China Post: Trung Quốc "đã làm quá tốt" để xóa tan mọi hy vọng về COC

14/08/2013 14:19
Hồng Thủy
(GDVN) - Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông là "tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế". Thái độ này cho thấy Trung Quốc thừa hiểu họ đuối lý về luật pháp quốc tế nên muốn dựa vào cái gọi là "yếu tố lịch sử".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Tờ China Post xuất bản tại Đài Loan ngày 14/8 đăng phân tích của học giả và nhà bình luận thời sự Frank Ching nhận định, những lạc quan và hy vọng về tiến triển của việc đàm phán ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) đã nhanh chóng tiêu tan trong sự miễn cưỡng đang trỗi dậy ở Bắc Kinh để đạt được thỏa thuận này.
Cuối tháng 6, khi Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý "tham vấn" COC, 10 Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cho biết mục tiêu chung của ASEAN là sớm kết thúc quá trình đàm phán, ký kết COC để thúc đẩy việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Lúc này một số người cho rằng đây là sự nhượng bộ của Trung Quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh đã sớm dội nước lạnh vào hy vọng về việc đạt được thỏa thuận COC khi Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng không nên vội vàng đàm phán ký kết COC, động thái ông xem như "không thực tế và cũng chẳng nghiêm trọng". Trong khi đó Frank Ching nhận định, Trung Quốc đang tiếp tục cố gắng chia rẽ ASEAN, đồng thời từ chối tiến trình xử lý tranh chấp được thiết lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà chính họ đã ký. Báo chí truyền thông Trung Quốc thì tìm cách cố gắng làm suy yếu lòng tin của Philippines vào Mỹ - đồng minh của họ.
Trung Quốc liên tục đổ lỗi cho các bên liên quan "vi phạm DOC" nhưng chính Trung Quốc thường xuyên phá vỡ DOC thông qua các hoạt động xâm lấn, bành trướng sức mạnh quân sự nhằm thay đổi hiện trạng trên thực địa.
Trung Quốc liên tục đổ lỗi cho các bên liên quan "vi phạm DOC" nhưng chính Trung Quốc thường xuyên phá vỡ DOC thông qua các hoạt động xâm lấn, bành trướng sức mạnh quân sự nhằm thay đổi hiện trạng trên thực địa.
Bắc Kinh vẫn khăng khăng đòi đàm phán song phương giải quyết tranh chấp đa phương ở khu vực quần đảo Trường Sa (5 nước 6 bên) với từng nước nhỏ hơn họ rất nhiều hòng chiếm thế thượng phong. Một điểm đáng chú ý trong các phát biểu của Vương Nghị theo Frank Ching là việc Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông là "tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế". Thái độ này cho thấy Trung Quốc thừa hiểu họ đuối lý về luật pháp quốc tế nên muốn dựa vào cái gọi là "yếu tố lịch sử". Tuy nhiên trong Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông giữa Trung Quốc với năm 2002 mà chính ông Nghị thay mặt cho Trung Quốc kí kết chỉ nhắc đến "luật pháp quốc tế" mà không có từ nào đề cập đến "sự kiện lịch sử" Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông rõ ràng không được hỗ trợ bởi UNCLOS và trong thực tế rõ ràng là Trung Quốc đang đi ngược lại các từ ngữ, khái niệm, quy định rất rõ ràng của UNCLOS. Khi thấy yếu tố pháp lý có lợi Trung Quốc trích dẫn luật pháp, nhưng khi luật pháp không đứng về phía Trung Quốc họ lập tức trích dẫn cái gọi là "sự kiện lịch sử" với lối ngụy biện: luật pháp không thay đổi được lịch sử.

* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Mọi ý kiến nhận xét, đóng góp về bài viết xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ quocte@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!


Hồng Thủy