Inquirer: Ý chí Philippines mạnh hơn súng ống Trung Quốc nhiều

23/07/2013 13:00
Hồng Thủy (Nguồn: Inquirer)
(GDVN) - Người Philippines muốn nói với chính phủ Trung Quốc rằng Philippines có ý chí thống nhất và mạnh mẽ hơn nhiều so với các mối đe dọa và vũ khí của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nhiều lần bác bỏ các tuyên bố sai trái và cáo buộc chụp mũ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nhiều lần bác bỏ các tuyên bố sai trái và cáo buộc chụp mũ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tờ Inquirer ngày 21/7 có bài phân tích nhận định, ngày 24/7 trở thành "ngày đen tối" trong lịch sử Philippines khi ngày này năm ngoái Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và ngày một hung hăng, hiếu chiến ở Biển Đông. Tại sao Trung Quốc lại hành xử hung hăng ở Biển Đông, theo Inquirer có 2 khả năng.
Đầu tiên hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông bắt nguồn từ sự bất an. Những lời lẽ hung hăng của trung Quốc được thúc đẩy bởi ý định bành trướng vì nó ngày càng mất tự tin về việc tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế tốc độ cao sau cuộc khủng hoàng kinh tế. Những khó khăn trong nước liên quan tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến giới chức Trung Quốc mò mẫm một sự biện minh về ý thức hệ mới mà nó đã được cho thấy là gia tăng chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Giả thuyết thứ 2 là các động thái của Trung Quốc phản ánh sự tính toán lạnh lùng, sự tự tin về sức mạnh đang tăng lên. Hành động của Trung Quốc nhằm mục đích độc quyền trong việc đánh bắt cá và khai thác các nguồn năng lượng ở Biển Đông là một trong những nỗ lực trở thành bá chủ khu vực, bá chủ toàn cầu.
Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động bành trướng sức mạnh quân sự trên Biển Đông khiến khu vực và cộng đồng quốc tế lo ngại, đề phòng. Ảnh minh họa.
Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động bành trướng sức mạnh quân sự trên Biển Đông khiến khu vực và cộng đồng quốc tế lo ngại, đề phòng. Ảnh minh họa.
Nhưng bất luận nguồn gốc của những động thái leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông là gì thì hành vi của Bắc Kinh đã là một cảnh báo với các nước láng giềng và có thể buộc các nước này ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, thậm chí có nước coi Mỹ như một cứu tinh quân sự để cân bằng với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc cảm thấy bất an vì những mối quan hệ quân sự gần gũi giữa các nước láng giềng với Mỹ đang ngày càng phát triển thì nó chỉ có thể tự trách chính mình. Inquirer cho rằng Philippines không ghen tị với Trung Quốc về nỗ lực để trở thành 1 lãnh đạo khu vực. Nhiều người xem đó là một tiến trình tự nhiên của một quốc gia sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên nếu Trung Quốc hành xử như một nước có trách nhiệm trong khu vực thay vì một tham vọng bá chủ, thèm khát quyền lực thì các nước lớn khác sẽ ít có cơ hội tận dụng xung đột giữa Trung Quốc với các nước láng giềng để tham gia sâu hơn vào khu vực. Philippines tin rằng họ không thể bị bắt nạt vì có sự ủng hộ và hỗ trợ từ người dân toàn quốc hậu thuẫn chính phủ cũng như các kiều dân Philippines trên toàn cầu. Inquirer cho hay, người Philippines muốn nói với chính phủ Trung Quốc rằng Philippines có ý chí thống nhất và mạnh mẽ hơn nhiều so với các mối đe dọa và vũ khí của Trung Quốc. Philippines muốn nói, họ không tranh cãi với người dân Trung Quốc mà là với chính phủ Trung Quốc đã muốn áp đặt chế độ thực dân xâm lược ở Biển Đông với cái gọi là "thành phố Tam Sa" để xưng hùng, xưng bá ở Biển Đông. Và Inquirer tin rằng người dân trung Quốc sẽ ủng hộ Philippines để đảm bảo rằng công lý và không bạo lực sẽ thắng thế bất công và hiếu chiến.

Hồng Thủy (Nguồn: Inquirer)