Chủ tịch Quốc hội: “Cái gì dân không cần thì đừng có làm”

14/08/2013 08:07
Ngọc Quang
(GDVN) - “Một người dân hiện nay có bao nhiêu giấy, sau khi làm rồi còn bao nhiêu giấy tờ nữa? Trước thủ tục hành chính đi mấy cửa, bây giờ số cửa đi có nhiều hơn không? Đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ tính khả thi, dự thảo ra đời sẽ thay thế được bao nhiêu loại giấy tờ? Cái gì dân không cần thì đừng có làm”, CT Quốc hội nói về dự án Luật Hộ tịch.

Mỗi người dân sẽ có một mã số định danh

Chiều 13/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư Pháp đã đọc tờ trình về dự án Luật Hộ tịch.

Nói về sự cần thiết ra đời Luật Hộ tịch, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng, luôn được các quốc gia quan tâm thực hiện. Thông qua hoạt động này, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời có biện pháp quản lý dân cư một cách chính xác, từ đó xây dựng, hoạch định và phát triển chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước.

Các sự kiện hộ tịch cơ bản của mỗi con người từ khi sinh ra đến khi chết đều được đăng ký, bao gồm: khai sinh, kết hôn, ly hôn, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, khai tử… 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Bác Hồ đã dạy cái gì không có lợi cho dân phải hết sức tránh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Bác Hồ đã dạy cái gì không có lợi cho dân phải hết sức tránh.


Hiện nay, mỗi công dân có thể sở hữu đến khoảng 20 loại giấy tờ (Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, Hộ khẩu, Thẻ bảo hiểm y tế, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu phổ thông, Hộ chiếu công vụ, Hộ chiếu ngoại giao, Sổ bảo hiểm xã hội, Giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ, quyết định của cơ quan hành chính nhà nước…), mỗi loại giấy tờ đều có số khác nhau. Các giấy tờ đều có chung đặc điểm là chứa đựng những thông tin cơ bản về hộ tịch của cá nhân.

Tuy nhiên, trên một số loại giấy tờ của cùng một người thông tin của cá nhân cũng không trùng nhau, gây khó khăn trong việc sử dụng. Các số/mã số trên mỗi loại giấy tờ cũng có tính độc lập và không thể chia sẻ, kết nối được với nhau, nên dẫn đến sự cát cứ, khép kín thông tin cá nhân ở mỗi cơ quan quản lý, không phát huy được tính thống nhất trong công tác quản lý nhà nước.   

Do đó, để khắc phục hạn chế, bất cập nêu trên, trong điều kiện phát triển của công nghệ kỹ thuật số hóa, trước yêu cầu của công tác quản lý hộ tịch trong tình hình mới, thì việc quy định Số định danh cá nhân là hết sức cần thiết.

Số định danh cá nhân chỉ được cấp một lần duy nhất cho cá nhân, được ghi vào Sổ bộ hộ tịch, trích lục hộ tịch và giấy tờ khác theo quy định của pháp luật. Về bản chất, Số định danh cá nhân được coi như “chìa khóa” để tra cứu thông tin cá nhân, phân biệt người này với người khác (mỗi người có một số cố định dùng chung cho cả giấy tờ tùy thân, giấy phép lái xe, bảo hiểm).

Không trình dự thảo Luật Hộ tịch ra Quốc hội

Tại phần thảo luận về dự án Luật Hộ tịch, đã xuất hiện rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải dành thêm thời gian xem xét lại tổng thể các nội dung, nhằm giảm tối đa các thủ tục hành chính phiền hà cho nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phát biểu: “Luật Hộ tịch được kỳ vọng rất nhiều, trong đó có việc mỗi người sẽ bớt được bao nhiêu loại giấy tờ phải mang trong ví. Nhưng tinh thần tờ trình cho thấy, hộ tịch và hộ khẩu vẫn khác nhau, rồi vẫn còn chứng minh, hộ chiếu. Vậy Luật ra đời giải quyết điều gì? Sao không gom lại, để một người chỉ còn một loại giấy tờ thôi, chứ nếu không chỉ thêm người thêm việc”.

Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đặt câu hỏi: Khi có sự thay đổi như kết hôn, ly hôn thì người dân có thể khai báo ở nơi cứ trú hay phải về xã- nơi giữ sổ hộ tịch gốc?

Trả lời “chất vấn” của Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, theo lộ trình, đến năm 2020, tất cả công dân đều có số định danh cá nhân. Khi đó, người dân chỉ cần cho biết số định danh thì cơ quan quản lý hành chính sẽ đối chiếu dữ liệu. Tiến tới, cùng với thẻ điện tử, người dân không cần phải mang theo bất cứ một thứ giấy tờ gì, ở bất kỳ đâu và khi người dân yêu cầu thì được cấp trích lục.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết, khi có sự thay đổi thông tin (như kết hôn, ly hôn…), người dân không cần quay về xã nơi giữ hộ tịch gốc mà cơ quan nhà nước liên quan có nghĩa vụ thông báo cho cấp xã để xã cập nhật vào cơ sở dữ liệu.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt ra một loạt các vấn đề còn tồn tại khi Luật Hộ tịch ra đời, trong đó đáng chú ý là chưa đánh giá được cụ thể là sẽ giảm được các thủ tục hành chính phiền hà cho nhân dân.

“Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho thấy còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ, và phải giải quyết hết các vấn đề này mới trình ra Quốc hội. Tôi nhấn mạnh là làm gì thì cũng phải nghĩ cho dân, chứ cứ thế này thì chưa thể gọi là cải cách hành chính, nếu cứ đưa ra là người dân không đồng tình, không thực hiện được rồi lại bảo là luật không khả thi.

Tôi lấy thí dụ, gần đây làm thử chứng minh thư nhân dân có ghi cả tên bố mẹ lên đã bị người dân phản đối, một đề án tốn kém bao nhiêu tiền, rồi cuối cùng Thủ tướng đã quyết định dừng việc này. Lấy thí dụ như vậy là để thấy chúng ta phải rút kinh nghiệm mà làm cho tốt hơn”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, nhiều góp ý từ năm 2012 về dự án Luật Hộ tịch cho tới nay vẫn còn tồn tại, đồng thời nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm việc phải nghĩ tới lợi ích của nhân dân.

“Bác Hồ đã nói, cái gì lợi cho dân nhỏ mấy cũng phải làm. Cái gì hại cho dân phải hết sức tránh. Một người dân hiện nay có bao nhiêu giấy, sau khi làm rồi còn bao nhiêu giấy tờ nữa? Trước thủ tục hành chính đi mấy cửa, bây giờ số cửa đi có nhiều hơn không? Đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ tính khả thi, dự thảo ra đời sẽ thay thế được bao nhiêu loại giấy tờ? Cái gì dân không cần thì đừng có làm”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ trì phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận: “Các cơ quan chưa thuyết minh, giải trình một cách thuyết phục với thường vụ. Do đó, các bên liên quan cần phải rà soát lại các vấn đề, khẳng định giữ hay bỏ loại giấy tờ gì để có lợi cho dân, xã hội, Nhà nước. Tới năm 2016 Luật mới có hiệu lực, nhưng hiện nay còn nhiều vấn đề chưa rõ thì chưa cần phải đưa ra Quốc hội”.

Kết thúc phiên làm việc chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chưa trình dự án Luật Hộ tịch ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.

Ngọc Quang