Cuộc chạy đua tàu sân bay ở châu Á đã thực sự bắt đầu

13/08/2013 07:18
Đông Bình
(GDVN) - Tàu sân bay của Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga đang và sẽ "hội tụ" ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tham gia vào một cuộc chơi phức tạp trên biển.
Tàu sân bay INS Vikrant của Hải quân Ấn Độ
Tàu sân bay INS Vikrant của Hải quân Ấn Độ

Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia châu Á duy nhất sở hữu 2 tàu sân bay

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 10 tháng 8 có bài viết cho rằng, về việc Ấn Độ tự phát triển tàu sân bay, không ít phương tiện truyền thông Ấn Độ và các nước đã lập tức nhìn vào Trung Quốc.

Tờ "Deccan Herald" Ấn Độ cho rằng, hiện nay Trung Quốc đang muốn chen chân vào Ấn Độ Dương, tàu sân bay Vikrant rất quan trọng đối với việc thể hiện uy lực của Hải quân Ấn Độ. Nó sẽ cùng với tàu sân bay Vikramaditya mua của Nga tạo thành hai cụm chiến đấu tàu ân bay, bảo vệ hai bờ biển lớn đông-tây của Ấn Độ.

Theo bài báo, tháng 12 năm nay tàu sân bay Vikramaditya sẽ được bàn giao cho Ấn Độ. Trước khi tàu sân bay Vikrant đi vào hoạt động, tuổi thọ của tàu sân bay INS Viraat hiện có còn có thể tiếp tục kéo dài hoạt động thêm 2 năm, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia châu Á duy nhất đồng thời sở hữu 2 tàu sân bay.

Tờ "Tiêu chuẩn" Áo cho rằng, Ấn Độ đang bước vào thời đại tàu sân bay, việc theo đuổi tàu sân bay của Ấn Độ có liên quan đến sự trỗi dậy liên tục về quân sự của Trung Quốc, một đối thủ ở đại lục châu Á. Cách đây không lâu, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động chiếc tàu sân bay đầu tiên, chiếc tàu sân bay thứ hai cũng đang được bí mật chế tạo.

Gần đây, truyền thông phương Tây cũng rất quan tâm đến các động thái của "tàu sân bay nội địa" Trung Quốc. Trang mạng "Chính sách ngoại giao" Mỹ vừa đăng bài viết "Đây phải chăng chính là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc?" cho rằng, căn cứ vào các hình ảnh vệ tinh suy đoán, Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay thứ hai. Tác giả bài báo nhấn mạnh, đỉnh kiến trúc của tàu sân bay này có một rãnh lõm chữ V, rất có thể là vị trí máy phóng máy bay.

Tàu sân bay INS Viraat hiện có của Hải quân Ấn Độ
Tàu sân bay INS Viraat hiện có của Hải quân Ấn Độ

Ngoài ra, tờ "Kanwa Defense Review" Canada cũng cho rằng, Trung tâm huấn luyện máy bay trang bị cho tàu sân bay của Trung Quốc có thể đã nhập khẩu hệ thống phóng máy bay hải quân của Ukraine.

Tàu sân bay tương lai của Trung Quốc không chỉ sẽ gồm có tàu sân bay kiểu nhảy cầu như tàu Liêu Ninh, mà còn có tàu sân bay lắp máy phóng tiên tiến, có thể mang theo máy bay chiến đấu hải quân hạng nặng đến biển xa tác chiến.

Ngày 9 tháng 8, trang mạng "Tiếng nói nước Nga" Đức đăng bài viết nhan đề "Chạy đua tàu sân bay giữa Ấn Độ và Trung Quốc" cho rằng, Ấn Độ và Trung Quốc đều nỗ lực chế tạo tàu sân bay mới của họ để nhanh chóng mở rộng sức mạnh quân sự.

So với Trung Quốc, Ấn Độ phát triển tàu sân bay dễ dàng hơn, do máy bay trang bị cho tàu sân bay có sẵn, trong khi đó Trung Quốc phải tự phát triển, chế tạo. Bài báo cho rằng, bất kể thế nào, chương trình tàu sân bay của Trung Quốc và Ấn Độ đều chứng minh, hai nước lớn châu Á này đều đang làm thay đổi học thuật hải quân của họ.

Nhưng, đối với việc một số phương tiện truyền thông cho rằng Ấn Độ phát triển vũ khí tiên tiến là nhằm vào Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc không có bất cứ phản ứng nào. Trái lại, ngay sau khi Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lập tức ra tuyên bố bày tỏ lo ngại đối với việc Nhật Bản không ngừng mở rộng quân bị, yêu cầu Nhật Bản cần rút ra bài học lịch sử, nên chỉ tập trung vào phòng thủ mà thôi. Trong khi đó, tàu sân bay do Ấn Độ tự sản xuất sắp hạ thủy, Trung Quốc lại luôn giữ thái độ im lặng.

Trên thực tế, đối với việc Ấn Độ phát triển vũ khí tiên tiến, Trung Quốc rất ít bày tỏ thái độ cứng rắn. Năm 2012, sau khi Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa tầm xa "có thể tấn công bất cứ khu vực nào ở Trung Quốc", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói rằng, Trung Quốc và Ấn Độ đều là hai nước đang phát triển lớn, không phải là đối thủ cạnh tranh, mà là đối tác hợp tác, đồng thời hy vọng hai nước cùng bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ sắp được bàn giao
Tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ sắp được bàn giao

Ấn Độ cân nhắc phát triển tàu sân bay hạt nhân

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" còn có bài viết cho rằng, truyền thông Ấn Độ ngày 9 tháng 8 cho biết, vào tuần tới Ấn Độ sẽ chào đón "một ngày mang tính lịch sử", tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này sẽ hạ thủy, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới có thể tự chế tạo tàu sân bay, kế tiếp Mỹ, Nga, Anh, Pháp.

Mặc dù tàu sân bay mới của Ấn Độ hạ thủy chậm 4 năm so với kế hoạch ban đầu, hơn nữa thời gian triển khai thực tế rất có thể bị đẩy lùi đến năm 2020, nhưng điều này vẫn không thể cản trở tham vọng của Quân đội Ấn Độ - Ấn Độ muốn sở hữu 3 cụm chiến đấu tàu sân bay, thậm chí cân nhắc chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân, vì vậy lực lượng hải quân là "nhân tố bất biến trở thành một cường quốc vĩ đại".

Nhiều ngày qua, Ấn Độ nhấn mạnh họ gia nhập câu lạc bộ tàu sân bay, Nhật Bản đưa ra "bán tàu sân bay", khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực các nước lớn chế tạo và sở hữu tàu sân bay có mật độ lớn nhất. Ngày 9 tháng 8, tờ "Nhật báo Vienna" Áo cho rằng, từ Thái Bình Dương qua eo biển Malacca đến Ấn Độ Dương, tuyến đường hàng hải quan trọng nhất toàn cầu được cho là một sân khấu tiếp theo của cuộc đấu đá quyền lực toàn cầu.

"Tàu sân bay đầu tiên Vikrant hoàn toàn do Ấn Độ tự chế tạo sẽ hạ thủy tại nhà máy Cochin vào ngày 12/8, là một ngày mang tính chất đấu mốc lịch sử". Mặc dù cách lúc hạ thủy còn vài ngày, nhưng các phương tiện truyền thông lớn của Ấn Độ như NDTV, "The Times of India" ngày 9 tháng 8 đã công bố thông tin này.

Đài truyền hình NDTV cho biết, tàu sân bay Vikrant có lượng giãn nước là 40.000 tấn, dài 260 m, có 2 đường băng cất cánh và 1 đường băng hạ cánh, sẽ trang bị máy bay chiến đấu nội địa đang chế tạo, máy bay chiến đấu MiG-29 và một loạt máy bay trực thăng.

Tàu sân bay INS Vikrant tương lai của Hải quân Ấn Độ (tưởng tượng)
Tàu sân bay INS Vikrant tương lai của Hải quân Ấn Độ (tưởng tượng)

Đài truyền hình New Delhi cho biết, sau khi tàu sân bay Vikrant hạ thủy, nhà máy đóng tàu Cochin sẽ tiếp tục công việc chế tạo còn lại, bao gồm hoàn thành lắp ráp sàn tàu (đường băng), hệ thống động lực. Dự kiến bắt đầu từ năm 2016, tàu sân bay Vikrant sẽ tiến hành một loạt cuộc kiểm tra, đồng thời bàn giao cho hải quân vào năm 2018.

Đài truyền hình này bình luận, chế tạo tàu sân bay này ngoài lựa chọn xây dựng được một đội ngũ chế tạo tàu sân bay trong nước, thu hoạch lớn nhất chính là Ấn Độ đã có năng lực sản xuất vật liệu thép dùng cho vũ khí, điều này có nghĩa là trong tương lai Ấn Độ sẽ có thể tự chế tạo nhiều tàu chiến hơn.

Tại sao Ấn Độ cần kiên trì phát triển tàu sân bay nội địa? Ngày 9 tháng 8, tờ "New Indian Express" Ấn Độ cho rằng: "Tàu sân bay nội địa đầu tiên sẽ tăng thêm rất nhiều ‘răng nhọn’ cho lực lượng hải quân Ấn Độ".

Bài báo dẫn lời phó Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, Robin Dhowan cho biết: "Tàu sân bay nội địa đầu tiên là bộ phận quan trọng của chiến lược hai cụm chiến đấu tàu sân bay của Ấn Độ, chúng tôi sẽ phân chia triển khai một cụm chiến đấu tàu sân bay ở vịnh Bengal và biển Ả-rập ở hai phía đông và tây của Ấn Độ". Dhowan còn cho biết: "Nếu sở hữu 3 tàu sân bay, sẽ giúp cho sĩ quan Hải quân có tính linh hoạt lớn hơn trên phương diện bảo đảm lợi ích ở Ấn Độ Dương và bên ngoài".

Tàu sân bay nội địa đầu tiên đã kích thích tham vọng lớn hơn của người Ấn Độ. Ngày 9 tháng 8, tờ "The Times of India" cho rằng, nều nói cường quốc vĩ đại trong lịch sử có một nhân tố bất biến chung, như vậy nó chính là lực lượng hải quân không gì sánh kịp. Cùng với việc hạ thủy tàu sân bay nội địa vào ngày 12 tới, sau đó không lâu, tàu ngầm hạt nhân cũng sẽ tiến hành chạy thử, Ấn Độ đang đánh giá kỹ năng lực chế tạo tàu sân bay hạt nhân có lượng giãn nước 65.000 tấn trong tương lai.

Siêu tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông (ảnh tư liệu)
Siêu tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông (ảnh tư liệu)

Bài báo cho rằng, tàu sân bay động cơ hạt nhân do có năng lực chạy liên tục trong thời gian dài, năng lực tấn công "chí tử" hơn. Vấn đề lớn nhất trong chế tạo tàu sân bay hạt nhân là giá thành khổng lồ, một chiếc tàu sân bay hạt nhân sẽ phải chi hơn 10 tỷ USD.

Nhưng, Mỹ hiện sở hữu 11 "siêu tàu sân bay" như vậy, có thể điều động lực lượng trên phạm vi toàn cầu. Trung Quốc cũng đang cân nhắc chế tạo tàu sân bay hạt nhân. Vì vậy Hải quân Ấn Độ cũng muốn sở hữu tàu sân bay động cơ hạt nhân, nhưng cuối cùng có chế tạo hay không sẽ là một quyết định chính trị.

Tuy nhiên, mạng "Tin tức Quốc phòng" Mỹ dẫn một nguồn tin từ Hải quân Ấn Độ cho biết, khi tàu Vikrant hạ thủy vào tuần tới, tàu này thực ra chỉ hoàn thành 30%. Bài báo cho rằng, thời gian đi vào hoạt động của tàu sân bay sẽ không sớm hơn năm 2018 như tuyên bố của Ấn Độ, rất có thể sẽ đi vào hoạt động trước sau năm 2020. Nguồn tin này còn cho biết, tổng chi phí của tàu Vikrant sẽ trên 5 tỷ USD, trong khi đó dự toán ban đầu của nó chỉ là 500 triệu USD.

Tờ "The Times of India" cũng lo ngại nhấn mạnh, đối với Ấn Độ, quá trình chế tạo tàu sân bay nội địa này đã xuất hiện một số vấn đề cần nghiêm túc cân nhắc: Tàu sân bay hạ thủy chậm 4 năm so với kế hoạch dự kiến; ngoài ra, máy bay chiến đấu hạng nhẹ dự kiến trang bị cho tàu sân bay vẫn đang nghiên cứu chế tạo, những vấn đề này đã bị kéo dài nghiêm trọng.

Lý Đại Quang, chuyên gia vấn đề trang bị quân sự, Đại học Quốc phòng Trung Quốc ngày 9 tháng 8 cho rằng, Ấn Độ phát triển cụm chiến đấu tàu sân bay của họ là chiến lược quân sự đã định, họ luôn phát triển có đường nét dựa trên 2 con đường - mua sắm của nước ngoài và tự chế tạo, tàu sân bay nội địa mới hạ thủy của Ấn Độ sẽ tăng thực lực cho hải quân nước này và cũng sẽ tăng cường khả năng "cò kè mặc cả" với Nga.

Ngày 6 tháng 8 năm 2013, Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo Type 22DDH.
Ngày 6 tháng 8 năm 2013, Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo Type 22DDH.

Nhưng, Lý Đại Quang cho rằng, phát triển tàu sân bay của Ấn Độ còn xa mới bằng Nhật Bản. Tàu Izumo của Nhật Bản là một "bán tàu sân bay" có năng lực tác chiến hoàn toàn. Đồng thời, Nhật Bản sớm có nhiều hạm đội hoàn thiện, những hạm đội này cùng với tàu Izumo lập tành một biên đội sẽ là một "cụm chiến đấu tàu sân bay" hoàn chỉnh.

Ngoài ra, Nhật Bản hầu như không cần phải tiếp tục luyện tập tác chiến tàu sân bay, bởi vì những chiến thuật tàu sân bay này đã được Nhật Bản thuần thục thực hiện trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, đây là điểm khác biệt căn bản trong phát triển tàu sân bay giữa Nhật Bản với Ấn Độ và Trung Quốc.

Chạy đua tàu sân bay ở Thái Bình Dương

"Chạy đua tàu sân bay" leo thang ở Thái Bình Dương được dư luận Trung Quốc và các nước tuyên truyền trong mấy ngày gần đây. Theo tờ "Nhật báo Vienna" của Áo, thì hiện nay các nước lớn châu Á-Thái Bình Dương dồn dập mua sắm hoặc phát triển lực lượng hải quân, chế tạo tàu sân bay mới.

Tuần tới, tàu sân bay nội địa của Ấn Độ sẽ hạ thủy; trong khi đó, tàu sân bay trực thăng Izumo đã trở thành tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Trung Quốc cũng có thể tập trung các nguồn lực để chế tạo tàu sân bay thứ hai. Thái Bình Dương đang bắt đầu một "cuộc chạy đua leo thang quân bị hải quân" quyết liệt nhất trên thế giới.

“Đài tiếng nói nước Nga” cũng giật tít "Khu vực châu Á triển khai chạy đua tàu sân bay". Hãng RIA Novosti dẫn lời cựu Tổng tư lệnh Hải quân Nga Gromov cho rằng, ngoài mua sắm tàu sân bay trực thăng lớp Mistral của Pháp, "Hạm đội Thái Bình Dương tại khu vực châu Á ít nhất cần có 2 tàu sân bay. Hạm đội Phương Bắc ít nhất cũng cần có 1 tàu sân bay".

Nga sẽ triển khai tàu sân bay trực thăng lớp Mistral mua của Pháp cho Hạm đội Thái Bình Dương.
Nga sẽ triển khai tàu sân bay trực thăng lớp Mistral mua của Pháp cho Hạm đội Thái Bình Dương.

Trang mạng Deita Nga ngày 7 tháng 8 cho rằng, trước đây Nga từng quyết định sẽ triển khai 1 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral trong lô 2 tàu sân bay đầu tiên mua của Pháp cho Hạm đội Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Nhật Bản từng cho biết, quyết định này của Nga sẽ phá hoại cân bằng sức mạnh ở khu vực Viễn Đông. Vì vậy, chuyên gia quân sự Nga cho rằng, lần này Nhật Bản hạ thủy "bán tàu sân bay" là biện pháp phản hồi đối với Nga.

Tờ "Tin tức" Áo nhắc nhở, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc tới tấp đưa ra tàu sân bay và bán tàu sân bay mới, nhưng đừng quên siêu cường Mỹ. Tuần san "Thời đại" Mỹ từng cho rằng, Mỹ là quốc gia sở hữu tàu sân bay nhiều nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã triển khai tổng cộng 5 tàu sân bay hạt nhân cho 2 hạm đội: 3 và 7.

Nhưng, bài viết cho rằng, mặc dù Mỹ sẽ tăng cường triển khai hải quân lên tới 60% ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, song lực lượng được tăng cường cũng có hạn, ngoài dựa vào đồng minh, điều quan trọng hơn là, như trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Colin Campbell phụ trách khu vực Đông Á đã nói, "không nên tập trung tạo ra sự đối lập với Trung Quốc".

Đối với các động thái phát triển tàu sân bay của châu Á, giáo sư Lý Đại Quang - Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, điều có thể xác nhận là trên thế giới, tàu sân bay đang "hội tụ" ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tình hình phức tạp như vậy là điều mà Trung Quốc không muốn nhìn thấy. Nhưng, đây lại là hiện thực đã xảy ra một cách khách quan.

Theo bài viết, Trung Quốc sinh tồn trong môi trường biển phức tạp như vậy đòi hỏi phải có "trí tuệ và dũng khí mới", nhìn từ góc độ phát triển hiện đại hóa trang bị, Trung Quốc áp dụng sách lược "binh đến tướng cản, nước đến đất ngăn" - tức là dù đối phương có sử dụng thủ đoạn nào thì luôn có cách đối phó, "làm tốt và nghiêm túc công việc của mình".

Đây là sự lựa chọn thực tế để tham gia vào “ván cờ” trên biển ở châu Á.- báo chí TQ bình luận.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Đông Bình