14 năm thua lỗ, ông chủ Tập đoàn Nestlé có dám đóng cửa Nestlé VN?

14/08/2013 07:11
Hoàng Lực (TH)
(GDVN) - Nếu quy chiếu theo triết lý "kinh doanh không ngừng tăng tưởng" của Chủ tịch Nestlé Letmathe và khi trong quá khứ ông đã cho đóng cửa 156 nhà máy và công ty thành viên vì kinh doanh kém hiệu quả, liệu ông có cho đóng cửa Nestlé Việt Nam không khi đơn vị này báo lỗ liên tục trong 14 năm?
"Khi bạn ngừng tăng trưởng có nghĩa là bạn bắt đầu hấp hối”, câu nói nổi tiếng của ông chủ Tập đoàn Nestlé Peter Brabeck-Letmathe ngày nào khiến nhiều người đang lo một kịch bản “hấp hối” cho Nestlé Việt Nam khi công ty này vừa công bố đang lỗ tới 30,8 triệu USD.

Chân dung vị lãnh đạo tài năng của Tập đoàn Nestlé


Để có được sự hùng mạnh và danh tiếng về tập đoàn về thực phẩm, đồ uống hàng đầu trên thế giới của Nestlé hôm nay, không thể không nhắc đến công lao to lớn của Peter Brabeck Letmathe, Chủ tịch Nestlé.

Những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, cổ phiếu của Nestle không được coi trọng bởi xu hướng e ngại của các nhà đầu tư đối với ngành kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là những hãng chuyên sản xuất thực phẩm cho trẻ em. Tình hình khó khăn đã khiến Tập đoàn đưa ra quyết định để vị phó giám đốc điều hành Peter Brabeck Letmathe thể hiện mình.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Nestle Peter Brabeck-Letmathe. Ảnh AFP
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Nestle Peter Brabeck-Letmathe. Ảnh AFP

Peter Brabeck Letmathe kế thừa Nestlé khi tập đoàn này có nhiều chuyện không hay xảy đến. Khi đó nói đến Nestlé người ta nghĩ đến cà phê và sau đó là những bê bối liên quan đến công thức chế biến sữa dành cho trẻ em mà Nestlé đã bán cho các nước nghèo khổ.  Bê bối này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và thương hiệu của Nestlé.

Peter Braback Letmathe sinh năm 1944 tại Villach (Áo). Tốt nghiệp khoa kinh tế Đại học thương mại quốc tế tại Viên, ông bắt đầu tham gia mạng lưới Nestle tại Áo năm 1968 với một chân bán hàng. Nhờ kiên trì phấn đấu, chỉ ít lâu sau, ông đã được đề bạt vào vị trí chuyên viên xây dựng các mẫu sản phẩm mới và nhiệm vụ điều hành các chi nhánh ở nước ngoài. Peter Brabeck Letmathe đã công tác liên tục 18 năm ở Chile, Ecuado, Venezuela.

Nestlé Việt Nam: 18 năm hoạt động, 14 năm lỗ và những con số bất ngờ

Nestlé Việt Nam: 18 năm hoạt động, 14 năm lỗ và những con số bất ngờ

Nối gót Coca Cola, Nestlé báo lỗ hàng chục triệu USD tại Việt Nam

Nối gót Coca Cola, Nestlé báo lỗ hàng chục triệu USD tại Việt Nam

Coca Cola đầu tư 20 năm không có lãi. Tôi không tin!

Coca Cola đầu tư 20 năm không có lãi. Tôi không tin!

Năm 1987, ông chuyển về làm việc tại tổng hành dinh của Nestle đóng tại Vevey, Thụy Sỹ với chức danh Phó Chủ tịch phụ trách mảng sản xuất các sản phẩm từ rau. Năm 1992, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc tập đoàn liên doanh giữa Nestle và S.A.

Năm 1997, ngay khi bắt đầu đảm nhận vị trí lãnh đạo Nestle, Letmathe đã đưa ra triết lý kinh doanh một công ty có thể hoạt động hiệu quả hơn bằng cách tập trung. “Khi bạn ngừng tăng trưởng có nghĩa là bạn bắt đầu hấp hối”, câu nói nổi tiếng của Peter Brabeck Letmathe khi còn làm TGĐ của Nestlé đã khẳng định sự thay đổi chiến lược và quyết tâm lấy lại thương hiệu của Nestlé. Trong khi hầu hết các công ty thực phẩm hoặc giữ nguyên quy mô hoặc co hẹp để đảm bảo lợi nhuận.

Ví dụ như Unilever đã phải cắt giảm 33.000 nhân viên năm 2000, đóng cửa một 100 nhà máy giảm số chi nhánh từ 1.600 xuống còn 400. Còn Cadbury Schweppes, nhãn hiệu đồ uống và bánh ngọt nổi tiếng của Anh này phải cùng lúc đống của 5 trong số 133 nhà máy giảm 10% số lượng nhân viên. Trong khi đó Nestlé vẫn tăng trưởng và phát triển với quy mô ngày càng lớn.

Đảm nhiệm vị trí TGĐ Nestlé một thời gian, Peter Brabeck Letmathe đã nhanh chóng tiến hành hàng loạt vụ mua bán lớn chưa từng có trong lịch sử Tập đoàn. Một số thương vụ phải kể đến như: mua lại Ralston Purina, tập đoàn sản xuất thức ăn cho sinh vật cảnh lớn nhất Bắc Mỹ, với giá 11 tỷ USD, hay giải thể hãng kem đang ăn nên làm ra Drerers Grand… Đồng thời, ông bắt đầu đổ vốn vào các thị trường mới đầy tiềm năng như Nga, Trung Quốc…

Không chỉ đưa ra những thay đổi lớn về chiến lược kinh doanh, Letmathe còn đầu tư mạnh tay và liều lĩnh hơn với chiến lược sản phẩm. Gần một năm sau ngày nhậm chức, ông cho ra mắt sản phẩm sữa mới mang tên Farine Lactée Henri Net. Chỉ vài năm sau, sản phẩm sữa tổng hợp trên của ông đã có mặt trên khắp châu Âu.

Thừa thắng xông lên, Tập đoàn đã tiến hành mua lại nhà sản xuất thực phẩm khổng lồ Caranation với giá trị hợp đồng lên đến 3 tỷ USD. Nhờ những thương vụ bạc tỷ như thế, danh tiếng của Nestle ngày một vang xa hơn. Từ chỗ chỉ kinh doanh các sản phẩm sữa, bánh kẹo, Tập đoàn bắt đầu vươn cánh tay sang nhiều lĩnh vực mới.

Năm 2005, những thành công không thể phủ nhận đã đưa Letmathe lên chiếc ghế Chủ tịch Tập đoàn. Ngay khi nắm được quyền lực tối cao trong Nestle, ông bắt đầu tiến hành cải cách, sắp xếp lại cơ cấu của Tập đoàn, như thực hiện chiến dịch cắt giảm chi phí, loại bỏ những mảng kinh doanh không đem lại lợi nhuận hoặc kém hiệu quả... Mặt khác, Letmathe vẫn tiếp tục chiến lược "mua đi bán lại" nhằm giúp "đế chế" Nestle không ngừng mở rộng.

Năm 2008, với cương vị Chủ tịch, ông đã đóng cửa 156 nhà máy và công ty thành viên, cắt giảm được khoảng 2,8 tỷ USD chi phí. Đồng thời, ông tiến hành mua lại 183 công ty và nhà máy mới, tăng tổng số công ty thành viên lên đến 516.


Đến năm 2013 riêng doanh thu quý 1/2013 của tập đoàn Nestlé tăng trưởng hữu cơ đạt 4.3%, doanh thu tăng 5.4% , đạt 21.9 tỷ Franc Thụy Sỹ. Ngày 11/4 vừa qua 2998 cổ đông đã tham dự Đại hội cổ đông thường niên của Nestlé, đại diện cho 49,78% tổng vốn và 70,64% số cổ phần có quyền biểu quyết. Các cổ đông đã phê duyệt báo cáo hàng năm và các  khoản thu chi, thống nhất với Ban Giám đốc về việc công bố thông tin ra thị trường .  

Việc Nestlé phát triển thành tập đoàn đa quốc gia trị giá 108 tỉ franc Thụy Sỹ (xấp xỉ 120 tỉ USD), với hơn 280.000 nhân viên trên toàn cầu phần nào chứng tỏ tài lãnh đạo của Peter Brabeck Letmathe.

Và bức tranh ảm đạm của Nestlé Việt Nam

Những con số trên đã phần nào phản ánh được bức tranh tăng trưởng toàn cầu của Nestlé. Tuy nhiên, trái ngược với bức tranh sáng sủa ấy, câu chuyện của Nestlé Việt Nam lại hoàn toàn "ảm đạm". Có thị phần lớn tại Việt Nam, cũng mới khánh thành thêm một nhà máy ở Đồng Nai, song sau 18 năm hoạt động ở Việt Nam, Nestlé vẫn đang kinh doanh thua lỗ và chỉ có lãi trong 4 năm.

Theo con số được đưa ra trong một báo cáo của Ban quản lý KCN tỉnh Đồng Nai gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế từ khi thành lập (năm 1995) đến nay, Nestlé Việt Nam đang thua lỗ hơn 30,8 triệu USD, chiếm 20% vốn góp chủ sở hữu.

Kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS cho thấy, Nestlé đang dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan ở Việt Nam.
Kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS cho thấy, Nestlé đang dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan ở Việt Nam.

Thừa nhận mức lỗ này, trả lời báo Đầu tư, ông Vũ Quốc Tuấn - Trưởng phòng Truyền thông&Đối ngoại Nestlé Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã có lãi trong các năm 2007, 2008, 2011 và 2012, chưa tính năm 2013. Trung bình những năm có lãi, chúng tôi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm”.

Trong khi đó vẫn theo lời ông Tuấn, dựa trên kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS, Nestlé đang dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan ở Việt Nam. Thậm chí, theo đánh giá của người tiêu dùng Việt Nam, thì ngôi vị của Nescafé trên thị trường cà phê hòa tan là “bất khả chiến bại”.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao mười mấy năm qua, nắm thị phần tốt như vậy, Nestlé vẫn kinh doanh thua lỗ và vì sao đang lỗ lũy kế hơn 30 triệu USD vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam? Và vì sao sau hai năm 2007, 2008 có lãi, Nestlé lại tiếp tục lỗ trong hai năm 2009 - 2010?

Tuy nhiên, ông Tuấn không đưa ra lý do vì sao Nestlé kinh doanh thua lỗ, mà chỉ cho rằng “lỗ là chuyện bình thường”. Giải thích nguyên nhân vì sao, vẫn đang kinh doanh thua lỗ mà lại tiếp tục mở rộng đầu tư, ông Tuấn cho biết, là vì khi đó, Công ty đã làm ăn có lãi và việc đầu tư xây dựng nhà máy mới cũng là “hoàn toàn bình thường”.

Nếu quy chiếu theo triết lý "kinh doanh không ngừng tăng tưởng" của Chủ tịch Nestlé Letmathe và khi trong quá khứ ông đã cho đóng cửa 156 nhà máy và công ty thành viên vì kinh doanh kém hiệu quả, liệu ông có cho đóng cửa Nestlé Việt Nam không khi đơn vị này báo lỗ liên tục trong 14 năm như vậy?
Hoàng Lực (TH)