Nguyên Phó Chủ tịch nước 'giải mã' tội ác vụ thảm sát

02/09/2011 06:02
Khởi Sự
(GDVN) - Dành chút ít thời gian ngắn ngủi, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chia sẻ với GDVN những suy nghĩ xúc động quanh vụ Thảm sát tại Bắc Giang.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: “Tôi rất buồn”

Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam tới Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam gần cuối giờ trưa. Mặc dù, công việc bộn bề và cũng chuẩn bị giờ nghỉ làm nhưng vị Chủ tịch danh dự của Quỹ, bà Nguyễn Thị Bình vẫn nán lại trò chuyện khi phóng viên nhắc tới vụ thảm sát kinh hoàng tại Bắc Giang.

Mở đầu câu chuyện, bà lắc đầu nói: “Tôi thấy rất buồn khi xã hội ngày càng có nhiều vụ thảm sát, không chỉ ở vụ cướp tiệm vàng, giết 3 mạng người và chặt tay cháu bé mà còn nhiều vụ việc khác, báo chí đã đăng tin. Tôi rất đau trước sự mất nhân tính của một số người trong đó, đáng nói hơn, những người “máu lạnh” này chủ yếu lại tập trung ở tầng lớp thanh niên". 

Đối với người có trọng trách lớn, giữ vị trí cao trong Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam như bà Bình thì nỗi phẫn uất càng lớn hơn trước hành vi man rợ của hung thủ, “Tôi càng thương cháu Bích nhiều hơn. Nỗi đau đó thiết nghĩ không gì có thể bù đắp được!”.

Bà Nguyễn Thị Bình cho biết: Bà rất buồn khi ngày càng có nhiều vụ thảm sát tương tự như vụ cướp vàng man rợ ở Bắc Giang (Ảnh: Xuân Trung)
Bà Nguyễn Thị Bình cho biết: Bà rất buồn khi ngày càng có nhiều vụ thảm sát tương tự như vụ cướp vàng man rợ ở Bắc Giang (Ảnh: Xuân Trung)
Trước đó, cũng tại Bắc Giang, vào chiều 19/8/2011, một thanh niên chừng 20 tuổi, nhằm mục đích cướp tiệm vàng, trong lúc xô xát đã lấy đi sinh mạng cháu bé 21 tháng tuổi bằng nhát dao cứa đứt động mạch chủ. Các tội ác mang gương mặt thanh thiếu niên chưa đến tuổi trưởng thành ngày càng nhiều, khiến dư luận đặc biệt quan tâm và trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội.
 
“Vấn đề đạo đức lương tâm xã hội đã thật sự đáng báo động. Đã đến lúc phải rung lên hồi chuông về vấn đề giáo dục nhân cách của con người. Triết lý phổ biến của thế giới đó là học để làm người. Nếu “làm người” được thì chúng ta mới có thể làm những cái khác, còn không thì không làm được gì cả. Giáo dục của ta đừng chạy theo thi cử nhiều quá mà quên mất vấn đề cốt lõi: giáo dục nhân cách con người” – bà Bình nhấn mạnh. 

"Chúng ta lo cho giáo dục chưa đủ, chưa đúng"

Xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng tại Bắc Giang, khi chàng trai trẻ chưa đầy 18 tuổi gây ra tội ác động trời, lý giải nguyên nhân của hành vi man rợ này, theo bà Bình: Có cả nguyên nhân khách quan (từ xã hội) và chủ quan (từ phía gia đình), trong đó, đầu tiên phải trách bố mẹ Luyện.

“Trong cuộc sống xã hội hiện nay, các ông bố, bà mẹ cứ mải mê chạy theo lo toan về kinh tế hoặc quan tâm về ăn, mặc, tiền nong cho con cái nhưng lại không quan tâm, lo lắng, dạy dỗ về nhân cách của con người. Nhiều người cứ đẩy hết trách nhiệm nuôi dạy con cho nhà trường – đó là một sai lầm” – Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhận xét.

Để xảy ra những vụ thảm sát dã man, vô nhân tính giống vụ của Lê Văn Luyện, theo bà Bình: Lỗi đầu tiên thuộc về cách giáo dục của gia đình.
Để xảy ra những vụ thảm sát dã man, vô nhân tính giống vụ của Lê Văn Luyện, theo bà Bình: Lỗi đầu tiên thuộc về cách giáo dục của gia đình.

Theo thông tin từ gia đình Luyện, được biết: Luyện mới học hết lớp 9 thì nghỉ học, đi làm thợ xây. So với các gia đình ở xã, gia đình Luyện thuộc diện kinh tế khán giả (bố mẹ bán hàng thịt lợn), Luyện vẫn không chịu ở nhà làm nghề cùng bố mẹ mà bỏ đi cùng mấy người trong làng làm thợ xây. Nay ở Nghệ An, mai lại ở Hà Nội. Cứ mỗi lần về nhà, Luyện chỉ ăn được vài bữa cơm với bố mẹ rồi lại bỏ đi đâu không rõ.

Phải chăng sự thiếu quan tâm của bố mẹ đã từng bước đẩy cậu bé Luyện vào bước đường cùng, gây tội ác?

“Hiện nay, tình hình xã hội rất phức tạp, sau chiến tranh, cùng với sự hội nhập của thế giới, trình độ cuộc sống phải được nâng lên, cải thiện, đặt áp lực lớn cho việc tập trung đẩy mạnh kinh tế. Khi hòa bình, mở cửa, “gió lành” cũng có mà “gió dữ, gió xấu” cũng rất nhiều. Vì vậy, đồng bào, nhân dân ta nhất là tầng lớp thanh tiên chưa có sự chuẩn bị, dễ bị ảnh hưởng bởi những “làn gió xấu” – bà Bình cắt nghĩa một trong những nguyên do gây nên sự suy đồi đạo đức trong một bộ phận xã hội hiện nay.

Trong bức thư tuyệt mệnh trước lúc bỏ trốn, sát thủ Luyện có ghi lại nguệch ngoạc vài chữ gửi bố mẹ: "Bố mẹ ơi, con bất hiếu xin lỗi. Con không muốn 2 em con phải khổ đâu...". Nhiều người đổ tội cho sự nghèo đói dẫn tới hành động “làm liều” giết người, cướp tiệm vàng của cậu bé chưa đầy 18 tuổi.
Liên quan tới vấn đề này, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng đưa ra quan điểm: “Trong tình hình kinh tế khủng hoảng, nhiều gia đình khó khăn. Người lương thiện tìm cách giải quyết bằng các cách khác nhau, còn người không lương thiện thì có những hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật. Kinh tế cũng đáng lo nhưng vấn đề văn hóa, giáo dục càng đáng lo hơn vì đó là vấn đề con người”. “Tôi là người đã làm giáo dục và bây giờ vẫn hết sức lo về giáo dục. Tôi cho rằng: Phải quan tâm tới vấn đề văn hóa nhiều hơn, trong đó, giáo dục là cốt lõi. Ngoài việc lo kinh tế chúng ta vừa phải lo giáo dục, phải thực hiện đồng bộ song song 2 mục đích đó. Từ trước tới nay, chúng ta quan tâm tới giáo dục chưa đúng mực, đúng cách” – bà Bình trăn trở.
Vì thế, theo bà Bình: Trong thời gian tới, để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, gây nên những cái chết thương tâm và hạn chế sự suy đồi của văn hóa, đạo đức con người, nhà trường cần cải cách giáo dục, “mục tiêu giáo dục phải đi vào xây dựng nhân cách con người một cách hoàn thiện hơn”. Thêm vào đó, nhà trường cũng phải chuyển biến về nội dung, phương pháp dạy học. 

Và hơn hết, “sau hàng loạt các vụ bạo lực, tôi muốn nhấn mạnh ở đây là cách giáo dục của gia đình. Các ông bố, bà mẹ hãy tự hỏi: Thời gian qua, chúng ta đã quan tâm tới lũ trẻ nhiều chưa? Các gia đình đừng nên quá chạy theo miếng cơm, manh áo gạo tiền mà quên việc giáo dục con cái. 

Tôi nghĩ hơn lúc nào hết: Chúng ta phải đề cao vấn đề gia đình, trong đó hoạt động của Hội Phụ nữ phải được đẩy mạnh, các bà mẹ hiện đại phải đặc biệt quan tâm nhiều hơn tới vấn đề nuôi dạy con cái. Nhiều người phụ nữ hiện nay lấy chồng, sinh con nhưng chưa hiểu hết trọng trách trong việc nuôi dạy, quan tâm tới sự trưởng thành và lớn lên của con em mình” – bà Bình kết luận.  

Khởi Sự