Ts Trần Công Trục: Cảnh giác TQ cháo nóng húp quanh, chiếm các bãi cạn

13/08/2013 08:11
Hồng Thủy
(GDVN) - Biển Đông với TQ được ví như bát "cháo nóng" rất ngon, nhưng không thể nuốt chửng một hơi cho thỏa mãn tham vọng, Bắc Kinh đang tìm cách húp dần quanh miệng bát. Nguy cơ TQ sử dụng vũ lực tấn công đánh bật Việt Nam ra khỏi vị trí các điểm đảo ta đang chốt giữ ở Trường Sa hiện nay là khó có thể xảy ra vì nó sẽ đụng đến rất nhiều vấn đề.

Sau loạt bài chia sẻ với báo điện tử Giáo dục Việt Nam về ý nghĩa, vai trò và tính cấp thiết của việc xây dựng bộ hồ sơ pháp lý chủ quyền Biển Đông cũng như những nhận định xung quanh các diễn biến mới nhất ở Biển Đông - Trường Sa nhận được sự quan tâm rất lớn từ bạn đọc, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ và là học giả Việt Nam hàng đầu về Luật Biển tiếp tục trao đổi với Giáo dục Việt Nam những nhận định sâu sắc, suy tư của ông về những diễn biến mới của tình hình biển đảo.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính Phủ, ảnh: Vietnamnet
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính Phủ, ảnh: Vietnamnet

- PV: Như đã chia sẻ với Giáo dục Việt Nam trong loạt bài lần trước, Tiến sĩ đã phân tích rất rõ chủ trương, âm mưu, thủ đoạn hòng độc chiếm Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc (TQ) đặc biệt là sau phát biểu của ông Tập Cận Bình hôm 30/7. Tiến sĩ có thể vui lòng phân tích kỹ hơn về các chiến thuật, thủ đoạn TQ đang sử dụng ở quần đảo Trường Sa và phía Nam của Biển Đông mà ông cho rằng họ đã và đang có 1 nước cờ mới, 1 bước đi mới leo thang nguy hiểm?

- Tiến sĩ Trần Công Trục: Như đã trao đổi trong loạt bài lần trước, TQ rõ ràng đang câu giờ, hoãn binh COC để có thời gian tăng cường hiện diện trên thực địa với mọi phương thức, thủ đoạn có thể hòng chiếm thế thượng phong trên bàn đàm phán sau này mà nổi bật là việc biến các vùng biển không tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp thông qua đánh tráo khái niệm và tiến hành các chiến thuật “cải bắp”, “tằm ăn dâu”, “xâm lấn từng bước” hay “cờ vây” mà một số học giả TQ và các nước khác đã đánh giá, cách gọi khác nhau nhưng có chung một bản chất.

Tuy nhiên theo tôi có một khái niệm được các học giả quốc tế sử dụng để nói về chiến thuật của TQ ở Trường Sa va phía Nam Biển Đông hiện nay đã lột tả khá sát bản chất vấn đề. Một số học giả quốc tế nhận định TQ đang sử dụng chiến thuật “cháo nóng húp quanh” ở Biển Đông.
 
Biển Đông với TQ được ví như bát cháo nóng rất ngon, nhưng không thể nuốt chửng một hơi cho thỏa mãn tham vọng, Bắc Kinh đang tìm cách húp dần quanh miệng bát. Nguy cơ TQ sử dụng vũ lực tấn công đánh bật Việt Nam ra khỏi vị trí các điểm đảo ta đang chốt giữ ở Trường Sa hiện nay là khó có thể xảy ra vì nó sẽ đụng đến rất nhiều vấn đề.

Tuy nhiên TQ sẽ tận dụng mọi lợi thế về tài chính, quân sự, kĩ thuật, kinh tế để tìm mọi cách nhảy vào các bãi cạn, bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa thậm chí là thềm lục địa Việt Nam như những gì đã xảy ra năm 1988, Đá Vành Khăn 1995, Scarborough 2012 và Bãi Cỏ Mây năm nay. 

Ngoài biện pháp pháp lý như ban hành trái phép các văn bản pháp luật về “yêu sách chủ quyền” và “thực thi chủ quyền” vô lý ở Biển Đông, TQ còn tiến hành một loạt các biện pháp nguy hiểm khác để tăng cường sự hiện diện thực tế ngoài Biển Đông, Trường Sa trên mọi lĩnh vực. Họ thành lập cái gọi là “Tam Sa”, cấp chứng minh thư trái phép ở Hoàng Sa, xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép ở Hoàng Sa, tổ chức đánh bắt cá, thăm dò khai thác tài nguyên, tập trận liên tục với quy mô lớn.... Toàn bộ những động thái này chính là cách TQ đang “húp dần bát cháo Biển Đông”.

Khả năng trong thời gian tới TQ sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện bất hợp pháp và xây dựng công sự nhà nổi kiên cố trái phép tại Bãi Cỏ Mây. Thậm chí Bắc Kinh có thể mở rộng hoạt động phi pháp này bằng cách nhảy vào tận khu vực bãi cạn James cách bờ biển Malaysia chỉ 80 km và Bãi Cỏ Rong, phía Đông quần đảo Trường Sa hoặc một số bãi cạn trong thềm lục địa Việt Nam. 

Công sự nhà nổi quân sự kiên cố Trung Quốc xây dựng trái phép tại Đá Vành Khăn, Trường Sa đang được cho là "pháo đài" mạnh nhất của Trung Quốc ở Biển Đông làm bàn đạp để bành trướng ra các khu vực khác.
Công sự nhà nổi quân sự kiên cố Trung Quốc xây dựng trái phép tại Đá Vành Khăn, Trường Sa đang được cho là "pháo đài" mạnh nhất của Trung Quốc ở Biển Đông làm bàn đạp để bành trướng ra các khu vực khác.

- PV: Đúng như Tiến sĩ nhận xét, không chỉ nhăm nhe nhảy vào các bãi cạn nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, TQ còn bộc lộ ý đồ nhòm ngó cả các bãi cạn nằm trong thềm lục địa Việt Nam. Điển hình của động thái này là việc ngày 23/6 vừa qua kênh thời sự CCTV-4 đài truyền hình Trung ương TQ phát sóng bản tin nhận định, Biển Đông “hữu sự” sẽ phái chiến đấu cơ J-20 tham gia “hải chiến Vạn An”, tức đánh chiếm Bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam mà họ đang cố tình gán ghép vào phạm vi quần đảo Trường Sa, phía TQ tự đặt tên là Nam Sa. Theo ông, chúng ta phải đối phó với âm mưu, ý đồ và thủ đoạn này của TQ như thế nào?

- Tiến sĩ Trần Công Trục: Chúng ta phải nghiên cứu mọi cách, mọi khả năng có thể để ngăn chặn việc TQ “húp dần bát cháo Biển Đông”, đặc biệt là khả năng TQ lợi dụng tình hình đổ bộ và xây dựng trái phép trên các bãi cạn ở Trường Sa, thậm chí là trong thềm lục địa của Việt Nam.

Để làm điều này, thiết nghĩ quân đội ta đã có những phương án đối phó cụ thể. Nhưng về mặt pháp lý, lúc này là lúc chúng ta phải nói rõ, cho cộng đồng khu vực và quốc tế hiểu rõ vấn đề, đâu là yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đâu là chủ quyền của Việt Nam đối với các bãi cạn trong thềm lục địa theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). 

Chúng ta phải xây dựng và công bố hồ sơ pháp lý Biển Đông, trong đó nêu rõ thông tin giá trị vị trí địa lý, địa chất địa mạo, tính chất hợp lý của các bãi cạn trong thềm lục địa Việt Nam. Nếu chúng ta không thực hiện bước này, TQ rất có thể sẽ lợi dụng để đi các nước cờ trên các bãi cạn trong thềm lục địa của ta như những gì đã diễn ra ở quần đảo Trường Sa mà họ gọi là “Nam Sa”. Nếu để TQ lấn tới, làm được điều này thì thế của họ sẽ rất lớn trên bàn đàm phán và gây thêm khó khăn không nhỏ cho ta và các bên liên quan, TQ càng có điều kiện để bảo vệ yêu sách đường lưỡi bò phi pháp.

Nếu không cẩn thận, TQ có thể lợi dụng tình thế đổ bộ lên các bãi cạn trong quần đảo Trường Sa có địa thế khó khăn, hiểm trở mà ta chưa có tiềm lực phái quân chốt giữ trong khi TQ lại có điều kiện cơ sở vật chất, kinh tế, kĩ thuật và quân sự rất mạnh để thực hiện tham vọng này. 

Rất có khả năng TQ sẽ tìm cách đổ bê tông, cắm cọc và xây dựng nhà dàn công sự kiên cố để đứng chân, tình hình tranh chấp Biển Đông - Trường Sa đã phức tạp lại càng trở nên phức tạp hơn nhiều. Một khi TQ đã thò chân được vào Trường Sa là họ sẽ dấn tiếp chứ không chịu dừng lại.

Khi đó nếu ngồi vào bàn đàm phán, TQ sẽ chiếm lợi thế rất lớn, rất nguy hiểm. Số lượng vị trí TQ đóng quân trái phép ở Trường Sa càng lớn lên thì lợi thế của họ so với các bên tranh chấp khác càng lớn. Hiện nay TQ ngoài miệng nói “tham vấn” COC nhưng thực chất không làm gì cả, tìm cách kéo dài thời gian để đẩy mạnh hoạt động xâm lấn trên thực địa. 

Nhà dàn DK1 trong thềm lục địa Việt Nam, ảnh: Tiền Phong
Nhà dàn DK1 trong thềm lục địa Việt Nam, ảnh: Tiền Phong

Thềm lục địa của Việt Nam chiếu theo quy định của UNCLOS rất rộng, có nhiều bãi cạn và các vành đai san hô mà phía TQ đang cố tình đánh tráo khái niệm để đưa chúng vào quần đảo Trường Sa. Chúng ta chưa xây dựng được đầy đủ hệ thống nhà dàn DK (Trạm Dịch vụ Kinh tế - Khoa học kỹ thuật trong thềm lục địa, theo quy định của UNCLOS). Trước đây có 21 nhà dàn, nhưng do điều kiện thời tiết, phong hóa, đặc biệt là những cơn bão đã phá hủy một số, hiện nay ta chỉ còn duy trì 15 nhà dàn trên thềm lục địa của mình ở Biển Đông. 

Nếu như ta chưa biến những bãi cạn, rặng san hô trong thềm lục địa của mình thành những cơ sở nghiên cứu khoa học như các nhà dàn DK theo đúng quy định UNCLOS cho phép, TQ sẽ tìm cách nhảy vào. Một khi để tình huống này xảy ra, TQ hiện diện bất hợp pháp ngay trên thềm lục địa Việt Nam thì tình hình sẽ phức tạp hơn hiện nay rất nhiều.

Không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, TQ sẽ đụng đến các lợi ích kinh tế trong thềm lục địa của ta, cản trở hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam đang cùng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, gây ra rất nhiều khó khăn, cản trở. 

Một số công ty dầu khí nước ngoài thực tế đã thấy lo ngại khi tàu TQ xông vào cắt cáp, gây rối liên tục, thậm chí có công ty quay sang hợp tác với phía TQ. Những tình huống này chúng ta phải dự tính được và nghiên cứu đưa ra phương án đối phó. Những cơ quan, lực lượng liên quan trực tiếp như quốc phòng và các đơn vị hoạt động trực tiếp trên thềm lục địa cần xây dựng các phương án cụ thể. 

Về phía quản lý nhà nước, chúng ta phải khẩn trương có những nghiên cứu và công bố nhất quán trước công luận về khu vực thềm lục địa của Việt Nam, quần đảo Trường Sa để một khi xảy ra sự cố, ta sẽ tranh thủ tối đa sự ủng hộ từ dư luận và pháp lý quốc tế.

Nếu ta không nói rõ, khi TQ cố tình nhảy vào và biến các khu vực không tranh chấp trong thềm lục địa Việt Nam thành khu vực tranh chấp, biến các bãi cạn trong thềm lục địa thành một bộ phận của quần đảo Trường Sa thì sẽ vô cùng bất lợi. Đó là những tính toán nham hiểm trong kế sách của TQ đang giăng ra, nếu để TQ làm được điều này thì không những họ chiếm được thực thể bãi cạn mà còn tạo ra ưu thế có lợi trong đàm phán quốc tế cũng như các tiến trình pháp lý sau này. 

Mặt khác cần lưu ý rằng hiện nay một số người cố tình đưa một số bãi cạn trong thềm lục địa Việt Nam vào phạm vi quần đảo Trường Sa, vô hình chung lại trúng kế TQ. Chính TQ đã tìm mọi cách đưa các bãi cạn trong thềm lục địa các nước ven Biển Đông vào trong phạm vi quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam mà họ gọi là “Nam Sa”, “Tây Sa” để cố tình hợp thức đường lưỡi bò.

Sự nhầm lẫn này rất nguy hại ở chỗ vô tình thừa nhận yêu sách hết sức vô lý của TQ ở Biển Đông. Việc vô tình hay cố ý gán ghép các bãi cạn trong thềm lục địa Việt Nam vào khái niệm quần đảo Trường Sa có lợi cho TQ và bất lợi cho Việt Nam và cần phải vạch rõ.

- PV: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ!

* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Mọi ý kiến nhận xét, đóng góp về bài viết xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ quocte@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!



Hồng Thủy