Chuyển đổi loại hình trường: Lúng túng, loay hoay và luẩn quẩn!

22/08/2013 07:16
Xuân Trung
(GDVN) - Nhiều trường Đại học, Cao đẳng NCL đang có sự lúng túng trong việc thực hiện chuyển đổi từ loại hình trường dân lập sang tư thục theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Công văn của Bộ GD&ĐT.
Loay hoay từ Công văn chỉ đạo số 2071 của Bộ GD&ĐT ngày 20/3/2013 thực hiện như thế nào cho đúng, những quy định trong Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục Đại học 2012 và Quyết định số 112 của Thủ tướng Chính phủ. Trong hơn 10 trường NCL hiện nay đang rất lúng túng khi áp dụng các quy định này để chuyển đổi.
Loay hoay chuyển đổi sang tư thục Trong Luật Giáo dục năm 2005 và các văn bản dưới luật cũng đã chỉ rõ quy định về loại hình trường. Theo đó, ở Đại học không có loại hình trường Đại học dân lập. Do vậy, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg cho phép 19 trường Đại học dân lập được phép chuyển đổi sang loại hình trường Đại học Tư thục. Trong Quyết định này ghi rõ: “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành quy định, hướng dẫn việc chuyển các trường đại học dân lập hoàn thành trước ngày 30/6/2007”. Tháng 11/2006 Bộ GD&ĐT đã có cuộc họp với một số bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến chuẩn bị cho dự thảo hướng dẫn để 19 trường thực hiện Quyết định của Thủ tướng, nhiều trường đã có phương án chuẩn bị đợi có hướng dẫn của Bộ sẽ hoàn thiện và trình Bộ GD&ĐT.
Trường Đại học Thăng Long là một trong hai trường hoàn thành việc chuyển đổi từ dân lập sang tư thục theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trường Đại học Thăng Long là một trong hai trường hoàn thành việc chuyển đổi từ dân lập sang tư thục theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, một năm, hai năm, ba năm đằng đẵng qua đi trong sự  mong ngóng, chờ đợi của 19 trường. Cho tới ngày 16/7/2010 Bộ GD&ĐT mới ban hành Thông tư hướng dẫn số 20. Như vậy, phải mất 4 năm 3 tháng 2 ngày thì 19 trường mới có đủ căn cứ pháp lí chính thức tiến hành làm thủ tục thực hiện việc chuyển đổi. Nhưng tính tới thời điểm này sau khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT mới có 2 trường đã thực hiện xong việc chuyển đổi sang trường tư thục (Đại học Thăng Long và Đại học Quốc tế Hồng Bàng). Cũng trong thời gian này, Trường Đại học dân lập Phương Đông trước khi có Thông tư hướng dẫn đã xây dựng phương án chuyển đổi và tiến hành đại hội cổ đông bầu Hội đồng quản trị theo Quy chế của trường đại học tư thục. Trường đã trình Bộ xem xét nhưng sự việc trở nên bùng nhùng, phức tạp, không tiến triển được. Hiện nay trường vẫn thực thi Quy chế trường dân lập. Tương tự, Trường Đại học dân lập Hải Phòng sau khi đi vào ổn định, trường đã hoàn tất thủ tục và trình Bộ, sau những năm, những tháng chờ đợi, trường vẫn đang trong giai đoạn trường dân lập. Như vậy, hầu hết các trường đều rất lúng túng khi áp dụng Thông tư 20 vào cụ  thể hoàn cảnh trường mình. Lãnh đạo các trường cho rằng, khi áp dụng Thông tư 20 nhiều vấn đề phức tạp xuất hiện và khó giải quyết. Nhiều câu hỏi được đặt ra là: Trường Đại học có phải là doanh nghiệp không? Hội đồng quản trị của trường bầu theo đối vốn hay đối nhân là hợp lí? Trong khi vốn của nhà đầu tư được bảo toàn thì vốn vô hình (công lao sáng lập...) lại không được bảo toàn?... Lãnh đạo của một trường Đại học NCL nhận định: “Hẳn là Thông tư 20 của Bộ GD&ĐT chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế nên con đường đến với trường tư thục của 17 trường chưa được mở ra? Bộ nói đang sửa đổi và bổ sung Thông tư này, các trường vẫn phải chờ mà thôi”. Lực cản nào đã làm cho Quyết định của Thủ tướng chưa đi vào được cuộc sống. Thực tế sau 7 năm ban hành Quyết định 122 mới có 2 trường (2/19 =10,5%) thành trường Đại học tư thục.Đi tìm nguyên nhân Có một thực tế là hiện nay 17 trường trong hệ thống các trường NCL chưa biết mình đang ở loại hình nào? Mới đây, ngày 29/3/2013 Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 2071 đề nghị các trường Đại học dân lập chưa được chuyển đổi sang tư thục được tiến hành bầu Hội đồng quản trị lâm thời của trường. Nhưng thử đưa ra lí do của sự chỉ đạo từ Công văn trên: Hội đồng quản trị các trường đã hết hoặc quá nhiệm kỳ, trong Hội đồng quản trị đã có những người  quá 70 tuổi cần được bổ sung mới. Như vậy, ở các trường đang có một số xung đột về quyền lợi, dẫn đến thiếu tôn trọng nhau, mặc dù Thông tư hướng dẫn đã có nhưng Hội đồng quản trị cũng không giải quyết được. Lúc này cần có một Hội đồng quản trị lâm thời để chuẩn bị các điều kiện thực hiện việc chuyển đổi trường sang loại hình tư thục. Thực tế 17 trường đang tồn tại loại hình trường dân lập là sai so với quy định của các văn bản pháp quy (Luật Giáo dục, Quyết định 122 của Thủ tướng Chính phủ, Luật Giáo dục Đại học). Làm ngơ trước những quy định này, các trường vẫn thực hiện theo Quy chế dân lập trong tương lai liệu có được? Lãnh đạo của một số trường cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần phải chỉ rõ các trường được thực hiện theo Quy chế trường đại học đân lập ban hành theo Quyết định số 86/2000 của Thủ tướng Chính phủ thì thực hiện theo Điều 21 hay Điều 23? Điều 21 quy định bầu Hội đồng quản trị mới thay thế Hội đồng quản trị cũ đã hết nhiệm kỳ. Kết quả của việc bầu này là có một Hội đồng quản trị chính thức. Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đó là Hội đồng quản trị lâm thời thì có phù hợp với Quy định của Thủ tướng đã ban hành? Trong khi đó Điều 23 có nói: “Khi có đủ căn cứ về việc Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quy định Nhà nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức xin thành lập trường, có quyền ra Quyết định không công nhận Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng quản trị; Quyết định thành lập Hội đồng quản trị lâm thời và cử Chủ tịch Hội đồng quản trị lâm thời. Trong thời hạn không quá một năm, Hội đồng quản trị lâm thời có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về Hội đồng quản trị chính thức tại Điều 21 của Quy chế này”. Như vậy, các trường bầu Hội đồng quản trị lâm thời là không phù hợp với quy định. Trong tình thế này, các trường vẫn tiếp tục thực hiện bầu Hội đồng quản trị lâm thời để “tạm” là giải pháp tình thế trong việc chuyển đổi. Nếu trong một năm việc chuyển đổi chưa được thực hiện việc lặp lại một Hội đồng quản trị lâm thời khác lại tiếp diễn. “Điệp khúc” lâm thời liệu có ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định của thương hiệu, tới việc tuyển sinh đào tạo của các trường? Lãnh đạo của các trường thắc mắc: “Tại sao Bộ GD&ĐT không tổ chức họp 19 hoặc 17 trường lại cùng với một vài chuyên gia hàng đầu có hiểu biết, kinh nghiệm để bàn việc này cho thấu đáo?”
Xuân Trung