Người nông dân học lớp 5 sở hữu hàng chục "phát minh" độc quyền

20/08/2013 10:08
Theo Thanh niên
Không ai có thể nghĩ rằng, một người thợ máy có đến hàng chục sản phẩm kỹ thuật nông nghiệp được nhiều giải thưởng và bằng sáng chế độc quyền chỉ mới có trình độ... lớp 5. Nông dân ở Bình Thuận gọi anh là “nhà sáng chế”.
Trong cái cửa hàng bán máy nông ngư cơ Tuấn Loan ở P.Xuân An, TP.Phan Thiết (Bình Thuận), anh Nguyễn Văn Hai khá bận bịu với những khách hàng là nông dân. Họ đến không phải chỉ để mua nông cụ, mà còn thăm dò xem “nhà sáng chế” này có “chiêu” gì mới cho các loại máy để họ mua.

Ở cái tuổi 46, khuôn mặt Nguyễn Văn Hai có vẻ như già hơn tuổi mình. Nhưng nụ cười nhân hậu luôn nở trên môi anh, khiến người đối diện cảm thấy thân thiện như từng quen nhau rất lâu rồi.
Anh kể: “Mình đã có đến hàng chục sản phẩm tự chế hoặc cải tiến từ máy nông nghiệp cung cấp cho thị trường. Có những sản phẩm được bảo hộ thương hiệu độc quyền, có những sản phẩm được giải thưởng, bằng khen, giấy khen. Nhưng cũng nhiều sản phẩm chưa thành công như mong đợi. Nhưng với mình, nó đều là những sản phẩm mang thương hiệu Nguyễn Văn Hai”.
Anh Nguyễn Văn Hai bên chiếc máy tuốt củ lạc - Ảnh: Quế Hà
Anh Nguyễn Văn Hai bên chiếc máy tuốt củ lạc  - Ảnh: Quế Hà
“Sướng” vì được nhiều nông dân sử dụng
Nhà nghèo, cha mất từ khi mới 6 tuổi, Nguyễn Văn Hai phải giúp mẹ nuôi hai đứa em từng bữa. Biển Phan Thiết nuôi ba anh em Hai lớn khôn trong sự nghèo khó của người mẹ tảo tần. Từ đó, Hai quyết kiếm sống mà không đi học nữa. Mười bốn tuổi, bỏ học đi làm thợ sửa xe Honda. Tiếng là thợ sửa xe, nhưng ông thầy chủ yếu cho vá xe là chính. Từ một thằng thợ sửa Honda nhỏ xíu mà Nguyễn Văn Hai dám rinh nguyên một chiếc máy dầu về mở toang ra rồi ráp lại.
“Ban đầu ông thầy tưởng mình nhờ ông thợ nào khác làm máy. Sau đó mình bảo chiếc máy chỉ bị lắp ngược con heo dầu, ráp lại là xong thôi. Lúc đó ông thầy mới tin rằng mình đã trở thành thợ máy dầu thực thụ”, Nguyễn Văn Hai kể về những ngày đầu đi làm nghề của mình. Anh cho rằng, chỉ có đam mê mới vượt qua tất cả.
“Có lúc đêm nằm không ngủ được. Giật mình thức dậy lấy viết vẽ vẽ, ghi ghi. Sáng mai dậy lại quên không nhớ rõ chi tiết gì, lại mày mò tiếp. Một sản phẩm có khi chỉ làm vài tháng là cho ra lò, bán có tiền ngay. Nhưng có những sản phẩm nung nấu trong ba bốn năm liền làm không xong. Mỗi năm có khi bỏ ra vài ba trăm triệu để thử nghiệm những phát minh của mình. Nhưng vẫn trắng tay. May mà bà xã mình ủng hộ”, anh kể.
Nói về những thất bại, anh nhớ lại: “Cái khó chính là mình không được học hành bài bản. Đam mê không thể giải quyết tất cả. Mình làm “độ” là chính nên độ chính xác không cao. Dẫn đến phải thử nghiệm nhiều lần. Nếu không kiên trì thì sẽ không thể theo đuổi những ý tưởng mới luôn có trong đầu thôi thúc mình từng ngày”. Để trở thành “nhà kinh doanh, nhà sáng chế”, Nguyễn Văn Hai phải mất gần 20 năm lam lũ kiếm sống. Sản phẩm nông nghiệp đầu đời của anh chính là cặp bánh lồng lắp cho máy xới trục ruộng lúa. Với cách sắp xếp chéo các thanh ngang của trục bánh lồng, nông dân bớt tốn dầu vì máy quay đầu rất nhẹ nhàng mà vẫn ép rạ chìm sâu xuống ruộng.

Có những lúc mình cũng không hiểu vì sao nữa. Cứ nhìn thấy một điều gì đó khó khăn là mình lại nghĩ phải có sáng tạo gì để khắc phục được nó

Đến năm 2006, anh nhận giải ba của Hội Liên hiệp Khoa học tỉnh Bình Thuận cho chiếc máy tuốt củ lạc (đậu phộng). Hai năm sau, lại một chiếc máy bứt củ lạc khác được trao giải nhì của tỉnh.

Cho đến năm 2010, khi mà cây thanh long trở thành thứ cây trồng làm giàu trên quê hương Bình Thuận, Nguyễn Văn Hai lại sáng chế ra loại bơm tích nước nhỏ giọt tưới thanh long. Sản phẩm này dù chỉ được giải khuyến khích của Hội Liên hiệp Khoa học tỉnh, nhưng anh bảo: “Mình sướng hơn nhiều cái giải thưởng chính vì được nhiều nông dân sử dụng”. Đến năm 2012, khi các nhà vườn thanh long đòi hỏi kỹ thuật cao theo mô hình VietGAP, Nguyễn Văn Hai lại cho ra máy “4 trong 1”. Anh chia sẻ: “Đây mới là thứ dữ nha. Thiết bị này có thể dùng để phun thuốc trừ sâu, bơm nước, cứu hỏa và thậm chí nó có thể phát điện”.

Đam mê quên cả con
Vợ anh Hai kể, có nhiều lần nhờ chồng đi đón con, dù con gửi ở Trường Đức Thắng nhưng ông chồng thân yêu lại chạy sang tận bên P.Đức Nghĩa. Chợt như tỉnh giấc quay lại thì trời đã tối sầm, con khóc toáng vì không có người đón.

“Mê sáng chế đến quên cả con”, bà vợ nhà sáng chế cười kể. Có đến năm đứa con, nhưng sự chăm sóc con cái của “nhà sáng chế” chủ yếu vẫn phụ thuộc vào người vợ đảm đang là chính. Bản thân anh, có những lúc do quá suy nghĩ đến nỗi phát bệnh, phải điều trị dài hạn “làm cả nhà phải lo lắng cho mình”, anh cười tiết lộ.
Con người của công việc này dường như cũng không quen sống ở đô thị lớn. “Vào đến Sài Gòn cũng chỉ một hôm là cứ muốn về nhà ngay. Ở nhà nhìn những người thợ máy làm việc cho mình, họ làm theo ý tưởng mới của mình, đúng ý thì sướng vô cùng, không muốn đi đâu cả”. Nguyễn Văn Hai tâm sự. Bởi vậy đến thời điểm này, không chỉ là nhà sáng chế mà anh còn là thầy giáo và đã cho “ra lò” hàng chục học trò có lòng đam mê, giỏi về máy nông nghiệp.
Giờ đây, khi mà tuổi không còn trẻ, nhưng đam mê chế tạo máy nông cụ giúp bà con nông dân luôn cháy bỏng trong con người Nguyễn Văn Hai. Anh luôn nói: “Giải thưởng lớn nhất của cuộc đời mình chính là được bà con vỗ tay hoan nghênh các sản phẩm mà mình cho ra lò”.


Theo Thanh niên