Nhật Bản chính thức hạ thủy tàu khu trục Izumo, sẵn sàng đón F-35

07/08/2013 07:55
Việt Dũng
(GDVN) - Tàu sân bay 22DDH có tính tấn công, có thể "xưng bá trên biển", tạo ra mối đe dọa trực tiếp cho hạm đội Trung Quốc...
Tàu sân bay trực thăng Izumo Type 22DDH hạ thủy ngày 6 tháng 8 năm 2013
Tàu sân bay trực thăng Izumo Type 22DDH hạ thủy ngày 6 tháng 8 năm 2013


“Căn cứ trên biển” của Nhật Bản

Hãng Kyodo, Nhật Bản cho biết, 14 giờ ngày 6 tháng 8 năm 2013, lễ hạ thủy "tàu khu trục trực thăng" mới Type 22DDH của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã được tổ chức tại nhà máy Isogo của hãng Japan Marine United ở thành phố Yokohama, Nhật Bản.

Tàu 22DDH được đặt tên là Izumo, số hiệu 183, có kế hoạch chính thức đi vào hoạt động vào tháng 3 năm 2015. Tên tàu “Izumo” từng được sử dụng cho tàu chiến chỉ huy của một hạm đội Hải quân Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh tại Trung Quốc.

Tàu Izumo có đường băng nối thẳng từ đầu đến đuôi tàu, bề ngoài trông giống như tàu sân bay, là tàu chiến lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Theo bài báo, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang tăng cường năng lực phòng vệ đảo nhỏ. Tàu Izumo có thể đồng thời cất/hạ cánh 5 máy bay trực thăng, có năng lực sửa chữa máy bay trực thăng trên biển và tiếp dầu cho tàu chiến khác. Sự xuất hiện của tàu chiến mới cỡ lớn này có thể sẽ kích thích các nước xung quanh.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso, Tổng thư ký đảng Tự do Dân chủ (LDP) Shigeru Ishiba đã tham dự buổi lễ hạ thủy con tàu này. Ông Taro Aso và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Akinori Eto cắt dây chão nối tàu với bờ trong buổi lễ.

Tàu 22DDH này có lượng giãn nước tiêu chuẩn là 19.500 tấm, lượng giãn nước đầy là 27.000 tấn, dài 248 m, rộng 38 m, mớn nước 7 m, kích cỡ lớn hơn 50% so với tàu khu trục trực thăng lớp Hyuga.

Kinh phí chế tạo tàu Izumo khoảng 120 tỷ yên (khoảng 7,5 tỷ nhân dân tệ). Có ý kiến cho rằng, tàu này cũng có thể mang theo máy bay vận tải Osprey của quân Mỹ. Lực lượng Phòng vệ Biển đang chế tạo một chiếc tàu khu trục khác cùng loại với tàu Izumo.

Tàu sân bay trực thăng Izumo
Tàu sân bay trực thăng Izumo

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản hiện sở hữu 2 tàu khu trục có đường băng nối thẳng gồm Hyuga và Ise, lượng giãn nước tiêu chuẩn đều khoảng 13.500 tấn. Tàu Izumo là phiên bản nâng cấp của 2 tàu này, đã tăng chức năng tiếp tế, độ dài đã tăng khoảng 50 m.

Lực lượng Phòng vệ Biển cho biết, tàu khu trục Izumo có chức năng "căn cứ trên biển" - dừng lại lâu dài trên biển. Nhưng, khi thiết kế họ hoàn toàn không xem xét đến việc cất/hạ cánh máy bay cánh cố định, vì vậy không thể được coi là tàu sân bay.

Trang bị F-35 sẽ trở thành tàu sân bay thực sự

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc cũng có bài viết cho rằng, trọng tải, bố cục và chức năng của tàu khu trục Izumo đều phù hợp với tiêu chuẩn của tàu sân bay hạng nhẹ. Nhật Bản hạ thủy con tàu này đúng vào ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima năm 1945 là “có ý đồ sâu xa”.

Bài báo cho rằng, con tàu này đã thực chất là “bán tàu sân bay” khoác áo tàu khu trục, cho rằng đặt tên tàu là Izumo – tên 1 tàu chỉ huy trong chiến tranh Trung-Nhật, là “đi ngược lại thời đại”, có thể gây ra “chạy đua vũ trang” ở khu vực Đông Á.

Theo bài báo, về lượng giãn nước của con tàu này, tàu sân bay Invincible của Hải quân Hoàng gia Anh cũng không thể sánh bằng. Ngoài ra, tàu đã trang bị 3 hệ thống vũ khí Phalanx và 2 thiết bị phóng tên lửa RAM.

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cho biết, tàu 22DDH có thể mang theo 14 máy bay trực thăng săn ngầm SH-60K Sea Hawk, đồng thời có thể đồng thời cất/hạ cánh 5 chiếc, ngoài ra, đã tăng lên 4 thang máy đường băng, tiện lợi hơn cho việc cung cấp đạn dược cho cụm máy bay trên tàu. Sau khi được cải tạo, nó còn có năng lực mang theo máy bay chiến đấu F-35B.

Vũ khí trang bị của tàu 22DDH (dự kiến)
Vũ khí trang bị của tàu 22DDH (dự kiến)

Ngoài Mỹ, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới từng tham gia chiến tranh tàu sân bay trên biển. Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, cụm chiến đấu tàu sân bay Nhật Bản đã tập kích Trân Châu Cảng của quân Mỹ, triển khai cuộc quyết chiến lớn tàu sân bay với quân Mỹ ở vùng biển đảo Medway, gây kinh động cho thế giới. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, là một nước thua trận, Nhật Bản bị hạn chế không được sở hữu tàu sân bay.

Do đó, “Quân đội” Nhật Bản kiên quyết cho rằng, “bán tàu sân bay” 22DDH là tàu khu trục. Nếu dựa vào cách nói này thì tàu 22DDH rõ ràng là tàu khu trục lớn nhất thế giới. Hiện nay, tàu khu trục lớn nhất của Mỹ là lớp Burke, lượng giãn nước gần 10.000 tấn.

Theo các chuyên gia, nếu tàu 22DDH được biên chế chính thức, cộng với 2 tàu khu trục trực thăng lớp Hyuga được biên chế trước đây, trên thực tế, Nhật Bản sở hữu tới 3 “bán tàu sân bay”, nếu nó trang bị máy bay chiến đấu F-35 thì nó sẽ trở thành tàu sân bay thực sự.

Gần đây, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố, trong tương lai có thể trang bị máy bay chiến đấu F-35 cho tàu 22DDH. Trên thực tế, năm 2012, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã ký kết hợp đồng với Chính phủ Mỹ, đã đặt mua 42 chiếc máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35, lô đầu tiên sẽ bàn giao trước năm 2016.

Chuyên gia quân sự cho rằng, như vậy, tàu 22DDH sẽ trở thành một chiếc tàu sân bay có tính tấn công, hầu như có thể xưng bá trên biển, tạo ra mối đe dọa trực tiếp cho hạm đội Trung Quốc.

Chính phủ Abe muốn đánh đòn phủ đầu?

Kim Xán Vinh, phó giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản lựa chọn hạ hủy "bán tàu sân bay" vào ngày "quốc nạn", có ý nghĩa sâu xa, "ông Shinzo Abe hy vọng tận dụng tình cảm bi thương của người dân, ủng hộ tham vọng tái trang bị của ông".

Tàu sân bay trực thăng Izumo
Tàu sân bay trực thăng Izumo

Theo Kim Xán Vinh, hiện nay, Mỹ gặp khó khăn về tài chính, cắt giảm chi tiêu quân sự, việc triển khai quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải phụ thuộc vào Nhật Bản, điều này đã đem lại cơ hội cho ông Abe tích cực phát triển sức mạnh quân sự.

Từ khi đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng trước đến nay, ông Abe liên tục nhấn mạnh đến môi trường xung quanh xấu đi, theo đó vừa đẩy nhanh các bước sửa đổi Hiến pháp hòa bình, vừa mở rộng quân bị.

Một mặt, ông Shinzo Abe tích cực khuyến khích sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là muốn sửa đổi Điều 9 Hiến pháp (quy định vĩnh viễn từ bỏ quyền phát động chiến tranh). Mặt khác, báo cáo giữa kỳ "Đại cương kế hoạch phòng vệ mới" được Nhật Bản công bố vào tháng trước càng chỉ ra trực tiếp rằng, để tăng cường "phòng vệ" đảo Senkaku, quyết định tăng cường "chức năng lực lượng Thủy quân lục chiến" của Lực lượng Phòng vệ, thành lập lực lượng "đổ bộ đánh chiếm đảo" chuyên nghiệp.

Hãng Reuters cho rằng, chế tạo "bán tàu sân bay" 22DDH chính là đã thể hiện có ý đồ tìm cách "đánh đòn phủ đầu" của chính quyền Abe. "Chính quyền Abe đang nâng cấp Lực lượng Phòng vệ thành Quân đội, chuẩn bị cho nắm lại quyền phát động chiến tranh của một quốc gia bình thường".

Tàu Izumo được dùng để đối phó tàu ngầm Trung Quốc?

Tờ “Phượng Hoàng” ngày 6 tháng 8 cũng có bài viết cho rằng, Nhật Bản có kế hoạch biên chế tàu 22DDH vào năm 2015, có lợi cho tăng cường sức mạnh quân sự tổng thể cho hải quân nước này.

Số hiệu tàu sân bay trực thăng Izumo
Số hiệu tàu sân bay trực thăng Izumo

Bài viết dẫn lời bình luận viên Chu Văn Huy cho rằng, hiện nay, “công nghệ trên biển” của Nhật Bản hơn hẳn Trung Quốc, tất nhiên sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc cũng rất nhanh. Trung Quốc đã đưa tàu sân bay Liêu Ninh vào hoạt động, nhưng muốn nó có sức chiến đấu thì cần phải có thời gian.

Nếu nói Trung-Nhật phải tiến hành cuộc chạy đua quân sự trên biển, thì không nhất định đó là một cuộc chạy đua vũ trang theo nghĩa hoàn chỉnh, mà là không ngừng đổi mới về trang bị, và phải xem tàu sân bay tương lai Trung Quốc sẽ được chế tạo vào lúc nào, có ưu thế gì khi so sánh với “tàu sân bay” Izumo.

Ngoài ra, tàu Izumo có thể phát huy vai trò rất quan trọng trong tác chiến săn ngầm, trong khi đó, trong nhiều năm qua, do nhiều nguyên nhân, Trung Quốc chủ yếu nghiêng về tàu ngầm, cho nên, tàu ngầm là “vũ khí rất lợi hại” của Trung Quốc hiện nay. Nhưng, tàu Izumo lại được thiết kế để mang theo máy bay trực thăng săn ngầm, có năng lực tiếp tế, rõ ràng là nhằm vào tàu ngầm.

Một phần của kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự

Đài truyền hình CCTV Trung Quốc cũng vừa có bài viết thuật lại chương trình bình luận về “tàu sân bay” Izumo của Nhật Bản vừa hạ thủy, cho rằng, Nhật Bản lựa chọn ngày 6 tháng 8, tròn 68 năm Hiroshima, Nhật Bản bị ném bom nguyên tử, để hạ thủy tàu khu trục trực thăng 22DDH có lượng giãn nước đầy 27.000 tấn, đặt tên là Izumo – tên gọi này từng được đặt cho tàu chỉ huy của Nhật Bản trong chiến tranh tại Trung Quốc trước đây.

Máy bay trực thăng săn ngầm SH-60K Nhật Bản
Máy bay trực thăng săn ngầm SH-60K Nhật Bản

Theo bài báo, tàu 22DDH có thể đồng thời cất/hạ cánh 5 máy bay trực thăng, nếu được cải tạo có thể trang bị máy bay chiến đấu hải quân F-35D, máy bay vận tải Osprey, hình thành năng lực điều động thẳng đứng và tấn công trên biển rất mạnh.

Trong chiến tranh Thái Bình Dương trước đây, Hải quân Nhật Bản đã sở hữu 10 tàu sân bay, có hạm đội hàng không mẫu hạm lớn nhất, tiên tiến nhất thế giới khi đó. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã ra sức chế tạo tàu sân bay và tàu chiến cỡ lớn, hỗ trợ cho tham vọng bành trướng trên biển. Hiện nay, việc hạ thủy tàu Izumo vào thời điểm này có ý nghĩa sâu xa.

Tại buổi lễ hạ thủy, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, hiện nay Nhật Bản còn đang chế tạo một chiếc 22DDH thứ hai. Tất cả các dấu hiệu cho thấy, cùng với mong muốn sửa đổi Hiến pháp của ông Shinzo Abe, một loạt kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang được tiến hành một cách “gióng trống khua chiêng”.

Nhà bình luận chính trị Nhật Bản Minoru Morita cho rằng, Thủ tướng Abe và chính quyền của ông đang tích cực thúc đẩy trở thành quốc gia bình thường.

Bình luận viên Trung Quốc Tống Hiểu Quân cho rằng, việc hạ thủy tàu Izumo đúng vào ngày kỷ niệm Hiroshima bị ném bom nguyên tử phần nhiều là trùng hợp. Tức là chẳng có chứng cớ nào để liên hệ giữa hai sự kiện đó với nhau.

Hơn nữa, Nhật Bản và Mỹ là đồng minh của nhau. Tàu Izumo được cải tạo như thế nào cũng phù hợp với Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ, bởi vì chính sách quốc phòng của Nhật Bản hiện nay nằm trong khuôn khổ đó.

Máy bay vận tải cánh xoay Osprey do Mỹ chế tạo
Máy bay vận tải cánh xoay Osprey do Mỹ chế tạo
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Việt Dũng