Nigel Farage: "Anh gần như chắc chắn sẽ tấn công Syria"

28/08/2013 14:36
Bình Nguyên
(GDVN) - Điều đáng quan ngại nhất đó chính là Iran, Nga đứng về một bên và phía còn lại là Anh, Pháp, Mỹ. Chính vì vậy, can thiệp quân sự vào Syria có thể dẫn đến những hậu quả lớn hơn những gì chúng ta có thể đoán được vào thời điểm hiện tại. Tôi cho rằng họ sẽ phải cân nhắc kỹ.
Nhà lãnh đạo Đảng "Độc lập Anh Quốc"/ UK Independence Party của Anh - Nigel Farage
Nhà lãnh đạo Đảng "Độc lập Anh Quốc"/ UK Independence Party của Anh - Nigel Farage

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nước Nga ngày nay, chủ tịch Đảng "Độc lập Anh Quốc"/ UK Independence Party của Anh - Nigel Farage cho hay ông tin rằng quyết định can thiệp quân sự vào Syria của chính quyền London gần như đã được lựa chọn. Ông cho rằng Anh là một trong những quốc gia nhiệt tình nhất trong các hành động có liên quan đến việc lật đổ chính quyền Syria.

Được biết, trong ngày mai 29/8/2013, Nghị viện Anh sẽ được triệu tập để bàn thảo về các phản ứng có thể sẽ được áp dụng đối với vụ việc nhiều thường dân ở Syria thiệt mạng vì vũ khí hóa học ở Damacus. Trước đó, hôm 27/8, Thủ tướng Anh David Cameron đã kêu gọi tiến hành hành động quân sự chống lại Syria.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng đã nói rằng cho tới thời điểm 26/8, chưa có quyết định chính thức nào được thông qua trong số những dự định phản ứng có thể. Ông David Cameron thẳng thừng tuyên bố rằng Anh không cân nhắc việc nước này có thể sẽ dính líu vào một cuộc chiến tranh ở Trung Đông.

Nigel Farage - nhà lãnh đạo đảng Độc lập của Anh cho biết, thực tế chính quyền Anh có thể đã lựa chọn phương án tấn công Syria rồi. "Hoạt động quân sự ở căn cứ Cyprus đã cho thấy điều này" - ông Nigel Farage nói.

Tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh đang có mặt ở Địa Trung Hải
Tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh đang có mặt ở Địa Trung Hải

Dưới đây là một số nội dung trong cuộc phỏng vấn của Nigel Farage với kênh "Nước Nga ngày nay" có liên quan đến vấn đề Syria:


Nước Nga ngày nay: Nghị viện Anh (Quốc Hội) đã được triệu tập để chuẩn bị thảo luận biện pháp ứng phó với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria. Tại sao cuộc triệu tập quan trọng ở Anh lại diễn ra vào thời điểm này? Tại sao không đợi các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc báo cáo kết quả cuộc điều tra?

Nigel Farage: Có thể thấy rằng ngay từ đầu, chính quyền Anh, đặc biệt là hai nhân vật Ngoại trưởng William Hague và Thủ tướng Anh David Cameron là những người tỏ ra sốt sắng nhất cho kế hoạch can dự vào Syria. Bạn biết đấy, có thể Anh đang vũ trang cho lực lượng phiến quân hoặc trực tiếp sẽ can thiệp vào Syria bằng các đòn tấn công bằng tên lửa hành trình thông qua hoạt động chuẩn bị tại căn cứ quân sự ở Cyprus. Chính quyền Anh là lực lượng hăng hái nhất cho kế hoạch can thiệp ở Syria. Chính vì vậy họ (Anh) sẽ không chỉ chuẩn bị để chờ đợi đâu.

Tôi cho rằng các nhân vật đứng đầu nước Anh sẽ không đợi cho đến lúc Hội đồng bảo an thông qua xong một nghị quyết về tình hình ở Syria.

Nước Nga ngày nay: Theo ông điều gì sẽ xảy ra khi một số các quốc gia tuyên bố rằng họ không cần đến sự ủy thác của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc? Họ sẽ tiến hành hành động quân sự?
 
Nigel Farage: Tôi cho rằng đó là một “bộ luật quốc gia”, về lý tưởng mà nói thì đó là một cái gì đó người ta muốn nhắc đến để hợp pháp hóa trước khi tiến hành các hoạt động tấn công quân sự. Tôi chắc chắn rằng nếu tham gia can thiệp quân sự mà không được sự chấp thuận của Hội đồng bảo an sẽ khơi mào cho các cuộc tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, rốt cục luật pháp quốc tế cũng không thể ngăn được Anh, Pháp, có lẽ cả người Mỹ khi họ đã quyết lựa chọn việc gì cần phải làm theo ý họ.

Nước Nga ngày nay: Chúng tôi cũng biết được rằng các cường quốc phương Tây đã tuyên bố với phe đối lập đang được ủng hộ rằng họ sẽ tấn công quân chính phủ Syria trong những ngày tới. Điều đó có thể suy đoán rằng tấn công quân sự nhằm vào Syria thực sự đã được lựa chọn như một giải pháp sẽ được triển khai trong những ngày tới?

Nigel Farage: Tôi nghĩ rằng câu là lời là “Phải”. Chính quyền Anh đã quyết định việc cần làm. Đó chính là lý do quân đội Anh đang thúc đẩy nhanh các hoạt động quân sự ở Cyprus. Nghị viện Anh thường được triệu tập một khi muốn cân nhắc, thông qua các quyết định quan trọng của Công Đảng Anh, đồng thời để trả lời một số câu hỏi của giới truyền thông đại loại như:  “ Thưa ngài Thủ tướng, ông có thể cho chúng tôi biết mục đích và những cản trở của sứ mệnh này (tấn công)?” hoặc  “Làm thế nào ông có thể đảm bảo rằng nước Anh sẽ không bị lôi kéo quá sâu vào chiến cuộc?”

Máy bay vận tải C-130 của Không quân Anh
Máy bay vận tải C-130 của Không quân Anh

Chính vì vậy, tôi hy vọng rằng trong 49 giờ tới, khi Thủ tướng Anh xuất hiện ở Nghị viện thì chúng ta sẽ có các câu trả lời đúng nhất cho những câu hỏi nói trên. Tôi phải nói thêm rằng, ngay từ thời Tony Blair khi Anh tham chiến ở Bosnia thì ở Anh cũng ít khi có người đặt ra câu hỏi, cũng như những vấn đề liên quan đến rút quân sau khi tham chiến. Thực tế Anh vẫn đang phải hiện diện ở Afghanistan lâu hơn bất cứ cuộc chiến nào kể từ Thế chiến I và II.

Nước Nga ngày nay: Vậy trong khi Anh và một số quốc gia khác đã sẵn sàng can thiệp quân sự vào Syria nhưng phần còn lại của châu Âu đang nghĩ gì? Họ đứng trên lập trường nào?

Nigel Farage: Chia rẽ chính là sự thật! Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng rốt cục thì đại đa số châu Âu sẽ bị thuyết phục và có thể quyết định “hành động quân sự là có thể chấp nhận được”. Lý do có thể là do “tổn thương đạo đức” vì một khi người ta xác định được quân đội của Assad thực sự sử dụng vũ khí hóa học.

Vận tải cơ C-130 của Anh
Vận tải cơ C-130 của Anh

Theo tôi điều đáng quan ngại nhất đó chính là Iran, Nga (thậm chí cả TQ, ít nhất là về lập trường) đứng về một bên và phía còn lại là Anh, Pháp, Mỹ. Chính vì vậy, can thiệp quân sự vào Syria có thể dẫn đến những hậu quả lớn hơn những gì chúng ta có thể đoán được vào thời điểm hiện tại. Tôi cho rằng họ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Nước Nga ngày nay: Tính cho tới thời điểm này vẫn chưa có chứng cứ xác thực khẳng định chính quyền Assad đã sử dụng vũ khí hóa học, điều đó có đúng?

Nigel Farage: Về cá nhân, tôi tin là có thể chính quyền Assad đã làm điều đó, nhưng thực sự chưa hoàn toàn rõ ràng. Tình hình hiện nay rất phức tạp. Ngay cả phe được cho là lực lượng đối lập bản thân họ cũng đang bị chia rẽ. Chính vì thế mà có thể nảy sinh sự thù hận kịch liệt giữa các nhóm đối lập ở Syria. Có thể mâu thuẫn giữa các phe nhóm này còn lớn hơn cả quyết tâm trong cuộc chiến chống lại chính quyền của Tổng thống Syria Assad. Chúng tôi (Anh) phải cảnh giác, chắc chắn được thủ phạm là Assad thì hãy hành động.



Bình Nguyên