Báo TQ: Ấn Độ phát triển tàu sân bay để xâm nhập Thái Bình Dương

14/08/2013 08:11
Đông Bình
(GDVN) - “Ấn Độ phát triển tàu sân bay một phần là nhằm vào Trung Quốc, Hạm đội miền Đông Ấn Độ sẵn sàng xâm nhập Thái Bình Dương”.
Ngày 12 tháng 8 năm 2013, Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên INS Vikrant
Ngày 12 tháng 8 năm 2013, Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên INS Vikrant

Chạy đua vũ trang nóng bỏng

Ngay sau khi tàu sân bay đầu tiên của Ấn Độ hạ thủy (12/8), tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 13 tháng 8 dẫn nguồn tin "Chosun Ilbo" Hàn Quốc cho rằng "châu Á bước vào thời đạy cạnh tranh bá quyền tàu sân bay".

Theo bài báo, ngoài Ấn Độ, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi vào hoạt động năm 2012, tàu sân bay trực thăng Izumo có quy mô lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản cũng vừa hạ thủy ngày 6 tháng 8, chạy đua tàu sân bay giữa các nước khu vực châu Á đã mở màn.

Trang mạng "NEWS1" Hàn Quốc cho rằng, cùng với việc các nước chính ở châu Á tăng cường sức mạnh chiến đấu hải quân tầm xa, các nước đang triển khai chạy đua tàu sân bay quyết liệt, vùng biển xung quanh Trung Quốc và Ấn Độ Dương trở thành những "vùng biển nóng hầm hập" của chạy đua vũ trang.

Đài truyền hình tin tức Đức ngày 12 tháng 8 cũng đưa ra kết luận tương tự. Theo bài báo, châu Á đang bước vào thời đại tàu sân bay. Trên Thái Bình Dương, tàu sân bay Mỹ ngày càng áp sát Trung Quốc, Thái Bình Dương đang đối mặt với cuộc chạy đua vũ trang.

Trong khi đó, Ấn Độ Dương đang phát triển thành trung tâm khủng hoảng mới. Cùng với việc Ấn Độ xâm nhập Ấn Độ Dương, Ấn Độ làm tốt sự chuẩn bị với các bước đi lớn hơn. "Tàu sân bay càng lớn, rủi ro tranh chấp cũng càng lớn".

Tàu sân bay Ấn Độ sẽ phá vỡ cân bằng chiến lược khu vực? Chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác không cho là như vậy. Theo Doãn Trác, không còn nghi ngờ gì nữa, “Ấn Độ phát triển tàu sân bay một phần là nhằm vào Trung Quốc, Hạm đội miền Đông Ấn Độ sẵn sàng xâm nhập Thái Bình Dương”.

Nhưng, theo Doãn Trác, mục tiêu chính của tàu sân bay Ấn Độ vẫn là Ấn Độ Dương, Ấn Độ luôn không hài lòng với ảnh hưởng của hải quân các nước lớn phương Tây ở Ấn Độ Dương, hạm đội cơ động trong 3 hạm đội chủ yếu là nhằm vào hải quân các nước lớn như Anh, Mỹ. Còn Hạm đội miền Tây chủ yếu đùng dể ngăn chặn mối đe dọa từ Pakistan.

Nói chung, Ấn Độ phát triển sức mạnh quân sự còn chủ yếu căn cứ vào nhu cầu quân sự và lợi ích biển của họ. Đương nhiên, tính toán về mặt chiến lược, Ấn Độ không muốn đi sau Trung Quốc là điều chắc chắn. Nhưng, ngành chế tạo của Ấn Độ không phát triển lắm, rất khó xây dựng được hệ thống công nghiệp quốc phòng hoàn chỉnh.

Tờ "Daily Mail" Anh cho rằng, phần thân tàu nội địa hóa của tàu sân bay Ấn Độ đạt 80-90%, nhưng phần hoạt động chỉ đạt 60%, phần chiến đấu không hơn 30%.

Ngày 12 tháng 8, trả lời phỏng vấn báo chí, giáo sư địa-chính trị học Nalapat, Đại học Manipal, Ấn Độ cho rằng, Ấn Độ chế tạo tàu sân bay sẽ không gây ảnh hưởng tới tình hình quân sự của châu Á, "do tàu sân bay chỉ có thể phát huy vai trò trên biển, trừ phi Ấn Độ và Fiji hoặc là Bangladesh xảy ra xung đột trực diện, tàu sân bay mới có thể phát huy vai trò có hiệu quả".

Giáo sư Nalapat cho rằng, đối với Ấn Độ, phát triển tàu ngầm hạt nhân quan trọng hơn chế tạo tàu sân bay. Theo ông: "Xét đến tỷ lệ thất nghiệp cao và tỷ lệ lạm phát cao hiện nay, Chính phủ Ấn Độ cần tập trung nhiều nguồn lực hơn cho phát triển kinh tế trong nước và vấn đề chống suy thoái".

Tàu sân bay: Ấn Độ dẫn trước Trung Quốc

Tờ "Deccan Chronicle" Ấn Độ ngày 12 tháng 8 đăng đánh giá, tàu sân bay Vikrant hạ thủy là "thời khắc ăn mừng của Hải quân Ấn Độ". Còn theo tờ "The Hindu", tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ hạ thủy là thời khắc trọng đại của lịch sử chế tạo tàu chiến Ấn Độ.

Tàu sân bay hạ thủy đưa Ấn Độ vào hãng ngũ số ít những nước có thể chế tạo tàu sân bay. Do tính phức tạp của công nghệ và chi phí cao, chế tạo tàu sân bay hoàn toàn không phải là việc dễ dàng.

Ngày 12 tháng 8, tờ "The Times of India" cho rằng, hiện nay trên thế giới chỉ có Mỹ, Nga, Anh và Pháp đã thiết kế và chế tạo thành công tàu sân bay, cùng với chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên hạ thủy, Ấn Độ bước vào hàng ngũ các nước “tự chế tạo tàu sân bay”. Tàu Vikrant có thể mang theo 36 máy bay chiến đấu, sẽ tiến hành chạy thử vào năm 2016, cuối năm 2018 sẽ biên chế cho Hải quân Ấn Độ.

Ngày 12 tháng 8, khi tham dự lễ hạ thủy tàu sân bay Vikrant, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony cho biết: "Ấn Độ cần có hải quân mạnh để bảo vệ đất liền của chúng tôi. Chúng tôi cần phải tiếp tục tăng cường thực lực chế tạo nội địa, bảo vệ lợi ích biển của chúng tôi".

Hãng tin ANI Ấn Độ dẫn lời ông Antony cho rằng, tàu Vikrant hạ thủy là một thời khắc tự hào của Ấn Độ, "trên phương diện thiết kế và chế tạo tàu chiến, chúng tôi đã thực hiện tự lực cánh sinh, trên thế giới chỉ có vài nước tiên tiến sở hữu năng lực thiết kế và chế tạo tàu sân bay".

Phó Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ R. K. Dhowan cho rằng, tàu sân bay hạ thủy là "vinh quang rất lớn" trong lịch sử tự chủ sản xuất của Hải quân Ấn Độ.

Tờ "First Post" Ấn Độ liệt kê những tính năng của tàu sân bay Vikrant gồm: dài 260 m, rộng 60 m, tốc độ trên 28 hải lý/giờ, lượng giãn nước thiết kế 37.500 tấn... Theo bài báo, đường băng của tàu sân bay này gấp đôi sân bóng đá, động lực có thể thắp sáng toàn bộ thành phố Cochin. Sau khi chế tạo thành công có thể mang theo máy bay chiến đấu MiG-29 và máy bay chiến đấu hạng nhẹ nội địa, còn có thể mang theo một loạt máy bay trực thăng.

Tờ "The Hindu" cho rằng, tuy chế tạo tàu sân bay Vikrant gặp vô vàn khó khăn, trải qua nhiều quanh co, nhưng người phụ trách nhà máy Cochin là Subramanian cho biết, thời gian chế tạo 9 năm của kế hoạch tàu sân bay tương đương với tiêu chuẩn toàn cầu, chỉ tồn tại khác biệt với Mỹ. Dây cáp trên tàu sân bay dài 2.500 km, ống dẫn dài 70 km, riêng phần đảo tàu phải sử dụng 4.000 tấn vật liệu thép.

Một số truyền thông phương Tây đã liên kết việc Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay với Trung Quốc. Tờ "Daily Telegraph" Anh ngày 12 tháng 8 cho rằng, tàu Vikrant hạ thủy có nghĩa là Ấn Độ đánh bại đối thủ khu vực Trung Quốc, gia nhập trước vào hàng ngũ những quốc gia có thể tự chế tạo tàu sân bay.

Có nhà phân tích cho rằng, tàu sân bay này không chỉ là tương trưng cho sức mạnh của Ấn Độ, mà còn là niềm tự hào quốc gia của Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ rất muốn cân bằng sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á và Ấn Độ Dương.

Theo hãng AFP, chương trình to lớn 5 tỷ USD này chào đón một thời khắc mang tính lịch sử, cũng đã phản ánh được thực lực quốc gia của Ấn Độ và những nỗ lực ứng phó với vai trò ảnh hưởng tăng lên của Trung Quốc.

Chuyên gia tờ "Jane's Defense Weekly" là Betty cho rằng: "Tàu sân bay sẽ triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - nơi tập trung lợi ích thương mại của thế giới. Ấn Độ tăng cường thực lực tự thân chủ yếu là cân nhắc ứng phó với Trung Quốc".

Có phân tích cho rằng, sức mạnh quốc phòng tổng thể của Ấn Độ vẫn lạc hậu xa so với Trung Quốc, vì vậy Ấn Độ đánh bại đối thủ cạnh tranh khu vực Trung Quốc trong lĩnh vực tàu sân bay nội địa có ý nghĩa to lớn.

Tướng hải quân nghỉ hưu Ấn Độ Pascal cho rằng, tàu sân bay Ấn Độ sẽ "nâng cao độ tin cậy của Ấn Độ", nhưng sẽ không làm thay đổi cân bằng sức mạnh giữa Ấn Độ và Trung Quốc, công nghệ hạt nhân và thực lực đóng tàu của Trung Quốc cao hơn.

Mặc dù làm cho dư luận trong nước vui mừng, nhưng tàu sân bay nội địa Ấn Độ còn phải đi một con đường dài mới có được sức chiến đấu. Tờ "The Hindu" cho biết, căn cứ vào kế hoạch, tàu Vikrant sẽ tiến hành kiểm tra hệ thống đẩy vào năm 2016, bắt đầu "chạy rô-đa" vào năm 2017. Sau khi đưa vào hoạt động năm 2018, Hải quân Ấn Độ sẽ tiến hành thử hệ thống vũ khí.

Mạng "Tin tức Quốc phòng" Mỹ cho rằng, tuy Ấn Độ tuyên bố tàu Vikrant sẽ chính thức triển khai vào năm 2018, nhưng nguồn tin từ Hải quân Ấn Độ cho biết, triển khai chính thức e rằng phải đến năm 2020, bởi vì tàu sân bay hiện mới chỉ hoàn thành 30%. Ngoài lắp ráp hệ thống đẩy, trong tương lai còn phải tiến hành nhiều công việc như cải tạo đường băng, lắp hệ thống vũ khí, chạy thử trên biển.


Đông Bình