GS Nguyễn Minh Thuyết: “Không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT”

02/08/2013 06:47
Ngọc Quang
(GDVN) - “Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải có cơ chế quản lý để kiểm soát chất lượng, chứ không thể thả lỏng như hiện nay rồi cuối cùng bảo là bỏ luôn kỳ thi này. Tôi vẫn luôn giữ quan điểm, có học thì phải có thi, không thi làm sao đánh giá được kiến thức của học sinh, làm sao đánh giá được chất lượng đào tạo? Mà nếu không đánh giá được thì vô cùng nguy hiểm cho tương lai đất nước”.

Nên giao quyền tự chủ kỳ thi tốt nghiệp cho các tỉnh

Sau khi thông tin Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lên tiếng về việc nên bỏ thi tốt nghiệp THPT nếu tỷ lệ đỗ tại kỳ thi này năm nào cũng ở mức 95-96%, nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng ủng hộ quan điểm này.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Đại biểu Quốc hội lại cho rằng, không thể bỏ hẳn đi một kỳ thi quan trọng như vậy, mà cần thay đổi cách thức thi và xa hơn nữa là thay đổi chương trình – SGK.

“Theo luật giáo dục 2005, không còn kỳ thi chuyển cấp tiểu học và THCS nữa, chỉ còn duy nhất một kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu bây giờ bỏ nốt kỳ thi này thì sẽ đặt ra một bài toán rất khó về kiểm soát chất lượng dạy học, chất lượng các bài kiểm tra hết môn và kiểm tra học kỳ chưa thể coi là căn cứ chính xác.

Ở một số nước có nền giáo dục thực sự phát triển, họ học thật, thi nhẹ nhàng hơn nhưng kết quả là thật, và tất nhiên chương trình của họ cũng không nặng nề như ở ta”, GS Thuyết nhận định.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Không nên bỏ thi tốt nghiệp, mà nên tổ chức thi nhẹ nhàng hơn, không nặng nề như hiện nay.
GS Nguyễn Minh Thuyết: Không nên bỏ thi tốt nghiệp, mà nên tổ chức thi nhẹ nhàng hơn, không nặng nề như hiện nay.

Trước những quan điểm cho rằng, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao như hiện nay thì nên bỏ hẳn kỳ thi này, bởi nó không thực chất mà lại gây tốn kém hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định: “Đây là vấn đề của cơ quan quản lý, Bộ Giáo dục không nên cứ ôm hết trách nhiệm như hiện nay nữa, mà hãy để cho các tỉnh tự chủ.

Khi đã giao quyền tự chủ, các tỉnh sẽ tự tổ chức thi, và Bộ Giáo dục chỉ tổ chức các đoàn thanh tra giám sát các kỳ thi. Tỉnh nào làm sai, trường nào làm gian dối thì phải chịu trách nhiệm. Vậy thì tại sao Bộ Giáo dục không làm như vậy? Hiện nay, Bộ Giáo dục đang ôm trọn cả kỳ thi này, nên chẳng có tỉnh nào chịu trách nhiệm, tất cả các lỗi đều đổ hết cho Bộ”.

Nếu không thi, không thể đánh giá được chất lượng dạy và học

Theo quan điểm của GS Thuyết, có học thì phải có thi, nếu không tổ chức thi nữa thì học sinh cũng sẽ không học những môn không thi đại học. Nếu căn cứ vào học bạ để xét tốt nghiệp thì tiêu cực còn lan tràn nhiều hơn.

“Chúng ta không thể ngăn chặn chuyện giáo viên dễ dãi khi cho điểm các bài kiểm tra hết môn hay kiểm tra học kỳ, một kỳ thi có tính chất quốc gia mà còn tiêu cực tràn lan thì các bài kiểm tra tại lớp làm sao chống được.

Chúng ta cũng không loại trừ tiêu cực sẽ nảy sinh chính từ phía các giáo viên, khi mỗi điểm số trong các bài kiểm tra đều có ảnh hưởng tới học bạ tốt nghiệp của học sinh. Nhưng quan trọng hơn nữa, thi tốt nghiệp cũng là một lần sàng lọc thí sinh trước khi vào đại học.

Những năm gần đây, đại học, cao đẳng mở ra nhiều quá, vì thiếu chỉ tiêu nên nhiều trường phải tuyển sinh ở mặt bằng điểm rất thấp, điều này rất nguy hiểm cho tương lai của đất nước”, GS Thuyết chia sẻ.

Tuy nhiên, có một thực tế trong quá khứ là khi thực hiện “hai không” (năm duy nhất) thì có trường tỷ lệ tốt nghiệp chỉ đạt 10%, và rồi kéo theo rất nhiều hệ lụy phải giải quyết từ con số 90% bị trượt. Và ngay năm sau “hai không” biến mất thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên cả nước lại vọt lên rất cao ở chính các địa phương và các trường có tỷ lệ tốt nghiệp thấp năm trước.

Kể từ đó tới nay, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp luôn giữ ở mức 95% trở lên, và cực chẳng đã năm học qua Bộ Giáo dục đã phải có yêu cầu Sở Giáo dục các tỉnh khống chế tỷ lệ tốt nghiệp.

Để giải quyết thực trạng này, GS Thuyết chia sẻ: “Đề thi ra theo dạng kiểm tra kiến thức hiện nay không còn phù hợp nữa, mà nên đưa vào nhiều câu hỏi mở phát huy khả năng sáng tạo, tổng hợp kiến thức của học sinh, thay vì bắt học sinh học thuộc lòng.

Hơn nữa, khi giao quyền tự chủ cho các tỉnh thì vấn đề “bệnh thành tích” mà chúng ta nói nhiều năm qua cũng dễ dàng ngăn chặn hơn.

Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải có cơ chết quản lý để kiểm soát chất lượng, chứ không thể thả lỏng như hiện nay rồi cuối cùng bảo là bỏ luôn kỳ thi này. Tôi vẫn luôn giữ quan điểm, có học thì phải có thi, không thi làm sao đánh giá được kiến thức của học sinh, làm sao đánh giá được chất lượng đào tạo? Mà nếu không đánh giá được thì vô cùng nguy hiểm cho tương lai đất nước”.

Ngọc Quang