Hồng Lỗi lên tiếng vụ Trung Quốc "đổ móng công sự" ngoài Scarborough

04/09/2013 16:38
Hồng Thủy
(GDVN) - Hồng Lỗi tranh thủ nói thêm, "đảo Hoàng Nham" là lãnh thổ Trung Quốc?! Căn cứ vào tình hình hiện nay tàu công vụ chính phủ Trung Quốc duy trì hoạt động bình thường trên khu vực bãi cạn Scarborough để khẳng định "chủ quyền" và duy trì trật tự và điều này "chẳng có gì đáng bàn"?!
Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tân Hoa Xã ngày 4/9 đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm nay lên tiếng phủ nhận thông tin từ phía Philippines nói rằng Trung Quốc đã thả các cấu kiện bê tông bất hợp pháp ngoài bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh gọi là "đảo Hoàng Nham".
Đồng thời Hồng Lỗi tranh thủ nói thêm, "đảo Hoàng Nham" là lãnh thổ Trung Quốc?! Căn cứ vào tình hình hiện nay tàu công vụ chính phủ Trung Quốc duy trì hoạt động bình thường trên khu vực bãi cạn Scarborough để khẳng định "chủ quyền" và duy trì trật tự và điều này "chẳng có gì đáng bàn"?! Trước đó trong phiên điều trần tại Quốc hội Philippines hôm qua 3/9, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin tố cáo Trung Quốc đã thả khoảng 30 khối bê tông xuống bãi cạn Scarborough mà họ chiếm quyền kiểm soát của Philippines từ tháng 4 năm ngoái, đồng thời đưa ra ảnh chụp bằng chứng.
Khoảng 30 khối bê tông Trung Quốc đã thả xuống Scarborough, dấu hiệu chuẩn bị đổ móng xây công sự bất hợp pháp, ảnh được Bộ Quốc phòng Philippines công bố.
Khoảng 30 khối bê tông Trung Quốc đã thả xuống Scarborough, dấu hiệu chuẩn bị đổ móng xây công sự bất hợp pháp, ảnh được Bộ Quốc phòng Philippines công bố.
Ông Gazmin cho rằng đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Philippines cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC. Bây giờ Trung Quốc thả các khối bê tông, sắp tới họ sẽ đóng cọc, đổ móng, và nếu không giám sát chặt chẽ thì lần sau quay lại có khi Bắc Kinh đã phái quân đồn trú bất hợp pháp tại bãi cạn này, Bộ trưởng Gazmin nhấn mạnh. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi Trung Quốc đã từng dùng thủ đoạn này để xây dựng công sự và chiếm đóng bất hợp pháp tại đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam cuối những năm 1990.

Hồng Thủy