Hàng loạt DN cà phê đang chết: Người ngoài cười nụ, kẻ trong khóc thầm

09/08/2013 10:15
Hoàng Lực
(GDVN) - Lỗ lũy thừa, hủy niêm yết cổ phiếu, ngân hàng bủa vây xiết nợ rồi phá sản đó đang là bức tranh chung của nhiều doanh nghiệp cà phê nội.

"Kịch bản bi đát" của các DN cà phê Việt

Ngày 3/7 vừa qua có lẽ là ngày đáng quên nhất CEO Nguyễn Văn An, TGĐ Thái Hòa vì đây là ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu mã THV (Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa) trên sàn chứng khoán Hà Nội sau khi công ty này thua lỗ nặng. Ngày 4/7 là ngày hủy niêm yết cổ phiếu THV theo quyết định của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Quyết định hủy niêm yết cổ phiếu THV của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội bắt nguồn từ việc Thái Hòa lỗ lũy kế tới ngày 31/12/2012 lên tới 622,543 tỉ đồng, vượt quá vốn điều lệ 577,499 tỉ đồng. Báo cáo tài chính năm 2012 của Thái Hòa cho thấy doanh thu năm 2012 chỉ đạt 19,7 tỉ đồng (bằng 2% so với doanh thu năm 2011) nhưng họ phải trả lãi vay tới 72,3 tỉ đồng, cao gấp 3,5 lần số tiền thu về.

Mã cổ phiếu THV bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế quá lớn. (Ảnh minh họa: nguồn Internet).
Mã cổ phiếu THV bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế quá lớn. (Ảnh minh họa: nguồn Internet).

Còn trong báo cáo tài chính hợp nhất quí 1/2013 của công ty mẹ của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa (chưa kiểm toán) công bố ngày 10/5 cho thấy, trong quí 1 công ty tiếp tục thua lỗ 37,8 tỉ đồng trong khi doanh thu cả quí chỉ có 30,6 tỉ đồng. Trong quí 1, chỉ riêng chi phí trả lãi vay ngân hàng của công ty còn lớn hơn doanh thu làm ra, lên tới 36,8 tỉ đồng. Hàng tồn kho của công ty đến hết quí 1 lên tới 608 tỉ đồng.

Thua lỗ, nợ nần hiện nay của Thái Hòa được ông Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc công ty cho biết trong một văn bản gửi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội là do sử dụng nguồn vốn sai mục đích, công ty sử dụng vốn ngắn hạn vào đầu tư dài hạn mà chủ yếu là trồng cà phê và cao su. Các khoản vay và nợ ngắn hạn tới cuối năm 2012 lên tới 676,7 tỉ đồng, vay nợ dài hạn 14,2 tỉ đồng.

Thái Hòa từng được biết đến doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm trước và sớm lên sàn chứng khoán trước hàng trăm nhà xuất khẩu cà phê nhân trong nước.

Trước năm 2011, Thái Hòa liên tục nhiều năm liền nằm trong nhóm 10 công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, như niên vụ cà phê 2009/2010 (bắt đầu từ tháng 10 năm 2009 tới hết tháng 9 năm 2010), Thái Hòa xuất khẩu tới 83.000 tấn cà phê với kim ngạch 125 triệu đô la Mỹ, đứng thứ 3 và chiếm 8% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

Cũng trong tình trạng khó khăn không kém và đang gắng sức giải quyết hậu quả kinh doanh yếu kém của những đơn vị trực thuộc, Vinacafe đang phải từng bước tái cơ cấu lại và đích thân Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải xắn tay vào làm.

Hàng loạt doanh nghiệp cà phê nội đang đứng trên bờ vực phá sản
Hàng loạt doanh nghiệp cà phê nội đang đứng trên bờ vực phá sản

Theo đó, Vinacafe sẽ phải bán nhà máy chế biến cà phê Đà Lạt, bán trụ sở văn phòng tổng công ty và các tài sản khác, thoái vốn tại các công ty cổ phần hoạt động kinh doanh kém hiệu quả hoặc không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của Vinacafe để có tiền trả các khoản vay quá hạn… Phương án thứ hai là Vinacafe sẽ sáp nhập vào Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và trở thành tổng công ty trực thuộc VRG để tái cơ cấu.

Giật mình những con số đen trong ngành cà phê Việt

Giật mình những "con số đen" trong ngành cà phê Việt

DN Phạm Đình Nguyên: Ngay khi mua thị trấn Buford, tôi đã có lời rồi

DN Phạm Đình Nguyên: "Ngay khi mua thị trấn Buford, tôi đã có lời rồi"

Chỉ 5kg cà phê thật, DN An Khánh ra lò 100kg cà phê thành phẩm

Chỉ 5kg cà phê "thật", DN An Khánh "ra lò" 100kg cà phê thành phẩm

Do làm ăn thua lỗ nên một trong những công ty 100% vốn của Vinacafe là Công ty TNHH MTV Cà phê Eatul (Đắk Lăk) đã chuyển nguyên trạng gồm 400 héc ta cà phê, số tiền nợ quá hạn, lãi vay quá hạn trả nợ ngân hàng cũng như toàn bộ lực lượng lao động cho tỉnh Đăk Lăk để sau đó giao lại cho Công ty cà phê Trung Nguyên.

Theo bản đề án tái cơ cấu mà ban giám đốc Vinacafe đưa ra trước đây, đến năm 2015 thì tổng công ty này sẽ thoái vốn khỏi những công ty ngoài ngành và chỉ tập trung vào hai lĩnh vực chính là trồng trọt, sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê và ngành nghề liên quan đến cà phê.

Ngày 28/12/2012, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã ký Quyết định 2101/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu Tổng công ty cà phê Việt Nam giai đoạn 2012-2015. Theo đó, Vinacafe sẽ thoái 100% vốn công ty mẹ là Công ty cổ phần xây dựng Đồng Tâm, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Vinacafe Đắk Lắk, Công ty cổ phần sản xuất phân vi sinh Vinacafe, Công ty cổ phần giống cây trồng Tây Nguyên, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu cà phê Đức Nguyên, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu cà phê Intimex Nha Trang.

Thời gian qua cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp cà phê Việt tại Tây Nguyên phá sản. Đã hai năm gần đây Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột, thuộc Tổng công ty Cà phê VN) ngừng hẳn hoạt động kinh doanh chính (mua, xuất khẩu cà phê) do liên tục làm ăn thua lỗ, không còn vốn trong khi nhiều tài sản cố định bị các ngân hàng phong tỏa...

Lý giải việc này, ông Vũ Đức Tiến - Tổng giám đốc Vinacafe Buôn Ma Thuột - cho biết hiện công ty ông còn nợ nhiều ngân hàng khoảng 1.400 tỉ đồng, số nợ này đều được đảm bảo bằng các tài sản thế chấp là kho bãi, đất trồng cao su...

Trớ trêu là dù muốn trả nợ nhưng Vinacafe Buôn Ma Thuột không thể bán tài sản để trả nợ được vì không có người mua .

Tuy nhiên, Vinacafe Buôn Ma Thuột không phải là trường hợp cá biệt, nhiều công ty kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê khác tại Đắk Lắk cũng rơi vào tình trạng khó khăn tương tự, trong đó một số doanh nghiệp lớn như Chung Đào, Trúc Tâm, Tính Nên... phải tuyên bố vỡ nợ, phá sản. Một số doanh nghiệp khác phải thu nhỏ quy mô kinh doanh, cố gắng cầm cự để tìm cơ hội vực dậy công ty.

Còn mới đây nhất là vụ việc Trường Ngân - một công ty xuất khẩu (XK) cà phê có tiếng ở Bình Dương bị 7 ngân hàng "bao vây" siết nợ (số nợ của DN này lên tới hàng nghìn tỷ đồng). Tất cả nói lên một bức tranh không thể tối hơn của doanh nghiệp cà phê nội.

Nguyên nhân của việc doanh nghiệp cà phê nội đang “chờ chết” vì không có khả năng trả nợ. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) tính đến thời điểm này, tổng  nợ xấu, nợ quá hạn của các doanh nghiệp cà phê vay tại các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Phát triển Việt Nam vào khoảng 6.330 tỉ đồng.

Vì đâu nên nỗi?

Bức tranh nợ xấu của các doanh nghiệp cà phê đã lan rộng, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên điều đang khiến dư luận đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp cà phê nội lại đứng trên bờ vực phá sản?

Bởi lẽ các doanh nghiệp kinh doanh cà phê hầu hết đều tập trung vào ngành kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê luôn là đối tượng được ưu đãi. So với nhiều ngành nghề kinh doanh khác, các doanh nghiệp cà phê không phải khó tiếp cận nguồn vốn. 

Không đầu tư ngoài ngành, tín dụng vay từ ngân hàng được hỗ trợ nhiều năm nhưng nhiều doanh nghiệp nội vẫn đứng trên bờ vực phá sản.
Không đầu tư ngoài ngành, tín dụng vay từ ngân hàng được hỗ trợ nhiều năm nhưng nhiều doanh nghiệp nội vẫn đứng trên bờ vực phá sản.

Bằng chứng là riêng dư nợ cho vay tín dụng xuất khẩu cà phê ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đến 31/5/2013 xấp xỉ 700 tỉ đồng (chiếm 7% tổng dư nợ), thì 56% tập trung vào hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần tập đoàn Thái Hòa và Vinacafe Buôn Ma Thuột. Toàn bộ số dư nợ này là quá hạn. Chưa kể đến 5.634 tỉ đồng khác là nợ xấu mà các doanh nghiệp cà phê đang làm đau đầu các ngân hàng thương mại theo thông tin từ Hiệp hội Cà phê.

Mặt khác khi các doanh nghiệp cà phê nội đổ cho giá cà phê không ổn định nhưng dù lên xuống thất thường nhưng cung - cầu trong và ngoài nước luôn chuyển động mạnh, dòng tiền đi - về không bị tắc, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê luôn là đối tượng được ưu đãi (thuế xuất khẩu 0%, trong khi thuế nhập khẩu là 15-30% tùy loại).

Trong khi đó DN đầu tư nước ngoài (FDI) như Nescafé, Mondelz International… không ngừng tăng vốn đầu tư vào thu mua, sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê và dần chiếm lĩnh thị trường.

Ngày 9/7, Công ty Nestlé Việt Nam đã khánh thành nhà máy chế biến cà phê mới đặt tại KCN Amata TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 238 triệu USD, sản xuất Nescafé cho cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu.  Nhà máy cà phê mới tại Việt Nam là một phần trong dự án Nescafé Plan toàn cầu được triển khai tại Việt Nam vào năm 2011 bao gồm tập hợp các cam kết của Nestlé đối với các hoạt động canh tác, sản xuất và tiêu thụ cà phê.

Từ năm 2012 Nestlé đã tiến hành tập huấn cho khoảng 19.600 nông dân trồng cà phê. Từ năm 1995-2012, Nestlé đã gia tăng tổng vốn đầu tư vào Việt Nam từ 25 triệu USD lên mức hơn 450 triệu USD hiện nay.

Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), hiện 12 doanh nghiệp FDI đã thu mua và xuất khẩu khoảng 50% sản lượng càphê xuất khẩu của Việt Nam, khiến cho doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), hiện 12 doanh nghiệp FDI đã thu mua và xuất khẩu khoảng 50% sản lượng càphê xuất khẩu của Việt Nam, khiến cho doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trước đó ngày 4/7 công ty cà phê lớn thứ hai trên thế giới - Mondelz International, công ty đang sở hữu các thương hiệu Jacobs, CarteNoire và Kenco cũng đã công bố mở trung tâm tập huấn cà phê đầu tiên dành cho nông dân để thúc đẩy hoạt động canh tác và kinh doanh cà phê tại Việt Nam.

Đây là hoạt động trong chương trình phát triển bền vững của Mondelz International với tên gọi “Coffee Made Happy” (Cà phê khởi nguồn hạnh phúc) với cam kết đầu tư tối thiểu 200 triệu USD để hỗ trợ nông dân trồng và kinh doanh cà phê tới năm 2020. Cụ thể, chương trình này sẽ đào tạo 1.500 nông dân về thực hành nông nghiệp giúp họ gia tăng sản lượng cà phê và nâng cao chất lượng hạt.

Các khoản đầu tư này sẽ giúp người nông dân có khả năng cung ứng khoảng 7.000 tấn cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn 4C. Dự án đầu tư ở Việt Nam giúp Mondelz International thực hiện mục tiêu phát triển nguồn cung cấp bền vững cho 100% lượng cà phê của công ty ở Tây Âu tới năm 2015.

Rõ ràng bên cạnh thế mạnh về vốn điểm nổi bật vượt lên của doanh nghiệp cà phê FDI chính là chiến lược sản xuất kinh doanh và tầm nhìn cũng như khả năng nhận định thị trường vượt lên hẳn so với doanh nghiệp cà phê nội.

Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), hiện 12 doanh nghiệp FDI đã thu mua và xuất khẩu khoảng 50% sản lượng càphê xuất khẩu của Việt Nam, khiến cho doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

Có lẽ trong bức tranh ảm đạm chung của doanh nghiệp cà phê nội chỉ có cà phê Trung Nguyên đang cho thấy bước phát triển với những hướng đi riêng với khát vọng vươn ra thị trường thế giới.
Hoàng Lực