Trung Quốc dùng máy bay ném bom để đe dọa Nhật Bản?

11/09/2013 08:21
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc vừa điều máy bay ném bom H-6 bay qua vùng trời giữa đảo Okinawa và Miyako ra Thái Bình Dương diễn tập và trong tương lai sẽ vẫn làm như vậy.
Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc được Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản chụp được.
Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc được Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản chụp được.

Máy bay ném bom H-6 bay xuyên qua vùng biển đảo Okinawa - Miyako

Sáng ngày 8 tháng 9, 2 máy bay ném bom H-6 Hải quân Trung Quốc đã bay qua vùng trời trên biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako, đến Tây Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện. Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã khẩn cấp điều máy bay chiến đấu cất cánh ứng phó.

Đối với vấn đề này, Doãn Trác - chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, máy bay ném bom Quân đội Trung Quốc bay qua chuỗi đảo đã sớm có tiền lệ. Phạm vi tấn công của máy bay ném bom tầm xa trên 2.000 km, huấn luyện ở chuỗi đảo sẽ ảnh hưởng đến việc phát huy chiến thuật của nó, chỉ có bay qua chuỗi đảo đến biển xa mới có thể kiểm tra bán kính tác chiến tối đa và tính ưu việt của hành trình lớn của máy bay này.

Theo hãng Kyodo Nhật Bản, 2 máy bay ném bom H-6 Trung Quốc bay qua bầu trời vùng biển quốc tế khu vực đảo Okinawa và Miyako, bay qua lại giữa biển Hoa Đông và Thái Bình Dương, sau đó bay về Trung Quốc. Vùng trời này hoàn toàn không phải là không phận Nhật Bản. Máy bay chiến đấu Nhật Bản đã tiến hành cất cánh khẩn cấp để ứng phó.

Được biết, đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận và công bố máy bay ném bom của Quân đội Trung Quốc bay qua bầu trời các hòn đảo tây nam của Nhật Bản.

Máy bay ném bom H-6 Trung Quốc (ảnh minh họa)
Máy bay ném bom H-6 Trung Quốc (ảnh minh họa)

Phản ứng trước thông tin trên truyền thông Nhật Bản, ngày 9 tháng 9, Bộ Quốc phòng Trung quốc cho biết, máy bay Hải quân Trung Quốc gần đây bay đến Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện là một sự sắp xếp thường lệ trong kế hoạch năm, "không nhằm vào bất cứ quốc gia và mục tiêu cụ thể nào", phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế có liên quan.

"Trung Quốc có quyền lợp hợp pháp như tự do bay ở những vùng biển có liên quan. Trong tương lai, Quân đội Trung Quốc vẫn sẽ tổ chức các hoạt động thường lệ tương tự theo kế hoạch".- quân đội TQ tuyên bố.

Doãn Trác cho rằng, máy bay ném bom luôn có trong hoạt động huấn luyện của Hải quân Trung Quốc. Máy bay ném bom Trung Quốc bay từ Quảng Tây, đến phía đông Đài Loan, bay qua eo biển Bashi, điều này đã sớm có tiền lệ từ rất sớm.

Phía đông Đài Loan chính là chuỗi đảo, trong khi đó, mấy năm gần đây, số lần máy bay ném bom Trung Quốc bay qua chuỗi đảo ít hơn so với trước đây.

Theo Doãn Trác, phạm vi tấn công của loại máy bay ném bom này vượt 2.000 km, sẽ tác động đến phát huy chiến thuật, chỉ có bay qua chuỗi đảo đến biển xa mới có thể kiểm tra bán kính tác chiến tối đa và tính ưu việt của hành trình xa. Lần này, hai máy bay ném bom H-6 đến Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện cho thấy hoạt động huấn luyện của tàu chiến và máy bay Trung Quốc đều sẽ được tiến hành thường xuyên.

Từ ngày 11 tháng 9 năm 2012 Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa đảo Senkaku đến nay, để ứng phó với máy bay Trung Quốc ở vùng biển Hoa Đông, số lần cất cánh khẩn cấp của máy bay chiến đấu Lực lượng Phòng vệ Trên không tăng lên. Trong thời điểm tròn 1 năm quốc hữu hóa, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tăng cường cảnh giới đối với các hành động của Trung Quốc.

Máy bay ném bom H-6 Trung Quốc (ảnh minh họa)
Máy bay ném bom H-6 Trung Quốc (ảnh minh họa)

Đối với vấn đề này, Doãn Trác tự cho rằng, việc tăng cường cảnh giới là "hành động đơn phương" của Nhật Bản. Trên trường quốc tế, "khu vực nhận biết phòng không" là phạm vi cảnh giới do một quốc gia đơn phương đưa ra, không được nước khác thừa nhận, không có bất cứ ý nghĩa gì đối với nước khác, càng không thể tạo ra bất cứ hạn chế nào.

Doãn Trác quay sang cáo buộc lại Nhật với luận điệu cho rằng: "phạm vi "khu vực nhận biết phòng không" do Nhật Bản đưa ra thậm chí đã vươn tới tuyến đầu duyên hải Chiết Giang, Giang Tô của Trung Quốc, về cơ bản đã đi vào khu vực nhận biết phòng không của Trung Quốc, việc vạch ra như vậy rất không hợp lý".

Máy bay không người lái "lạ" lượn lờ gần đảo Senkaku

Hãng Kyodo, Nhật Bản dẫn lời Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, một chiếc máy bay không người lái không rõ quốc tịch đã xâm nhập bầu trời lân cận đảo Senkaku. Quan chức Nhật bản nhấn mạnh, sẽ tiến hành hoạt động cảnh giới nghiêm ngặt, tăng cường năng lực theo dõi.

Hình ảnh này được cho là máy bay không người lái Trung Quốc đã xâm nhập khu vực nhận biết phòng không Nhật Bản và bầu trời đảo Senkaku
Hình ảnh này được cho là máy bay không người lái Trung Quốc đã xâm nhập khu vực nhận biết phòng không Nhật Bản và bầu trời đảo Senkaku

Ngày 9 tháng 9, Bộ Tham mưu liên quân Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, một chiếc máy bay không người lái không rõ quốc tịch cùng ngày xâm nhập khu nhận biết phòng không Nhật Bản trên biển Hoa Đông, đồng thời bay đến bầu trời khu vực đảo Senkaku, máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản tại căn cứ Naha đã khẩn cấp cất cánh ứng phó.

Máy bay không người lái có thể là máy bay của Quân đội Trung Quốc, chưa xâm phạm không phận Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản phát hiện máy bay không người lái đến gần Nhật Bản.

Ngày 11 tháng 9 năm nay là tròn 1 năm Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa đảo Senkaku, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, gần đây, hoạt động của Trung Quốc có xu hướng liên tiếp, Nhật Bản đang gia tăng các hoạt động theo dõi, cảnh giới.

Chiều ngày 9 tháng 9, tại cuộc họp báo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh: "Sẽ xuất phát từ góc độ bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận, áp dụng hành động cảnh giới chặt chẽ".

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cũng nói với các phóng viên rằng: "Đây là một sự việc đặc biệt, sẽ tăng cường năng lực cảnh giới, theo dõi".

Ngày 10 tháng 9, nhiều tàu cảnh sát biển Trung Quốc và tàu tuần tra Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đối đầu ở vùng biển phía đông nam đảo Minami-Senkaku
Ngày 10 tháng 9, nhiều tàu cảnh sát biển Trung Quốc và tàu tuần tra Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đối đầu ở vùng biển phía đông nam đảo Minami-Senkaku

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, máy bay không người lái này bay trên biển Hoa Đông về hướng đông nam, bay đến vùng trời cách đảo Senkaku khoảng 200 km về phía đông bắc, sau đó bay về Trung Quốc. Máy bay không người lái đã bay vài giờ trong khu vực nhận  biết phòng không của Nhật Bản.

Do không nhìn thấy ghế ngồi điều khiển, Bộ Quốc phòng Nhật Bản phán đoán máy bay này là máy bay không người lái. Do thân máy bay không ghi quốc tịch, Bộ Quốc phòng Nhật Bản không chính thức đoán đó là máy bay Trung Quốc, sẽ tiếp tục tiến hành phân tích.

Đối với vấn đề này, ngày 9 tháng 9 tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tiếp tục nhấn mạnh đảo Điếu Ngư (tức đảo Senkaku) thuộc về Trung Quốc, Trung Quốc sẽ kiên định bảo vệ chủ quyền của hòn đảo này.

Đồng thời cho biết, Trung Quốc chủ trương thông qua đối thoại, tham vấn để kiểm soát và giải quyết các vấn đề có liên quan. Trung Quốc muốn Nhật Bản "nhìn thẳng vào lịch sử và hiện  thực, có nỗ lực thiết thực để giải quyết thỏa đáng vấn đề đảo Senkaku".

Tàu Hải cảnh-2350, vốn là tàu Hải giám-50 của Cảnh sát biển Trung Quốc
Tàu Hải cảnh-2350, vốn là tàu Hải giám-50 của Cảnh sát biển Trung Quốc
Tàu Hải cảnh-1115 của Cảnh sát biển Trung Quốc
Tàu Hải cảnh-1115 của Cảnh sát biển Trung Quốc
* Đề nghị không sao chép, tái xuất bản với mục đích thương mại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình