"Sự hợp lí của việc tăng giá điện là rất khó nói"

01/08/2013 14:33
Mai Khôi
(GDVN) - TS Nguyễn Minh Phong nhận định, sự hợp lí của việc tăng giá điện rất khó nói, bởi vì chắc chắn DN đã bớt lỗ và hết lỗ rồi...
Tháng 8, dự báo CPI sẽ tiếp tục tăng mạnh do đợt tăng giá xăng tháng 7 và dồn dập những đợt tăng giá sữa, điện, gas...

"Sự hợp lí của việc tăng giá điện là rất khó nói"

Theo thông báo từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 1/8, giá điện bình quân là 1.508,85 đồng/kWh, tăng 5% so với giá bán điện bình quân đang áp dụng là 1.437 đồng/kWh. Đây cũng là nội dung Thông tư số 19/2013/TT/BCT của Bộ Công thương quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện ngày 31/7.

Cũng theo EVN, việc điều chỉnh giá bán điện lần này để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí, đặc biệt là giá than từ ngày 20/4 tăng từ 37 đến 41% tùy từng loại than.

Trước việc điều chỉnh tăng giá điện đột ngột như vậy, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, điện tăng giá điện đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt rồi nên họ tăng, chỉ có điều về mặt kĩ thuật thì không công bố nên chúng ta thấy đột ngột.

TS Nguyễn Minh Phong nhận định, sự hợp lí của việc tăng giá điện rất khó nói, bởi vì chắc chắn DN đã bớt lỗ và hết lỗ rồi. Ảnh minh họa.
TS Nguyễn Minh Phong nhận định, sự hợp lí của việc tăng giá điện rất khó nói, bởi vì chắc chắn DN đã bớt lỗ và hết lỗ rồi. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, nếu như đối với người dân, tăng giá 5% còn đỡ sốc, còn đối với các công ty sản xuất kinh doanh, các ngành sử dụng nhiều điện như xi măng, sắt thép... thì việc tăng giá phải có lộ trình, phải báo trước, không thể tăng đột ngột, nhất là tăng quá mạnh được, vì họ là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phải theo tiến độ giá cả mà họ đã dự liệu. Đó là chưa nói đến việc điều chỉnh tăng giá mạnh cho một số ngành cần phải có lộ trình.

Ông Phong nhận định, sự hợp lí của việc tăng giá điện là rất khó nói, bởi vì chắc chắn DN đã bớt lỗ và hết lỗ rồi, hơn nữa mức thu mua của DN sản xuất điện ngoài ngân sách chỉ có  700 đồng/1kWh là tối đa, trong khi hiện nay họ đang bán mức gấp đôi thì không thể nói lỗ được. Còn các mức chi phí khác như chi phí xăng dầu, thủy điện thì không phải là vấn đề lớn của năm nay vì giá mua của các nhà máy thủy điện đều xuống mà nước thì nhiều.

Trong khi đó, nhận định về thông tin điện tăng giá 5% kể từ 1/8, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng: Nếu tính một cách sòng phẳng, giá điện tăng bao nhiêu phần trăm thì các ngành hàng khác cũng chỉ được phép tăng số phần trăm tương ứng khi đã tính vào giá thành. Ví dụ, giá điện tăng 10%, thì các DN khác chỉ được phép tăng 1%. Đấy là tư duy tính giá thành từ chi phí sản xuất. Còn nếu đúng tư duy thị trường, sản xuất điện tăng 5% thì DN sản xuất nước cũng phải tăng 5% nếu không thì mình thiệt.

Tính theo giá thị trường là đúng, nhưng muốn có giá thị trường thì phải có thị trường cạnh tranh, giá thị trường phải hình thành trên thị trường và theo thị trường.

"Ngoài ra, thị trường còn phải đón đầu nữa. Điện, xăng có lộ trình tăng còn các mặt hàng, dịch vụ khác như giá taxi, ăn uống... không phải cứ tắt nhắt tăng. Ví dụ, một bát phở không thể thỉnh thoảng tăng 1.000, 2.000 đồng… mà tăng luôn 5.000 để đón đầu. Tới đây, nếu điện, xăng… có tăng giá nữa thì mình không tăng. Ngay cả taxi cũng vậy, cũng phải dồn, tích để tăng một thể và tăng đón đầu chứ không tăng ngay sau điện, xăng.

Theo như phân tích của TS Ánh, dễ thấy khả năng tăng giá các mặt hàng, dịch vụ khác là điều hoàn toàn có thể xảy ra, chỉ có điều là sớm hay muộn tùy vào hoạch định kinh doanh của các sịch vụ, ngành hàng đó.

Người tiêu dùng lo điệp khúc "lương tăng không kịp giá"


Chỉ trong vòng tháng 7, một loạt các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sữa bột cho trẻ em đều tăng giá. Cho dù việc giá sữa bột nhập khẩu của trẻ em ở Việt Nam luôn cao hơn giá sữa so với các nước trong khu vực, tuy nhiên, các hãng sữa ngoại như: Abbott, Mead Johnson... lại tiếp tục đợt tăng giá 10% bắt đầu từ 1/8.

Không chỉ giá điện tăng thêm 5%, đại diện Saigon Petro cũng cho biết, kể từ ngày 1/8, giá bán lẻ gas SP tăng 667 đồng/kg (đã VAT), tương đương mức tăng 8.000 đồng/bình 12kg so với giá đầu tháng 7/2013. Nguyên nhân tăng giá lần này, là do giá CP (giá gas thế giới – PV) công bố tháng 8/2013 bình quân là 820 USD/tấn, tăng 27,5 USD/tấn so với tháng 7. Trước đó vào tháng 7, giá gas của hãng này cũng đã tăng 13.000 đồng so với tháng 6.

Trước việc hàng loạt các mặt hàng thiết yếu tăng giá, bà Vũ Thị Thê (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Điện tăng giá quá bất ngờ, làm người dân chúng tôi rất ngỡ ngàng. Nhất là điện lại tăng giá trong bối cảnh các mặt hàng hóa thiết yếu đều tăng, trong khi đồng lương công chức của nhà nước cũng mới chỉ tăng có 100.000 đồng mỗi hệ số. Như vậy đồng lương của chúng tôi làm sao theo kịp giá? Đó là chưa kể đến việc chỉ một thời gian ngắn nữa, nhiều mặt hàng lại rục rịch tăng".

Khi các mặt hàng thiết yếu tăng giá, các DN sẽ tính toán để tính vào giá thành sản phẩm, chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt với mức lương tăng 1 mà giá cả sản phẩm lại tăng gấp mấy lần.

Theo dự báo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, tháng 8, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như thời tiết do đang trong mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng đến giá các mặt hàng thực phẩm, tỉ giá tăng, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới cao hơn, chuẩn bị vào mùa khai giảng. Đặc biệt là đợt tăng giá xăng ngày 17/7 đóng góp vào mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 so với tháng 7 là khoảng 0,1- 0,15%.

Tuy nhiên từ ngày 1/8, Hà Nội có sự điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, Tổ điều hành dự báo, CPI tháng 8 có thể tăng gấp đôi so với dự kiến, khoảng 0,6- 0,7%. Trong trường hợp nếu tháng 8, Hà Nội chưa áp dụng việc tăng giá viện phí thì CPI chỉ dao động quanh mức 0,3- 0,4%.

Cũng theo TS. Nguyễn Minh Phong, mức tăng này sẽ cộng hưởng với các mức tăng khác sẽ làm cho CPI tăng hơn nhiều trong tháng 8 so với mục tiêu đã đề ra, từ đó tạo ra hệ lụy tăng giá cho những tháng cuối năm và như vậy khả năng lạm phát vượt mức kế hoạch là rất dễ xảy ra. Điều này cũng đã được bộ Kế hoạch và Đầu tư, IMF, Wold bank khẳng định, CPI cuối năm sẽ trên 7% chứ không phải dưới mức như năm ngoái được.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lần điều chỉnh giá bán điện này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo quy định tại Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 23/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo và thu nhập thấp không thay đổi. Với biểu giá bán điện ban hành kèm theo Thông tư số 19 của Bộ Công Thương, các hộ nghèo và thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng sẽ không tăng chi, các hộ sử dụng điện sinh hoạt 100 kWh/tháng tăng chi 6.800 đồng/tháng, sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 10.650 đồng/tháng, sử dụng 200 kWh/tháng tăng chi 15.500 đồng/tháng, sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 26.000 đồng/tháng, sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 37.200 đồng/tháng.

Mai Khôi