Nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn với một con mắt và hai quả thận hỏng

04/09/2013 07:34
Lê Phương (Tư liệu Dấu Ấn)
(GDVN) - "Chính anh trai đã cho tôi quả thận của mình rồi bạn bè gom góp tiền cho tôi đi Mỹ chữa bệnh. Năm lần phẫu thuật, sống với một con mắt và hai quả thận hư, may cho tôi là còn có âm nhạc", nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn chia sẻ.
Trần Mạnh Tuấn là một trong những nghệ sĩ Saxophone nổi tiếng tại Việt Nam. Anh còn được biết đến là một người chơi nhạc Jazz, cuốn hút khán giả với những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 

Thế nên trong chương trình "Dấu ấn" số 2 sẽ diễn ra vào ngày 7/9/2013, Trần Mạnh Tuấn là nghệ sĩ được vinh danh và anh sẽ cống hiến cho khán giả những giai điệu âm nhạc lay động lòng người qua tiếng kèn Saxophone. 

Trịnh Công Sơn và Trần Mạnh Tuấn
Trịnh Công Sơn và Trần Mạnh Tuấn

Để ghi "Dấu ấn" cho chặng đường nghệ thuật của mình, lần đầu tiên Trần Mạnh Tuấn chia sẻ với khán giả những thăng trầm trong cuộc đời cũng như sự nghiệp của anh. 

"Cuộc sống lang bạt cho tôi sự cứng cáp, từng trải" 
Chia sẻ về cuộc sống thời thơ ấu, Trần Mạnh Tuấn cho biết anh sinh ra tại Hà Nội và con phố nơi anh ở khá hỗn độn với đủ thành phần trong xã hội:
“Tên cúng cơm của tôi là Thêm, chứ không phải Tuấn. Tôi là con thứ tám trong gia đình, tôi phải xa cha mẹ từ tấm bé, sống rong ruổi cùng đoàn hát đi khắp nơi. Tôi lớn lên ở phố Tạ Hiện, nơi hỗn độn mọi thành phần của xã hội, được va chạm sớm nên tôi hiểu thế nào là sự chia sẻ. Cuộc sống lang bạt cho tôi sự cứng cáp, từng trải...".
Bố mẹ Trần Mạnh Tuấn đều là nghệ sĩ cải lương do vậy anh có cơ hội được tiếp xúc với nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ. Năm 8 tuổi, Trần Mạnh Tuấn đã được tặng cây saxophone alto đầu tiên trong đời và đây cũng là món đồ chơi duy nhất trong thời thơ ấu của anh.
Trần Mạnh Tuấn cũng không giấu giếm khi thổ lộ rằng, nhờ môi trường sống nên bản năng sinh tồn của anh cũng hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa. Và ngay từ khi còn bé, Trần Mạnh Tuấn đã là một ông bầu thông minh, lanh lợi:
"Tôi có óc tổ chức, làm ông bầu từ bé, khả năng sinh tồn buộc mình phải khai thác, khám phá, khó khăn càng làm cho mình rắn rỏi, mạnh mẽ hơn. Tôi đi đêm về hôm mà mình không hư cũng là nhờ âm nhạc. Sau này, mẹ tôi vẫn thường nói không ngờ đứa con mà bà định bỏ đi mang lại hạnh phúc cho bà nhiều nhất”, Trần Mạnh Tuấn chia sẻ.
Năm 11 tuổi, Trần Mạnh Tuấn bắt đầu chơi kèn solo trong các buổi diễn. Địa điểm phục vụ thường là ở các sân hợp tác xã, sân đình nên những lúc trời mưa, nước hay tuôn vào kèn làm "bể dĩa" tiết mục của Tuấn. Năm 13 tuổi, anh được vào Tổng cục Du lịch, thổi kèn cho khách quốc tế.

Trần Mạnh Tuấn thời trẻ
Trần Mạnh Tuấn thời trẻ
"Sống với một con mắt và hai quả thận hỏng..."
Tuy nhiên cuộc sống không trải hoa hồng đối với Trần Mạnh Tuấn. Đúng năm anh 13 tuổi thì bệnh tật bất ngờ ập đến với anh:
"Năm 13 tuổi, tôi bị đau mắt, bác sĩ chẩn đoán chỉ bị viêm mắt bình thường, đâu ngờ ba ngày sau để tay lên mắt không còn nhìn thấy gì nữa. Bác sĩ phải tiêm một loại thuốc rất mạnh để giữ con mắt còn lại. Đau đớn vô cùng, tôi nằm lịm đi suốt mấy tiếng đồng hồ, rồi lại một mình trở về nhà...", Trần Mạnh Tuấn nhớ lại.


Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn.

Sự đau đớn, lo sợ và cô đơn lúc bấy giờ được Trần Mạnh Tuấn thổi hết vào cây kèn của mình và chính âm nhạc đã cứu sống anh:
"Lúc ấy, tôi tưởng cuộc đời thế là chấm dứt. Tôi lao vào thổi kèn như điên, và không ngờ âm nhạc đã cứu sống tôi", khuôn mặt Trần Mạnh Tuấn như bừng sáng khi nhắc đến âm nhạc và niềm đam mê của mình.
Năm 2004, Trần Mạnh Tuấn cho thành lập câu lạc bộ nhạc “Jazz Sax n’art” như một nơi gặp gỡ bạn bè và những người yêu thích nhạc Jazz, biến câu lạc bộ nghệ thuật của mình trở thành nơi sinh hoạt có lợi ích cho cộng đồng và âm nhạc. Năm 2012, cùng với những người đam mê nhạc Jazz, Trần Mạnh Tuấn lại tiếp tục thành lập ban nhạc Saigon Bigband với mục tiêu đưa nhạc Jazz đến gần hơn, trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của khán giả Việt.
Thế nhưng, khi sự nghiệp của mình đang ở đỉnh cao thì cùng lúc đó tai họa cũng đến với anh. Trần Mạnh Tuấn phát hiện hai quả thận của mình bị hư khi lưu diễn ở Đức. 
“Một tháng trời tôi bị sốc, chỉ nằm nhìn lên trần nhà. Tôi không thể tin được đó là sự thật. May mắn là tôi được nhiều người thương, kể cả những người bạn ở Mỹ. Chính anh trai đã cho tôi quả thận của mình rồi bạn bè gom góp tiền cho tôi đi Mỹ chữa bệnh. Năm lần phẫu thuật, sống với một con mắt và hai quả thận hư, may cho tôi là còn có âm nhạc. Suốt ba tháng đầu tiên phải vào bệnh viện để chạy thận, lúc nào tôi cũng có cây kèn bên mình. Khi không thổi kèn được thì tôi nghe nhạc. Sợ nhất là lúc gây mê, y như cảm giác đứng trước cái chết, sợ rằng mình sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa. Trước mỗi ca mổ như thế tôi thường chơi vài hợp âm gì đó. Âm nhạc giúp tôi và cả những người bệnh xung quanh lạc quan hơn”.
Qua đi hết những sóng gió của cuộc đời, những lúc thảnh thơi Trần Mạnh Tuấn thường đi chùa. Anh có duyên lành được làm bạn với nhiều nhà sư.
Lê Phương (Tư liệu Dấu Ấn)