Chủ tịch Hội đồng Dân tộc KSor Phước:

“Lấy phiếu tín nhiệm ba mức là hình thức, mất thời gian”

12/09/2013 13:48
Diệu Linh
(GDVN) - Đây là nhận định của ông KSor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc tại phiên làm việc của TVQH sáng nay, cho ý kiến về công tác lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội và HĐND các cấp.

Đề nghị lấy phiếu tín nhiệm chỉ có hai mức 

Ông KSor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhận định, giá trị thực tế trong lấy phiếu tín nhiệm là để làm gì? Không phải là để ca ngợi nhau, mà đó phải là hàn thử biểu để đánh giá kết quả công việc của các chức danh được bầu hoặc được phê chuẩn hoàn thành ở mức độ nào?

Từ đó, ông KSor Phước đề nghị: “Không nên lấy phiếu tín nhiệm đối với đại biểu dân cử, vì phát hiện, nâng cao củng cố không có nhiều giá trị, công việc ít va chạm, thực chất không va chạm với dân. Công việc thì HĐND giao rồi, trả lời dân theo văn bản, theo nghị quyết, cho nên mức độ sai phạm thì rất hiếm, trừ một số trường hợp tham nhũng, vi phạm đạo đức, tác phong làm việc… số này thì ít.

Thực tế vừa qua lấy phiếu tín nhiệm thì các chức danh thuộc TVQH và HĐND các cấp đều cao hết, nhưng bên Chính phủ và các ủy ban thì số phiếu cao không được nhiều. Đó là do sự bức xúc trong đời sống của nhân dân với các ngành rất nhiều”.

Ông KSor Phước - Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc.
Ông KSor Phước - Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc.

Theo ông KSor Phước, đã đến lúc chúng ta phải bình tĩnh xem xét lại việc lấy phiếu tín nhiệm, bởi không dễ gì mà ở QH khóa XI, XII thì đều có ý khi có vấn đề gì thì đưa ra lấy phiếu bất tín nhiệm.

Ông KSor Phước bày tỏ thẳng thắn: “Tôi đã tham gia Quốc hội 4 khóa rồi, trên thực tế chúng ta đã làm rồi, trong đó có xử lý vụ việc liên quan tới cả Phó Thủ tướng, liên quan tới Bộ trưởng. Vì vậy, tôi cho rằng vấn đề ở đây là do quá trình tổ chức chúng ta quyết tâm làm hay không.

Chúng ta cứ bàn đi bàn lại, tưởng là công trình vĩ đại hóa ra lại bình thường. Chúng ta nên đơn giản như mong muốn của người dân đi. Vừa rồi, tôi đi tiếp xúc cử tri thì bà con đề nghị nếu vẫn tiếp tục duy trì lấy phiếu tín nhiệm thì chỉ nên để 2 mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” thay vì 3 mức như hiện nay, làm mất thời gian và hình thức.

Bản thân tôi cũng chẳng nhớ được số phiếu cao nhất là ai nữa. Cử tri giờ chỉ nhớ được số phiếu thấp thôi. Cử tri cũng phản ánh là, đã bầu đại biểu rồi, bây giờ sao lại lấy phiếu tín nhiệm nữa, nếu có sai phạm thì đưa lại cho cử tri phán xét. Nhiều địa phương các cử tri mong muốn đưa tất cả những người đứng đầu các sở, ngành vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm”.

Ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách đồng tình với quan điểm của ông KSor Phước là không nên bỏ phiếu với đại biểu dân cử, vì hoạt động của cơ quan lập pháp và hành pháp khác nhau.

Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách.
Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách.

Ông Hiển nêu ba điểm: “Thứ nhất, ở TVQH hay ở các ủy ban thuộc TVQH, đồng chí đứng đầu cũng không thể đưa ra quyết định cá nhân, vì chỉ có một phiếu thôi và ở HĐND cũng vậy. Điều này khác hoàn toàn với vị trí của các đồng chí Bộ trưởng. Thế giới cũng vậy, có vấn đề gì thì người ta chỉ bỏ phiếu với cơ quan hành pháp thôi. Nếu vẫn lấy phiếu tín nhiệm thì nó không rõ, vừa rồi lấy phiếu thì các đại biểu dân cử có số phiếu cao, vì đánh giá năng lực ở một phạm vi thôi, chứ không có va chạm trực tiếp với dân.

Thứ hai là năm nào cũng có phiếu thì cũng phải cân nhắc, bởi vì những người được đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm và người dám nghĩ dám làm, mà làm thì có đúng có sai, nếu chưa đúng thì cần phải có thời gian sửa đổi, mà năm nào cũng lấy phiếu tín nhiệm thì có khi lãnh đạo của các ngành lại e ngại khi đưa ra một quyết định nào đó, có thể quyết định có lợi cho quốc gia nhưng động chạm tới quyền lợi của địa phương, thế là khi bỏ phiếu thì họ gặp bất lợi.

Thứ ba, tôi cho rằng cũng nên cân nhắc đưa các vị lãnh đạo các sở ngành ở từng địa phương ra lấy phiếu tín nhiệm, vì đó là những người đứng đầu của từng lĩnh vực rất cụ thể có tác động tới đời sống dân sinh tại địa phương đó”.

Ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ, qua tiếp xúc cử tri, bà con băn khoăn về kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở các địa phương liệu có thực sự chính xác không, rồi lấy phiếu tín nhiệm ở ba mức như vừa qua chưa phản ánh chính xác kết quả.

“Tôi xin nêu thí dụ, có địa phương mà lấy phiếu tín nhiệm cấp tỉnh thì cao, nhưng xuống cấp huyện và xã thì rất thấp, như vậy thực tế ở đây phản ánh điều gì? Chúng ta phải xem lại công tác cán bộ, đánh giá như thế này thì làm sao mà yên tâm với công tác phòng chống tham nhũng? Đồng thời, người dân cũng phản ánh là có người số phiếu tín nhiệm cao thấp nhưng cộng phiếu tín nhiệm thì thành ra con số này cao lên, họ chẳng hiểu thế nào cả. Vì vậy, chúng ta chỉ nên để ở hai mức là tín nhiệm và tín nhiệm thấp”.

Có nên lấy phiếu tín nhiệm sau phiên chất vấn?

Theo báo cáo của bà Nguyễn Thị Nương – Trưởng Ban Công tác Đại biểu: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII có tổng số 47 người được lấy phiếu tín nhiệm, không người nào có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% tổng số ĐB Quốc hội.

Cụ thể, số phiếu “tín nhiệm cao” đạt từ 50% trở lên có 18 đồng chí; Số người có tỷ lệ phiếu cộng cả hai mức tín nhiệm cao và tín nhiệm đạt trên 50% có 29 đồng chí; Số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” từ 10% trở lên có 16 đồng chí.

Bà Nguyễn Thị Nương - Trưởng Ban Công tác đại biểu.
Bà Nguyễn Thị Nương - Trưởng Ban Công tác đại biểu.

Ban Công tác Đại biểu đánh giá, kết quả phiếu tín nhiệm phản ánh khá sát thực với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm; kết quả phiếu tín nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm thuộc lĩnh vực phụ trách cũng phản ánh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước hai năm qua có những khó khăn, phức tạp, có mặt còn hạn chế yếu kém.

Ban Công tác đại biểu nêu rõ, nhiều tỉnh, thành phố cho rằng đối tượng lấy phiếu theo quy định ở địa phương còn quá hẹp, đề nghị mở rộng đến thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp, vì đây là người giữ chức vụ không phải do HĐND bầu, nhưng có liên quan và ảnh hưởng nhiều đến đời sống, kinh tế - xã hội ở địa phương, cần được sự giám sát của nhân dân.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị thu hẹp đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, không cần lấy phiếu tín nhiệm với Trưởng, Phó các Ban của HĐND.

Một số địa phương đề nghị cần có hướng dẫn về thời gian tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nên bố trí sau phiên trả lời chất vấn thì sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động chất vấn và giúp cho việc đánh giá mức độ tín nhiệm được chính xác hơn; cần có hướng cụ thể vè việc công khai kết quả và cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí.

Có địa phương đề nghị đối với những người được lấy phiếu tin nhiệm có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì bỏ phiếu tín nhiệm, quy định như hiện nay (trên 2/3 đại biểu) là chưa phù hợp, vì khi tiến hành bầu cử, người đưa ra bầu cũng chỉ cần trên 50% tổng số đại biểu đồng ý là đã trúng cử.

Diệu Linh