Cuộc đời 'ngọt ngào xen lẫn đắng cay" của vợ thi sĩ Xuân Diệu

18/08/2013 08:10
Liễu Phạm
(GDVN) - Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp, nữ đạo diễn đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam, vừa qua đời ở tuổi 85 sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư.
Bạch Diệp tên thật là Nguyễn Thanh Tâm, sinh năm 1929 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh. Từ năm 6 tuổi, bà đã được đưa theo học ở trường tu viện Saint Dominique ở Hải Phòng.

Năm 1944, gia đình bà chuyển sang Hải Dương. Khi mới 16 tuổi, bà đã đi theo Việt Minh, tham gia Tổng khởi nghĩa và tham gia phụ nữ cứu quốc ở Hải Dương rồi hoạt động trong Tỉnh hội và thường vụ liên khu III. Năm 1955, bà chuyển về làm tại báo Nhân Dân, làm tổ trưởng tổ Hà Nội, chịu trách nhiệm thông tin về thành phố.

Năm 1959, Bạch Diệp theo học lớp đạo diễn điện ảnh dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô. Bà tốt nghiệp năm 1963, sau đó về làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam. 

Trà Giang và Như Quỳnh trong phim “Ngày lễ thánh”, bộ phim gắn liền với tên tuổi đạo diễn Bạch Diệp.
Trà Giang và Như Quỳnh trong phim “Ngày lễ thánh”, bộ phim gắn liền với tên tuổi đạo diễn Bạch Diệp.

Tác phẩm đầu tay của bà là bộ phim Trần Quốc Toản ra quân, chuyển thể từ chèo, sau được trao giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai. Những bộ phim tiếp theo của bà ra đời sau đó là Người về đồng cói (1973), Ngày lễ thánh (1976), Câu chuyện làng Dừa (1977), Người chưa biết nói (1979), Ai giận ai thương (1982)... 

Nổi bật trong số các tác phẩm của bà là hai bộ phim Ngày lễ thánh (dựa theo cuốn tiểu thuyết Bão biển của Chu Văn) và Huyền thoại về người mẹ, đều do nghệ sĩ nhân dân Trà Giang đóng vai chính, đều giành được giải thưởng Bông sen bạc.

Về hưu năm 1992, bà vẫn được mời làm phim truyền hình cho Đài truyền hình Việt Nam. Bên cạnh đó, bà còn làm phim cho các chuyên mục Điện ảnh chiều thứ 7 và Văn nghệ Chủ nhật.

Bộ phim mang về cho đạo diễn Bạch diệp giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần 4 - 1977.
Bộ phim mang về cho đạo diễn Bạch diệp giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần 4 - 1977.

Năm 1997, Bạch Diệp được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2007, bà nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Bà là một trong số nghệ sĩ Việt Nam có tên trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô. Năm 2008, bà là một trong 11 nghệ sĩ đương đại được tôn vinh trong ngày kỷ niệm 55 năm thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam. 

Thành công trong sự nghiệp nhưng đạo diễn Bạch Diệp là người phụ nữ đa đoan trong cuộc sống riêng. Bà từng trải qua mối tình đầu trong trẻo với một cán bộ cách mạng, từng là "nàng thơ" của nhạc sĩ Tử Phác và đi qua hai cuộc hôn nhân. Nhưng có lẽ, như bà từng nói, để lại nhiều "dằn vặt, khổ đau, ngọt ngào xen đắng cay nhất” là đoạn đời ngắn ngủi sống chung với thi sĩ Xuân Diệu.

Nữ đạo diễn từng tâm sự về cuộc hôn nhân này rằng: “Công việc làm báo cuốn tôi đi mỗi ngày, tuổi 'băm' đã sầm sập đến sau lưng. Anh Hoàng Tùng mai mối cho tôi với anh Xuân Diệu. Chúng tôi cưới nhau khi tôi ở tuổi 27, còn anh ngấp nghé 40. Chưa đầy nửa năm, chúng tôi chia tay trong niềm thương và nuối tiếc... Ít ai biết tôi từng được làm vợ 'ông vua thơ tình' Việt Nam - Xuân Diệu. Những cuộc gặp gỡ định mệnh đem lại biết bao hạnh phúc và cả khổ đau, dằn vặt tôi suốt những năm qua. Người của một thời giờ đã đi vào thiên cổ, chỉ còn tôi vẫn giữ nguyên vẹn cảm xúc ngọt ngào xen lẫn đắng cay".

"Huyền thoại về người mẹ" là một trong những bộ phim đỉnh cao của đạo diễn Bạch Diệp.
"Huyền thoại về người mẹ" là một trong những bộ phim đỉnh cao của đạo diễn Bạch Diệp.

Bà kết hôn lần thứ hai với ông Nguyễn Đức Tường vào năm 1975. Họ đã sống với nhau 15 năm cho đến khi ông Tường mất. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng nữ đạo diễn đã sống trong sự viên mãn của hạnh phúc. Bà từng tâm sự, ông Tường đúng là "người đàn ông mà tôi mong chờ".

Nói về đam mê điện ảnh, đạo diễn - NSND Bạch Diệp từng tâm sự: "Nói về điện ảnh thì từ hồi tí tuổi đầu tôi đã mê mẩn điện ảnh rồi. Ngày đấy, khách của bố mẹ đến chơi, cho đồng tiền nào, rồi tết ai mừng tuổi là cất đi ngay để dành làm hai việc: một cho những người ăn xin và một mua vé vào rạp xem phim. Mà phim ngày đó đã có thuyết minh đâu, kệ cứ xem, xem cho đã mắt.

Có phim xem đi xem lại tới 3 hay 4 lần. Mỗi lần đi mua vé, cái cửa bán vé cao mà người mình bé quá, thế là mình kiễng chân lên, người bán vé thì thò hẳn đầu ra khỏi ô cửa cúi xuống để lấy tiền và đưa vé cho. Hồi bé nghe nói, nếu như trông thấy sao đổi ngôi thì mình ước điều gì sẽ thành hiện thực điều đó. Thế là bắc ghế ra vườn nằm, nhìn lên bầu trời sao, cứ đợi mãi, đợi mãi để mong được thấy sao đổi ngôi, mình ước những diễn viên trong phim sang Việt Nam để mình được gặp. Có khi ngủ quên luôn ở ngoài vườn. Lúc bấy giờ mới có 9, 10 tuổi thôi nhé".

Trong những năm cuối đời, nữ đạo diễn điện ảnh đầu tiên của Việt Nam - NSND Bạch Diệp sống trong căn ngõ nhỏ, phố Đội Cấn, làm bạn với hai chú mèo. Thi thoảng có mấy người cháu ghé lại thăm. Người bạn đời của bà khuất núi cách nay đã 20 năm và ông trời cũng không cho bà một mụn con nào. Nhưng những thua thiệt đời thường đấy lại được bù trì bởi một niềm đam mê khác, đó là khát vọng đầu đời, tình yêu với phim ảnh trở thành hiện thực.

Sáng ngày 17/8, nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam - NSND Bạch diệp qua đời ở tuổi 85 tại Hà Nội, sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư.


Liễu Phạm