“Người dân được tự do ghi hình CSGT ở những nơi không có biển cấm”

21/08/2013 07:02
Viết Cường (Tổng hợp)
(GDVN) - Đây là khẳng định của đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Cục phó Cục Cảnh sát Đường bộ, đường sắt (C67) Bộ Công an trước một số thông tin cho rằng cơ quan này đang có chỉ đạo hạn chế quyền giám sát của người dân cũng như báo chí đối với lực lượng CSGT.

Trước đó, ngày 26.4, đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng C.67 có ký văn bản số 1042/C67-P3 gửi Trưởng phòng CSGT công an các tỉnh, TP về việc “Giả danh nhà báo ghi hình CSGT”.

Trong văn bản này có đoạn: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm (XLVP) khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.

Một hình ảnh đẹp về lực lượng CSGT trong đợt ngập lụt tài Hà Nội được phóng viên chụp lại
Một hình ảnh đẹp về lực lượng CSGT trong đợt ngập lụt tài Hà Nội được phóng viên chụp lại

Liên quan đến văn bản 1042/C67 – P3, trả lời trên báo Infonet, Thiếu tá Phạm Quang Huy, Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông đường bộ - đường sắt (Phòng 3), Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho biết: Tại thời điểm ban hành văn bản này có rất nhiều vụ các đối tượng tự xưng là phóng viên, nhà báo thậm chí là nhiếp ảnh gia thường xuyên đến các khu vực CSGT đang làm nhiệm vụ để quay phim, chụp ảnh, ghi hình gây khó khăn cho lực lượng CSGT.

Các đối tượng này đến khu vực CSGT làm nhiệm vụ đưa tấm danh thiếp rồi xưng danh là nhà báo để quay phim, chụp ảnh khiến cho cán bộ, chiến sỹ CSGT đang làm nhiệm vụ không được tập trung vào công việc. 

Sau khi CSGT kiểm tra lại danh thiếp của một số đối tượng tự xưng là phóng viên, nhà báo, tuy nhiên nhiều báo đều khẳng định không có phóng viên, nhà báo có tên như đã ghi trong danh thiếp và không cử phóng viên, nhà báo đi viết bài về CSGT.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng sau khi quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ đã dùng thủ đoạn đe dọa, tống tiền CSGT. Ví dụ như Công an Thanh Hóa và Bình Thuận cũng đã bắt giữ một số đối tượng giả danh phóng viên, nhà báo để ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ.

Thiếu tá Huy cho rằng, phải đọc cả nội dung của văn bản thì sẽ hiểu rõ nội dung chứ không nên cắt ghép, gắt đoạn để nêu không đúng về sự việc, khiến dư luận hiểu sai vấn đề.

Nội dung văn bản trên không rõ ràng, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau.

Trong khi đó, quy định “đối tượng”, “quay phim chụp ảnh hoạt động TTKS, XLVP khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ” không rõ là người nào? Là người “có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ” hay bất kỳ người dân nào chứng kiến và ghi nhận lại sự việc?

Ngoài ra, nội dung văn bản này còn được hiểu, nếu là nhà báo khi quay phim chụp ảnh cần phải được sự đồng ý của CSGT thì mới được tác nghiệp. Sau khi nhà báo “xin phép” được CSGT đồng ý thì CSGT sẽ gọi điện về thông báo cho cơ quan chủ quản của nhà báo.

Trao đổi với Thanh Niên Online sáng 20.8, đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn- Cục phó Cục Cảnh sát Đường bộ, đường sắt (C67) Bộ Công an cho rằng, văn bản của C.67 là chỉ đạo nội bộ, mục đích là để cán bộ chiến sĩ nâng cao tinh thần cảnh giác trước một số đối tượng giả danh nhà báo nhằm mục đích xấu. Đồng thời văn bản này cũng không đưa ra bất cứ quy định cấm nào.

“Theo tinh thần văn bản này có thể hiểu, người dân hoàn toàn được tự do ghi âm ghi hình CSGT ở những địa điểm không có biển cấm quay phim chụp ảnh. CSGT đang thực thi công vụ chứ không phải riêng tư nên người dân không cần phải xin phép”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng, nhà báo được quyền ghi hình chụp ảnh CSGT theo quy định của luật Báo chí.

Viết Cường (Tổng hợp)