Tình tiết mới trong vụ "nhân bản xét nghiệm" ở BVĐK Hoài Đức

16/08/2013 13:39
Hà Đức
(GDVN) - Một diễn biến bất ngờ là xuất hiện các lá đơn trong những ngày qua đã được tới gửi cơ quan chức năng, tố bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt - người đưa ra ánh sáng vụ trả kết quả xét nghiệm giả tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) - cũng là người "nhân bản"?

Vụ nhân bản hàng nghìn kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. 

Hầu hết các ý kiến bày tỏ quan ngại ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân, đặc biệt là làm chệch hướng điều trị của bác sỹ. Từ đó, đòi hỏi sự vụ phải được xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu, phóng viên đã thu được nhiều tình tiết bất ngờ cho thấy sự chẫm trễ xử lý của cơ quan chức năng khi Ban giám đốc bệnh viện đã có báo cáo rõ ràng từ cách đây nhiều tháng.

Vụ việc đi quá xa, không thể không có trách nhiệm của các cơ quan liên quan khi phối hợp xử lý vụ việc này. Bản thân người tố cáo cũng được cho là có ký vào các kết quả xét nghiệm khống.

Không có chỉ định của bác sỹ

Một tình tiết khá bất ngờ, tính đến ngày 15/8 mà phóng viên tìm hiểu được là các phiếu kết quả được kiểm tra trong hồ sơ bệnh nhân đều không có chỉ định của bác sỹ. Nghĩa là các phiếu này được lập, hoàn thiện và gắn vào bệnh án, hoặc trả cho bệnh nhân với mục đích hoàn thiện hồ sơ, chưa phát hiện kết quả nào được sử dụng làm cơ sở để các bác sỹ điều trị cho bệnh nhân.

Hàng loạt mẫu xét nghiệm máu giống nhau cho các bệnh nhân khác nhau
Hàng loạt mẫu xét nghiệm máu giống nhau cho các bệnh nhân khác nhau


Điều này, thống nhất với tường trình của các nhân viên y tế liên quan ở khoa xét nghiệm bệnh viện Đa khoa Hoài Đức  khi cho rằng việc nhân bản kết quả xét nghiệm được thực hiện vì có người “xin”, theo như họ thì đây đa số là người quen của nhân viên y tế.

Tìm hiểu được biết, vụ việc này đã được lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức phát hiện từ tháng 5/2013. Nhận thấy vấn đề nghiêm trọng, lãnh đạo bệnh viện này đã nhanh chóng báo cáo với Sở Y tế Hà Nội, cơ quan chức năng, tổ chức nhiều cuộc họp yêu cầu  cán bộ Khoa Xét nghiệm bệnh viện viết tường trình về vụ việc như tố cáo của bác sỹ Hoàng Thị Nguyệt.

Trên kết quả kiểm tra ban đầu, ông Nguyễn Trí Liêm- Giám đốc bệnh viện đã có văn bản báo cáo gửi Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội. Tại bản báo cáo này, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức thừa nhận là có việc: “In kết quả xét nghiệm máu cho bệnh nhân tại Khoa Xét nghiệm. Hiện tượng này xẩy ra là do có một số bệnh nhân là người thân của nhân viên y tế, bệnh nhi đã nằm viện nhiều lần được xét nghiệm với các kết quả bình thường, trong các bệnh thông thường như viêm phế quản, tiêu chảy…do bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế xin nhân viên Khoa Xét nghiệm kết quả xét nghiệm máu trả cho khoa điều trị mà không phải làm xét nghiệm”.

Theo đó, mỗi phiếu xét nghiệm khống bệnh viện thu khoảng 21.000 đồng/phiếu và số tiền thu được sẽ vào khoảng 60- 70 triệu đồng.

Như vậy, đáng ra với những vụ việc nghiêm trọng này, Sở Y tế Hà Nội, cơ quan chuyên môn là Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phải có những động thái tích cực xử lý ngay từ đầu, xử lý rứt điểm vụ việc, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên thì những cơ quan này đã tỏ ra chưa làm hết trách nhiệm, chưa xử lý kiên quyết nên dẫn đến sai phạm có tính chất hệ thống không được xử lý, khắc phục kịp thời.

Bị tố ngược

Diễn biến tiếp theo liên quan đến vụ việc này là sau một thời gian im lặng, ngày 13/8, ông Nguyễn Trí Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đã chính thức lên tiếng. Theo trình bày của ông Liêm gửi đến cơ quan chức năng thì những vấn đề liên quan đến đơn thư tố cáo, bệnh viện đã có giải trình với Thanh tra Sở Y tế từ trước đó, và bệnh viện đã có biện pháp khắc phục và đã trình các phòng ban liên quan của Sở Y tế. 

Ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc BVĐK huyện Hoài Đức, người vừa bị đình chỉ công tác.
Ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc BVĐK huyện Hoài Đức, người vừa bị đình chỉ công tác.

Theo ông Liêm thì với tư cách là người thầy thuốc, người quản lý, cá nhân ông đã nhận thức rất rõ vấn đề nghiêm trọng mà bệnh viện mắc phải. Vì vậy, khi cơ quan Công an vào làm việc và yêu cầu hợp tác, phía bệnh viện cũng đã hợp tác và cùng cơ quan Công an làm rõ những vấn đề mà cán bộ bệnh viện tố cáo.

Một diễn biến bất ngờ là liên tiếp các lá đơn trong những ngày qua đã được tới gửi cơ quan chức năng, tố bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt - người đưa ra ánh sáng vụ trả kết quả xét nghiệm giả tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) - cũng là người "nhân bản"?

Nội dung chính trong lá đơn ký tên hơn 41 nhân viên bệnh viện là bác sĩ Nguyệt thường xuyên gợi ý bệnh nhân làm xét nghiệm ngoài chỉ định để thu tiền riêng. Sự việc đã được lãnh đạo bệnh viện nhắc nhở nhưng vẫn tiếp tục. Vì vậy, "lãnh đạo bệnh viện đã phân công bà Nguyệt làm xét nghiệm nội viện để hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân". Nội dung thứ hai phản ánh bác sĩ Nguyệt cũng "chính là người từng nhân bản kết quả xét nghiệm".

Về vấn đề này, ông Liêm khẳng định sẽ tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ vấn đề này và tin tưởng vào sự làm việc công minh của cơ quan điều tra. Cũng theo ông Liêm thì bản thân chị Hoàng Thị Nguyệt: “trong quá trình công tác tại bệnh viện đã có rất nhiều phản ánh của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân người nhà nhân viên y tế và nhân viên y tế về việc chị Nguyệt đã vi phạm các quy định về khám chữa bệnh cũng như thái độ với bệnh nhân, và thương xuyên thu tiền ngoài quy định của ngành y tế. Trên tinh thần giáo dục, bệnh viện đã nhắc nhở chị Nguyệt để sửa chữa”- Ông Liêm chia sẻ.

Theo tìm hiểu được biết, quy định hiện hành của ngành y, kỹ thuật viên làm xét nghiệm không có thẩm quyền ký duyệt kết quả xét nghiệm để trả cho bệnh nhân. Thủ tục này, theo đúng quy trình phải do trưởng khoa xét nghiệm hoặc cấp cao hơn được chỉ định làm. Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao các phiếu kết quả đều do nhân viên kỹ thuật ký? Có hay không sự chỉ đạo từ lãnh đạo bệnh viện này? Ông Liêm khẳng định rằng không chỉ đạo làm việc này.

Một tình tiết khác khá bất ngờ là khi lật giở các trang hồ sơ lưu trữ tại bệnh viện, và bằng chứng được bác sỹ Vương Thị Thành, Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện đa khoa Hoài Đức cung cấp, thì có hàng chục phiếu kết quả “nhân bản” do chính người tố cáo Hoàng Thị Nguyệt ký. Chưa hết, trong đơn kêu cứu của nhân viên y tế bệnh viện này thì bà Nguyệt chính là người đã yêu cầu các kỹ thuật viên “nhân bản” kết quả xét nghiệm rồi dùng kẹp ghim, kẹp vào bệnh án của bệnh nhân để trả lại cho họ.

Tờ Vnepress dẫn nguồn tin phỏng vấn: Chia sẻ về việc bị tố cáo ngược, bác sĩ Nguyệt nói: "Tôi chỉ muốn nói, các bạn hãy yên tâm về tôi. Tôi không bao giờ làm những việc như đơn tố cáo. Cơ quan điều tra sẽ làm sáng tỏ vấn đề", chị nói. Kỹ thuật viên xét nghiệm này đã khóc rất nhiều khi biết bị tố cáo ngược, nhưng nói rằng "đã lường trước và sẵn sàng tâm lý cho những việc như thế này" khi quyết định đưa ra ánh sáng vụ hàng nghìn kết quả xét nghiệm đã bị làm giả để trả lại bệnh nhân. 

Cũng trên tờ báo này đã phỏng vấn điều dưỡng Nguyễn Văn Lý, nhân viên kho lưu trữ bệnh án phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Hoài Đức cho biết, ông thấy lạ không hiểu tại sao có 161 bệnh án (được cho là có chữ ký của bác sĩ Nguyệt trên tờ kết quả xét nghiệm) đáng lý do ông cất giữ lại nằm ở phòng dân quân tự vệ, cách kho lưu trữ vài phòng.

Ông Lý cho biết, thời gian qua gần như ngày nào ông cũng phải đưa bệnh án phục vụ việc điều tra. Vào một ngày nghỉ cuối tuần, giám đốc Liêm - khi đó chưa bị tạm đình chỉ đã cùng 2 nhân viên khác, yêu cầu ông mở kho bệnh án, đưa những tập hồ sơ bệnh án cho họ. Việc này kéo dài từ sáng đến quá trưa. Sau đó, khi giám đốc Liêm bị đình chỉ, ông mới biết chuyện 161 bệnh án "thất lạc" khỏi kho lưu trữ.

"Trước đó, việc tìm bệnh án bệnh nhân đều do tôi làm. Từ khi có cơ quan điều tra vào cuộc, tôi chỉ đưa ra những tập được yêu cầu. Còn họ lấy bệnh án của ai, bác sĩ nào, số lượng bao nhiêu... tôi không biết", ông Lý nói. Hiện 161 bệnh án "đi lạc" này đã trở về kho lưu trữ do ông Lý quản lý. 


Vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức được chị Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ khoa xét nghiệm, tố cáo đến cơ quan chức năng. Theo chị, sự việc này diễn ra từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013 tại khoa Huyết học. Trong khi bộ phận cán bộ chính quy, phụ trách máy móc Nhà nước đầu tư thì chủ yếu ngồi chơi vì không có việc làm. Còn bộ phận ngoại trú, phụ trách máy móc tư nhân, lại làm không hết việc. Bộ phận này chỉ xét nghiệm vài mẫu máu, rồi lấy kết quả trả cho nhiều người khác.

Công an Hà Nội đã vào cuộc, điều tra sơ bộ xác định trong thời gian này Khoa xét nghiệm đã cấp phát 1.149 phiếu xét nghiệm huyết học trùng nhau (2, 3 hoặc 4 người giống nhau). Bệnh viện đa khoa Hoài Đức được bảo hiểm thanh toán cho số phiếu xét nghiệm trên, tổng cộng trên 60 triệu đồng.


Hà Đức