Chủ tịch Quốc hội: “Cần xem lại những dự án không do nhà nước thu hồi"

13/09/2013 07:37
Diệu Linh
(GDVN) - “Cũng cần phải nói lại là các dự án phát triển kinh tế xã hội thì nội dung thể hiện phải thế nào? Đối với các dự án này phải được cấp có thẩm quyền quyết định, nhưng ở những phần không phải do nhà nước thu hồi tôi thấy chưa thật rõ. Các dự án không phải do nhà nước thu hồi nhưng cũng rất quan trọng, vì nó phục vụ phát triển kinh tế xã hội, mà như vậy thì cũng là lợi ích quốc gia đấy, là an ninh quốc phòng đấy, nên điểm này cần phải làm cho rõ”.

Điều hành phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/9, bàn về dự thảo Luật Đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là dự án Luật quan trọng được xin ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII, sau khi lấy ý kiến nhân dân và chỉnh lý tại Kỳ họp thứ 5 dự kiến kỳ họp thứ 6 sẽ thông qua. Mặc dù, quá trình xây dựng Luật Đất đai và thảo luận tiếp thu, chỉnh lý rất công phu nhưng phiên họp vẫn đưa ra những ý kiến xác đáng để ban soạn thảo tiếp thu hoàn chỉnh tiếp, trước khi đưa ra trình kỳ họp thứ 6.

Thu hồi đất phải có đền bù thỏa đáng

Góp ý cho Điều 63 quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình phát triển kinh tế, xã hội do Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua, ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Luật cho rằng: “Nên quy định rõ hạn mức đất được thu hồi, chẳng hạn Quốc hội, Chính phủ thông qua thu hồi đất mức nào và cho hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua thu hồi mức nào. Trong Luật cần quy định chi tiết và làm rõ hơn”.

Các đại biểu cho rằng vấn đề thông tin quy hoạch hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. “Mới đây ở Quảng Ngãi người dân được đền bù tiền tiền đất thì người khác lại đến “cướp” tiền. Bởi trước đó, một số người biết trước quy hoạch nên đã mua của người dân có đất trong diện quy hoạch, đến thời điểm đền bù thì giá đất đã tăng hơn trước.” - ông Phùng Quốc Hiển đưa ra ví dụ.

Để giải quyết triệt để tình trạng trên ông Phùng Quốc Hiển đề nghị: “Nên quy định khi đất đã có quy hoạch thì không được mua bán”.

Liên quan đến vấn đề khung giá và đền bù khi  thu hồi đất, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo dự thảo Luật, Chính phủ quy định khung giá và sẽ điều chỉnh trượt giá khi có biến động lớn.

“Khái niệm biến động lớn rất chung chung. Tại sao Luật không quy định rõ biến động giá 10% hay 15% thì có điều chỉnh? Nếu không cụ thể về biến động giá, người dân lại nghi ngờ có lợi ích nhóm”, ông Phúc nói.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm VP Quốc hội.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm VP Quốc hội.

Nhắc đến vụ nổ súng ở Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Thái Bình mới xảy ra ngày 11/9, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói thêm, công tác thu hồi đất thực sự phức tạp, khi bồi thường đất cho dân, phải cân nhắc, tính toán làm sao để đảm bảo quyền lợi người dân.

Chủ nhiệm VP Quốc hội cũng nhắc lại vụ việc của gia đình ông Đoàn Văn Vươn và đề nghị, khi thu hồi đất của người dân cần phải tính tới công sức quai đê lấn biển để hạn chế bớt những bức xúc của người dân.

Ông Phúc nêu quan điểm: “Bãi bồi mênh mông nước như vậy người dân bỏ biết bao công sức, tiền của để quai đê, lấn biển biến thành nguồn lợi lớn vậy mà khi thu hồi lại bồi thường với giá quá thấp là điều khó chấp nhận. Giá bồi thường phải tính toán xứng đáng với công sức của người dân, vì họ đã bỏ công sức từ đời ông cha rồi, không thể để họ mất hết và dẫn tới việc họ phải dùng hình thức tiêu cực để chống đối chính quyền…".

Làm rõ việc thu hồi đất phát triển dự án kinh tế xã hội

Liên quan tới nội dung thu hồi đất phát triển các dự án kinh tế xã hội, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đề nghị: “Các đồng chí cần làm rõ các dự án, công trình phát triển kinh tế xã hội thì khác gì với khái niệm phát triển kinh tế xã hội như Nghị quyết Trung ương nêu ra không? Điều 61 quy định vì mục đích quốc phòng anh ninh; điều 62 quy định thu hồi đất phục vụ mục đích quốc gia và lợi ích công cộng; điều 63 thì quy định thu hồi phục vụ phát triển các dự án, công trình phát triển kinh tế xã hội. Nhiều người cho rằng, thực ra điều 62 và điều 63 là cùng một nội dung, thu hồi đất phát triển kinh tế xã hội cũng trùng hợp với mục đích quốc gia và lợi ích công cộng”.

Nói về đền bù giá đất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, vấn đề giá đất và thanh toán tiền đề bù khi thu hồi đất là nội dung rất quan trọng, vì vậy khi luật quy định, thu hồi đất thời điểm nào thì trả tiền đền bù cho dân thời điểm đó theo giá thị trường.

“Trên thực tế, không phải thu hồi đất cái là đền bù luôn mà còn qua nhiều khâu như lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, nên nghiên cứu kỹ vẫn đề này, xem đền bù giá nào, thời điểm nào?”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu làm rõ các nội dung trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, đảm bảo quyền lợi của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu làm rõ các nội dung trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, đảm bảo quyền lợi của nhân dân.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải làm rõ nội dung thu hồi đất phát triển kinh tế xã hội: “Cũng cần phải nói lại là các dự án phát triển kinh tế xã hội thì nội dung thể hiện phải thế nào? Đối với các dự án này phải được cấp có thẩm quyền quyết định, nhưng ở những phần không phải do nhà nước thu hồi tôi thấy chưa thật rõ. Không phải do nhà nước thu hồi nhưng cũng rất quan trọng, vì nó phục vụ phát triển kinh tế xã hội, mà như vậy thì cũng là lợi ích quốc gia đấy, là an ninh quốc phòng đấy, nên điểm này cần phải làm cho rõ”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, một dự án Luật mà phải qua 3 kỳ họp cho thấy tầm quan trọng của Luật Đất đai. Những điều chỉnh của Luật này mang tính chất chính trị, kinh tế - xã hội rất lớn nên khi Luật Đất đai sửa đổi, được ban hành phải làm sao khắc phục được tối đa hiện tượng khiếu nại, tố cáo, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai.  nếu giải quyết tốt thì ổn về xã hội. Khiếu nại, tố cáo, tiêu cực chủ yếu từ đất đai, vì vậy ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải rà soát đảm bảo tính khả thi của Luật.

Diệu Linh