi chưa cần thiết như vậy, dù họ sai thì họ cũng là "dân ta". ta không thể bắn vào dân ta được”.

Độc giả Văn Quân  cho rằng: “Cảnh sát cứ bị trêu là nổ súng, bất chấp tính mạng của người dân có thể bị đe dọa thì có khác gì dân xã hội đen cứ thấy ngứa mắt, bị nhìn đểu là đánh, là giết? Tôi đồng ý việc phải nghiêm trị những hành vi vi phạm pháp luật, chống đối người thi hành công vụ nhưng  nổ súng thì lại là hành động không chấp nhận được. Pháp luật phải thật nghiêm minh đối với vị cảnh sát này”.

Cho rằng hành động của hai cán bộ huyện tham gia giao thông là vi phạm pháp luật tuy nhiên, người cảnh sát giao thông dùng sung bắn họ lại càng cần xử lý nghiêm minh, độc giả Tấn Sang cho biết: “Hành động của 2 vị cán bộ huyện tham gia giao thông đánh võng như vậy cần được lên án, kỹ luật thật nặng làm gương cho lớp trẻ.

Tuy nhiên  việc công an giao thông vì bị trêu tức mà dùng súng bắn là không thể biện minh cần xử lý nghiêm cho ra khỏi ngành. Nếu vì tức vì chêu mà bắn thì trong xã hội hiện tại nhiều cái vô lý, ngang trái, bất công...còn tức hơn nhiều, nhưng chẳn lẽ tức là bắn thì xã hội này sẽ ra sao. Cần có pháp luật xử lý”.

Ngoài ra có nhiều ý kiến cho rằng, trong trường hợp này theo pháp luật hiện hành, ai ai vi phạm phải chịu tội . Hai nạn nhân tội dân sự, phạt hành chính bằng tiền đúng theo quy định. Còn vị cảnh sát chịu tội hình sự: Nổ súng trái phép, cố ý gây thương tích, lợi dụng chức quyền, cố ý làm trái pháp luât. - không phạt tiền mà chịu tội hình sự, truy tố trước pháp luật” : độc giả Mai Phương đưa ra quan điểm.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Đỗ Tuyết (tổng hợp)