Hết mưa bão, tiểu thương khẳng định: Giá rau xanh vẫn tiếp tục đắt

11/08/2013 06:59
Liễu Phạm
(GDVN) - Giá rau xanh tại các chợ đầu mối Hà Nội vẫn được giữ ở mức cao mặc dù đã hết mưa bão. Không những thế họ còn cho biết, mức giá ấy sẽ không giảm trong khoảng nửa tháng nữa.
Hơn một tuần trở lại đây, người dân Hà Nội kêu trời mỗi khi đi chợ. Nguyên nhân bởi giá thực phẩm, đặc biệt là giá các loại rau xanh đắt đỏ không thể ngờ tới. Tuy giá rau xanh tăng gấp hai, thậm chí ba lần nhưng thực tế nhu cầu tiêu thụ tại các chợ không hề giảm.

Tìm đến chợ đầu mối Mai Động (Hoàng Mai), từ bốn giờ sáng chợ đã tấp nập kẻ bán người mua. Lý giải về nguyên nhân giá rau xanh tăng cao trong thời điểm này, chị Hường - tiểu thương lâu năm cho biết: "Năm nào cũng vậy không cứ năm nay, cứ đến những đợt mưa bão triền miên thì giá thực phẩm, rau xanh lại tăng mạnh. Tiểu thương như chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Bởi rau thì khan hiến, nên lượng hàng lấy vào giảm một nửa, có hôm mưa lớn còn giảm hai phần ba so với ngày thường".

Tuy mưa báo đã chấm dứt nhưng giá cả thực phẩm, đặc biệt là rau xanh không hề giảm
Tuy mưa báo đã chấm dứt nhưng giá cả thực phẩm, đặc biệt là rau xanh không hề giảm

Nói về sự chênh lệch giá rau xanh, chị Hường than: "Khi chúng tôi nhập rau vào giá đã cao ngất ngưởng rồi nên không thể bán kém được. Có chăng chỉ lấy công làm lãi, vì bán hàng lâu năm nên mưa gió cũng không nghỉ được. Mặc dù, đợt này hàng bán ra giá cao nhưng lãi chưa chắc bằng những ngày thường".

Bên cạnh đó, chị Thanh, một tiểu thương khác khi được hỏi lại kêu trời: "Mưa bão lớn như vậy hoa màu bị dập nát hết, rau thì xấu mà giá nhập vào lại cao nên bán không được lời là bao. Nếu những ngày bình thường, nhập rau bán hôm nào không hết còn để được qua ngày hôm sau, chứ những hôm mưa bão như thế này, cuối ngày rau còn tồn thì chỉ có bỏ".
Chỉ vào đống rau bắp cải, cà chua và khoai tây của mình, chị Hòa (chợ Nam Thăng Long) cho biết: "Những rau này nhập từ Đà Lạt, đợt này mưa nhiều nên có khi cả tuần mới có một chuyến hàng nhập về. Rau tươi thì khan hiếm nên những loại rau củ như vậy cũng được giá theo".

Nói về tình trạng giá rau hiện nay, anh Tiến - bán buôn rau rau tại chợ Cầu Giấy nhận định: "Người dân còn phải chấp nhận gia rau đắt khoảng chục ngày đến nửa tháng nữa. Bởi các vùng trồng rau lớn đều cho biết rau đã ngập gần hết diện tích, không thể thu hoạch được. Vì vậy, từ giờ trở đi, nếu trời không mưa nữa thì giá rau chắc vẫn đắt đỏ. Có chăng là "dễ thở" hơn so với những ngày đang bão".

Nhiều vùng trồng rau thuộc khu vực Từ Liên (Hà Nội) đang bị ngập nước.
Nhiều vùng trồng rau thuộc khu vực Từ Liên (Hà Nội) đang bị ngập nước.

Tuy nhiên, hỏi chuyện một người trồng rau trực tiếp mang đến chợ Cầu Giấy giao buôn, chị cho biết: "Những ngày bình thường tôi bán buôn rau muống chỉ 2.000 đồng/mớ, nhưng mấy hôm mưa bão bán lên được tới 5.000 đồng/mớ, có hôm 7.000 đồng/mớ. Tuy bán được giá nhưng cũng không hái được bao nhiêu vì mưa lớn quá. Đến hôm nay thì cả ruộng rau ngập hết rồi, phải chờ nước rút, rau lớn thêm mới hái được tiếp".

Chị Thái, một người trồng rau muống tại Từ Liên chia sẻ: Vài hôm trước tuy mưa bão nhưng còn hái rau bán được. Đến hôm nay rau vừa hết, nước lại ngập mênh mông trắng ruộng như thế này chẳng biết bao giờ mới có rau bán lại nữa". Khi được hỏi về giá bán rau những ngày qua, chị Thái không ngần ngại cho biết thêm: Chúng tôi bán buôn nên giá không thể bằng những người ngồi bán lẻ được. Họ ngồi đó bán hét giá bao nhiêu mà người dân chả phải mua. Chúng tôi bán rau cho họ cũng biết thực tế giá cả bị đẩy lên tới trời, nhưng mỗi người mỗi nghề, nên chỉ biết vậy thôi.

Theo những người cung cấp rau cho các chợ đầu mối thì vùng sản xuất rau của Hà Nội như Tây Tựu (Từ Liêm), Vân Nội… cung cấp được khoảng một nửa tổng số rau tiêu thụ hàng ngày bao gồm các loại rau ngót, mồng tơi, rau muống, đậu trạch, đậu đũa… Một nửa lượng tiêu thụ còn lại được tiểu thương nhập về từ các tỉnh khác như: su su của Vĩnh Phúc, khoai tây ngoài nguồn cung cấp lớn ở Đà Lạt còn có Thái Bình, Bắc Ninh. Ngoài ra, một số ít các loại rau ôn đới nhập khẩu như như cà rốt, bắp cải chủ yếu từ Đà Lạt, Trung Quốc…
Liễu Phạm