Hoàn Cầu: Hạm đội Anh sẽ đến Nhật Bản để tập trận chung ngăn chặn TQ

31/08/2013 06:30
Việt Dũng
(GDVN) - Báo Trung Quốc tiếp tục lo ngại các động thái quân sự của Nhật Bản khiến cho Trung Quốc ngày càng khó mà áp đặt chủ quyền đối với đảo Senkaku.
Tàu khu trục phòng không HMS Daring Type 45 mới nhất của Anh
Tàu khu trục phòng không HMS Daring Type 45 mới nhất của Anh

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 26 tháng 8 có bài viết dẫn truyền thông Nhật Bản cho biết, vào tháng 11 năm nay, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ tiến hành diễn tập quân sự liên hợp với Hải quân Anh.

Đối với vấn đề này, ngày 26 tháng 8, tờ "Văn hối" Hồng Kông cho rằng, Anh lặn lội xa xôi đến Nhật Bản tiến hành diễn tập quân sự liên hợp, không những có ý đồ phối hợp với Nhật Bản ngăn chặn Trung Quốc trong vấn đề biển Hoa Đông, mà còn nhằm tiếp thị vũ khí với Nhật Bản.

Bài viết cay độc cho rằng, Anh vì "lợi ích nhất thời", "đổ thêm dầu vào lửa cho “chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản”, cuối cùng sẽ chỉ có thể "chuốc họa vào thân".

Theo tiết lộ của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tàu khu trục tên lửa tinh nhuệ nhất của Anh HMS sẽ đến thăm Nhật Bản, có ý định giới thiệu trang bị vũ khí mới nhất của Anh cho Nhật Bản.

Theo bài viết, những năm gần đây, kinh tế Anh trì trệ kéo dài, thâm hụt tài chính nghiêm trọng, Chính phủ Anh tiến hành cắt giảm mạnh chi tiêu quân sự để thực hiện kế hoạch giảm thâm hụt tài chính, có kế hoạch đến năm 2015 sẽ giảm chi tiêu quốc phòng xuống 8%.

Nhưng, công nghiệp quân sự luôn là ngành công nghiệp quan trọng của Anh, Chính phủ Anh ra sức cắt giảm quy mô mua sắm vũ khí trang bị, tác động lớn đến ngành công nghiệp quân sự nước này, vì vậy con đường duy nhất là tích cực bán vũ khí cho nước ngoài.

Nhật Bản đặt mua 42 máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 của Mỹ
Nhật Bản đặt mua 42 máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 của Mỹ

Trong khi đó, những năm gần đây, Nhật Bản tích cực mua sắm vũ khí trang bị, do đó Nhật Bản đương nhiên trở thành đối tượng chào hàng trọng điểm của Anh, cộng với việc Mỹ "thêm dầu vào lửa", cuối cùng thúc đẩy được hai bên tổ chức diễn tập quân sự trên biển liên hợp - chào hàng vũ khí lần này.

Theo bài viết, từ khi chính quyền Shinzo Abe lên cầm quyền đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã liên tiếp có một loạt động thái đáng chú ý, nhưng theo bài báo những hành động này mang màu sắc "chủ nghĩa quân phiệt".

Báo TQ hằn học bình luận rằng, gần đây, Nhật Bản còn liên tiếp tổ chức diễn tập quân sự trên biển quy mô lớn với nhiều quốc gia, được bài báo cho là có dấu hiệu "phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản", cho thấy Nhật Bản "không thức tỉnh về tội lịch sử", nhanh chóng tìm cách thoát khỏi sự trói buộc của thể chế quốc tế sau chiến tranh, có ý đồ thông qua khôi phục vinh quang trước chiến tranh một cách "cực kỳ hiếu chiến", và theo đó, bài báo không quên nhắc nhở các nước trên thế giới cần "cảnh giác" (?).

Bài viết cố ý tuyên truyền gây chia rẽ và ra sức đổ tội cho người khác, cho rằng, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước như Anh, Mỹ cũng đã "ăn quả đắng" của "chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản", hiện nay, để phối hợp với chiến lược "quay trở lại châu Á", ngăn chặn Trung Quốc, Mỹ không ngại để cho thế lực cánh hữu Nhật Bản không ngừng thách thức Trung Quốc, gây ra tình hình căng thẳng khu vực, hơn nữa hợp tác với Anh càng kích thích "chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản".

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tích cực thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp, xây dựng quân đội chính quy, bảo vệ chủ quyền nhóm đảo Senkaku, ngăn chặn tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tích cực thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp, xây dựng quân đội chính quy, bảo vệ chủ quyền nhóm đảo Senkaku, ngăn chặn tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

Kết quả sẽ chỉ làm cho thế lực cánh hữu Nhật Bản càng "không hề e ngại ai", không ngừng "gây ra tình hình căng thẳng quân sự" trong khu vực, một khi "cánh chim trở nên cứng cáp", sẽ "gây ra mối đe dọa nghiêm trọng" cho Trung Quốc, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ, Anh (?).

Bài viết ra sức tuyên truyền nói xấu Nhật Bản bằng kết luận: " TQ coi ý định chào bán vũ khí cho Nhật Bản của Anh là vì lợi ích nhất thời, Anh đã "đổ thêm dầu vào lửa" đối với "chủ nghĩa quân phiệt" Nhật Bản, cuối cũng sẽ chỉ "chuốc lấy hậu quả nghiêm trọng".

Bài viết tỏ thái đổ kẻ cả khuyên người Anh rằng, nước Anh hãy lấy lịch sử làm gương, rút ra bài học lịch sử, chớ vì lợi ích nhất thời mà đưa ra phán đoán nhầm chiến lược, cuối cùng gây ra "sai lầm lớn".

* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook



Việt Dũng