Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương"

"Ép dân ký giấy tự chịu trách nhiệm khi tiêm chủng cho con là sai"

02/08/2013 14:16
Ngọc Quang
(GDVN) - "Thông tư 23 của Bộ Y tế nói rõ công tác tiêm chủng an toàn và chất lượng phụ thuộc vào quy trình tiêm chủng mà ở đây là vai trò của cán bộ Y tế ở điểm tiêm chủng đó từ tổ chức buổi tiêm, bảo quản, vận chuyển vắc xin, thao tác sau khi tiêm, lưu trữ hồ sơ… đó là trách nhiệm của điểm tiêm chủng và cán bộ y tế ở đó. Nếu cơ sở nào bắt người dân phải ký giấy chịu trách nhiệm khi cho con tiêm chủng là làm sai Thông tư 23.

Liên quan tới các vụ việc trẻ bị tử vong sau khi tiêm chủng thời gian vừa qua gây hoang mang dư luận, GS.TS. Nguyễn Trần Hiển - Trưởng Ban quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ nhiều thông tin hữu ích.

PV: Từ tháng 7/2012 đến nay, có tới 13 trẻ sơ sinh bị tử vong sau khi tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đây là một con số hết sức báo động. Xin ông cho biết, tới đây công tác thanh kiểm tra toàn diện các điểm tiêm ngừa trên toàn quốc sẽ được thực hiện như thế nào?

GS Nguyễn Trần Hiển: Công tác thanh kiểm tra quy trình tiêm chủng là quy định thường xuyên, được quy định trong Quyết định 23 - việc thanh kiểm tra công tác tiêm chủng được tiến hành thường xuyên ở các tuyến.

Trước tình hình phản ứng sau tiêm xảy ra năm 2012, gần đây là năm 2013, qua công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế, đoàn công tác làm việc với một số nơi xảy ra phản ứng sau tiêm, có phát hiện một số lỗi. Bộ Y tế thấy cần tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra công tác tiêm chủng ở các tuyến.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển: Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Lần này, Bộ Y tế đề nghị thanh kiểm tra toàn diện các quy trình liên quan tới tiêm chủng an toàn; Nhân sự có đủ điều kiện không, có được cấp chứng chỉ không; thanh kiểm tra về cơ sở vật chất có đủ điều kiện các buồng tiêm, bàn tiêm, trang thiết bị, hệ thống sổ sách, bảo quản vắc xin…

Thanh kiểm tra tiếp theo là vấn đề tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và cấp phát vắc xin ở các tuyến; thanh kiểm tra tiếp theo là toàn bộ quy trình an toàn tiêm chủng thực hiện thế nào từ khâu chuẩn bị điểm tiêm đến tổ chức buổi tiêm chủng, khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng, quy trình tiêm chủng, theo dõi sau tiêm 30 phút, tiến hành điều tra xác định nguyên nhân phản ứng sau tiêm sau đó.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý dược tăng cường việc xét soát hồ sơ, cấp phép đăng ký, tiến hành kiểm tra kết hợp với thanh tra Bộ Y tế và quản lý việc xuất nhập khẩu, tạm dừng thậm chí đình chỉ vắc xin nếu cần thiết.

Gần đây, Bộ Y tế đã gửi công văn cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc tăng cường chỉ đạo triển khai công tác an toàn tiêm chủng trong đó có thanh kiểm tra. Vì trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm có nói rõ chức  năng nhiệm vụ triển khai công tiêm chủng  ở các tuyến, các tỉnh là do chính quyền hay chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, chỉ đạo các sở y tế, phòng y tế, thanh tra sở, phòng y tế kết hợp với các cơ quan liên quan…

Tóm lại việc này tiến hành toàn diện ở các tuyến và đi sâu các khía cạnh đảm bảo an toàn tiêm chủng, phát hiện kịp thời các lỗi, phê bình, rút giấy phép, kiểm điểm nghiêm khắc các hành vi vi phạm.

PV: Lực lượng thanh tra đã phát hiện vụ việc nào nghiêm trọng chưa, thưa ông?

GS Nguyễn Trần Hiển: Gần đây, trong thanh tra của Bộ Y tế kết hợp với các đơn vị, vụ, cục chức năng kiểm tra tại một số tỉnh, thấy quản lý tiêm chủng chưa tốt. Đặc biệt, là đoàn công tác của chúng tôi đi kiểm tra sự cố sau tiêm ở Quảng Trị, phát hiện sai sót trong quản lý vắc xin, bảo quản vắc xin, quản lý tiêm chủng, triển khai tiêm chủng, thực hành tiêm chủng ở đó có vấn đề, không đúng quy định Bộ Y tế ban hành.

Một gia đình có con tử vong sau tiêm vaccin viêm gan siêu vi B tại BV Đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Một gia đình có con tử vong sau tiêm vaccin viêm gan siêu vi B tại BV Đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

PV: Gần đây, dư luận có thông tin về thực trạng hiện nay nhiều bệnh viện, cơ sở y tế bắt người nhà trẻ nhỏ đi tiêm vắc xin phải ký vào giấy tự chịu trách nhiệm nếu có sự cố. Phải chăng những đơn vị này có ý né tránh trách nhiệm hoặc muốn đổ bớt trách nhiệm về phía người bệnh khi mà họ không dám bảo đảm chất lượng vắc xin mà họ dùng, cũng như kĩ thuật và xử lí khi gặp rủi ro?

GS Nguyễn Trần Hiển: Thông tư 23 của Bộ Y tế nói rõ công tác tiêm chủng an toàn và chất lượng phụ thuộc vào quy trình tiêm chủng mà ở đây là vai trò của cán bộ y tế ở điểm tiêm chủng đó từ tổ chức buổi tiêm, bảo quản, vận chuyển vắc xin, thao tác sau khi tiêm, lưu trữ hồ sơ… đó là trách nhiệm của điểm tiêm chủng và cán bộ y tế ở đó. Nếu cơ sở nào bắt phải ký giấy như vậy là làm sai Thông tư 23.

Tuy nhiên, trong phiếu tiêm chủng cũng nói rõ bà mẹ cần tăng cường hợp tác với cán bộ y tế như khi cho trẻ đi tiêm, mang phiếu tiêm chủng, đọc kỹ áp phích về quy trình tiêm chủng và đối chiếu thực hành tiêm chủng có phù hợp với quy định không, nếu không phù hợp thì có quyền không cho con tiêm và nhắc cán bộ y tế thực hiện đúng quy trình.

Các bà mẹ có quyền hỏi cán bộ y tế rằng con tôi được tiêm vắc xin gì hôm nay, phải theo dõi trẻ thế nào, theo dõi trẻ đúng 30 phút tại điểm tiêm và sau đó là theo dõi trẻ 1-2 ngày sau tiêm tại nhà.

PV: Thưa GS, phần lớn vắc xin được nhập khẩu, vậy quy trình vận chuyển, nhập khẩu đến khâu phân phối đến từng vùng, nhất là vùng sâu, xa được thực thi như nào để không ảnh hưởng đến chất lượng của vắc xin khi tiêm cho trẻ?

GS Nguyễn Trần Hiển: Hiện nay, 10 trong 11 loại vắc xin dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin sản xuất trong nước, chỉ có 1 loại vắc xin nhập từ nước ngoài là vắc xin có thành phần Hib liên quan đến vắc xin Quinvaxem.

Điều kiện quan trọng nhất là vắc xin được bảo quản trong đúng nhiệt độ 2-8 độ C trong mọi khâu của quá trình tiêm chủng. Ví dụ, như vắc xin nhập từ nước ngoài hoặc từ công ty sản xuất phân phối đến các viện khu vực ở Việt Nam thì được vận chuyển bằng máy bay, được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp. Từ các viện khu vực, có nhà lạnh bảo quản vắc xin và chuyển vắc xin định kỳ 2 tháng 1 lần đến các tỉnh bằng các xe lạnh chuyên dụng.

Tại tỉnh, cũng được bảo quản ở kho lạnh, hoặc tủ lạnh chuyên dụng, và định kỳ vắc xin được chuyển từ tỉnh xuống huyện trong các hòm lạnh bằng ô tô, xe máy. Từ huyện xuống xã, vắc xin được vận chuyển trong các hòm lạnh, phích lạnh và chỉ chuyển trong ngày tiêm chủng.

Ngọc Quang