Nếu Ấn Độ không chặn từ Biển Đông, TQ sẽ bành trướng ra Ấn Độ Dương

15/08/2013 14:21
Hồng Thủy (Theo The Diplomat)
(GDVN) - Hải quân Trung Quốc tiếp tục có cử chỉ dù không nói là hiếu chiến cũng mang tính khiêu khích khi nó phái một tàu hải quân bám theo tàu hải quân Ấn Độ trên đường từ Philippines sang Hàn Quốc.
Tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo, INS Vikrant
Tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo, INS Vikrant
Tuần này Ấn Độ công bố chiếc tàu sân bay đầu tiên tự nghiên cứu chế tạo INS Vikrant, sự kiện diễn ra chỉ vài ngày sau khi kích hoạt lần đầu tiên lò phản ứng trên khoang tàu ngầm hạt nhân INS Arihant cũng do New Delhi tự đóng. Hoạt động hiện đại hóa hải quân nhanh chóng của Ấn Độ có liên hệ tới chiến lược tại châu Á với vai trò hàng hải đang ngày càng được xác định rõ.
Hàng hải châu Á đã nổi lên như một khung địa chính trị mới trong những năm gần đây của các quốc gia châu Á phát triển nền kinh tế - thương mại lớn và tốc độ phụ thuộc vào thương mại đường biển, Ấn Độ cũng không ngoại lệ. Để bảo vệ các lợi ích hàng hải đang phát triển, chính phủ Ấn Độ đã lên kế hoạch được cho là đầy tham vọng thành lập một sức mạnh hải quân mới đa chiều với phạm vi và tính bền vững. Ấn Độ là nước có lực lượng hải quân lớn thứ 5 thế giới với kế hoạch phát triển 160 tàu chiến, bao gồm 3 hạm đội tàu sân bay vào năm 2020.
Tàu chiến Trung Quốc mở tuyến hộ tống hàng hải ra Ấn Độ Dương.
Tàu chiến Trung Quốc mở tuyến hộ tống hàng hải ra Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên tham vọng hàng hải của Ấn Độ đang đứng trước thách thức thực tế ở Biển Đông, mặc dù gần 55% giá trị thương mại của Ấn Độ đi qua eo biển Malacca, một số nước vẫn tiếp tục phản đối Ấn Độ đóng một vai trò nổi bật hơn trong khu vực. Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ không hài lòng về sự hiện diện của hải quân Ấn Độ trong khu vực ngay từ tháng 7/2011 khi 1 tàu hải quân Ấn Độ nhận được liên lạc vô tuyến điện từ hải quân Trung Quốc yêu cầu nó nhanh chóng rời khỏi Biển Đông sau khi ghé vào một hải cảng ở Việt Nam. Tiếp đó, tháng 6/2012 hải quân Trung Quốc tiếp tục có cử chỉ dù không nói là hiếu chiến cũng mang tính khiêu khích khi nó phái một tàu hải quân bám theo tàu hải quân Ấn Độ trên đường từ Philippines sang Hàn Quốc. Mặc dù Ấn Độ không có tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông nhưng lợi ích hàng hải của Ấn Độ ở Biển Đông đã được khẳng định. Ấn Độ cũng đã phát triển quan hệ hợp tác hàng hải với một số quốc gia có yêu sách ở Biển Đông, đặc biệt là với Việt Nam với thỏa thuận được phép cập cảng Nha Trang và giúp Việt Nam đào tạo trong lĩnh vực tàu ngầm. Ngoài việc tiếp cận các nguồn năng lượng đấy biển, đảm bảo an ninh hàng hải qua eo biển Malacca, Ấn Độ cũng có lợi ích rộng lướn hơn ở Biển Đông: Ngăn chặn không để Trung Quốc bành trướng từ Biển Đông ra Ấn Độ Dương, đặc biệt kể từ khi Bắc Kinh xác định Biển Đông là "lợi ích quốc gia cốt lõi".
Tàu hải quân Ấn Độ thăm Đà Nẵng.
Tàu hải quân Ấn Độ thăm Đà Nẵng.
Hơn nữa, một sự hiện diện hải quân mở rộng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương có thể dẫn đến sự đảo ngược vai trò và vị trí của Ấn Độ ở Biển Đông, thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ Bắc Kinh can thiệp vào tranh chấp về phân định biên giới trên biển giữa Ấn Độ với các nước láng giềng Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka. Một khi đã bành trướng sức mạnh hải quân ra Ấn Độ Dương, Trung Quốc còn có thể tiến hành các hoạt động thu thập tình báo và khai thác tài nguyên hàng hải gần bờ biển của Ấn Độ. Thực tế Trung Quốc đã kiếm được một giấy phép tham gia khai thác ở đáy biển sâu ngoài Ấn Độ Dương tháng 7/2011 càng làm gia tăng thêm mối lo ngại cho New Delhi. Trong bối cảnh này, sự hiện diện của hải quân Trung Quốc, một tay chơi mới ở Ấn Độ Dương bao gồm cả các hoạt động hộ tống hàng hải của Trung Quốc đã dấy lên mối nghi ngờ. Đã có thông tin cho biết một tàu ngầm Ấn Độ và tàu hải quân Trung Quốc đã bị khóa trong một tình huống căng thẳng gần eo biển Bab-el-Mandeb trong vịnh Aden tháng 1/2009. Điều này củng cố trường hợp Ấn Độ tham gia vào Biển Đông để ngăn chặn hành vi hàng hải ngày càng hung hăng của Trung Quốc đang từ từ lặp đi lặp lại ở Ấn Độ Dương.
Hồng Thủy (Theo The Diplomat)