Chân dung thật của "Chủ tịch tỉnh" Phạm Cường

04/09/2011 07:38
Hơn 20 năm dấn thân vào đời nghệ sĩ, Phạm Cường vẫn tự trào, mình chưa bỏ được tính nhát và thói quen e dè trước đám đông...

Mặt lạnh, dáng đăm chiêu, tư lự, ở bất cứ bầu không khí nào, NSƯT Phạm Cường cũng dường như thâm trầm, tách mình ra một khoảng lặng riêng. Đôi khi bận đồ công sở chỉn chu, đôi khi là bộ quân phục khuôn phép, trong mọi bối cảnh, vẫn chỉ một Phạm Cường chững chạc bài bản, nhìn ra ngay người tử tế tuy thấy chẳng dễ gần. Khuôn mặt ăn khách và ấn tượng của phim truyền hình Việt Nam thời điểm hiện tại, người đàn ông được trời phú cho vẻ ngoài đầy nam tính, mực thước lại bẽn lẽn tự bạch về mình như một kẻ nhút nhát, già trước tuổi và chẳng biết phải làm gì, nói gì cho ra vẻ hoạt ngôn lợi khẩu trước đám đông luôn huyên náo.


1. Bộ phim truyền hình Chủ tịch tỉnh đang phát sóng trên giờ vàng VTV1 đã vào hồi gay cấn, níu được người xem ngồi nán lại trước màn hình vô tuyến tuần 3 tối lúc 20h. Phim còn chừng chục tập nữa mới thôi, tuy hiệu ứng của phim thì đã lan tỏa, bủa vây lấy ông "Chủ tịch tỉnh" Phạm Cường ngay cả ở những thời khắc bình thường, vụn vặt của đời sống hàng ngày.

Ra đường, thoáng chốc lại cảm nhận có ai đó nhìn mình, mặt biến đổi, kiểu vừa vui vừa hồ hởi khi bất chợt nhận ra người quen. Mẹ Thu Quế đi lưu diễn theo đoàn, tất bật vội vàng, bố Phạm Cường dẫn con gái 15 tuổi và con trai 4 tuổi ra quán ăn trưa, nhoáng cái đã có thực khách bàn bên cầm ly cầm rượu đến mời chạm cốc chúc tụng, tay bắt mặt mừng.

Rời khỏi bàn ăn, kêu thanh toán, chủ quán đã vồn vã cười, bảo vừa có người này người này tính trước cả rồi. Đành chấp nhận, chưa biết tên, không nhớ mặt, chỉ chắc chắn đó là một khán giả xem phim, thích cái bản mặt Phạm Cường trên màn ảnh nhỏ, nên hồn hậu thể hiện sự quan tâm, ái mộ. Đi ăn sáng thì thôi khỏi nói, chẳng mấy bữa phải trả tiền, thành ra ái ngại, phải tự nhủ lòng, đâu đáng là bao, ăn thua nhân vật mình thể hiện đã đọng được vào tâm trí số đông người.

Công chúng kết Phạm Cường, cũng thực ra là khoái ông “Chủ tịch tỉnh Trí Tuệ”, một con người chứa đầy sai lầm giống bất cứ ai trên đời, nhưng vẫn kết tinh đậm đặc những thuộc tính của một vị "quan lớn" mà dân thời nay thường ao ước, mong mỏi. Nghệ thuật, suy cho cùng, chính là nơi gửi gắm, dồn nén khát vọng của muôn người, qua các hình tượng nhân vật đẹp, đủ sức sống để có thể đường hoàng tồn tại được giữa thanh thiên bạch nhật, giữa cuộc đời mà không vấp phải sự chối bỏ, sao "giả" thế, "điêu" và thần thánh hóa đến thế.

Chả phải cố, Phạm Cường bản chất đã luôn từ tốn đạo mạo ở ngoài đời, nên lớp vỏ ngoài của "Chủ tịch tỉnh Trí Tuệ" cũng là khuôn rập theo chính tác phong, cách đi đứng nói cười của nghệ sỹ. Nhưng Phạm Cường bảo, anh không để cho nhân vật ám vào mình, nghệ sỹ chuyên nghiệp là phải "át hồn át vía", lấn lướt nhân vật, chứ không được khiến nhân vật, dù kinh điển tới đâu làm tình làm tội, bắt nạt lại mình. Diễn viên là nghề chọn người, không được trời chọn mặt phú cho tài năng, thêm cả cái duyên cũng trời ban tặng, khó ai có thể đi đường trường mà không chồn chân mỏi gối, nản lòng, buồn tủi. Phạm Cường thấy mình có cơ duyên, nên nhẩn nha dè xẻn hưởng món quà của tạo hóa, lộc tổ đãi và chăm chút tỉ mẩn chỉn chu cho từng khuôn hình, từng khoảnh khắc nhân vật của mình trình diện trước người hâm mộ.  

Khi đạo diễn Bùi Huy Thuần bê gần như nguyên vẹn dàn diễn viên cả chính cả phụ của phim Ngôi biệt thự màu tro lạnh vào phim Chủ tịch tỉnh, người mà ông phải để tâm lựa chọn riêng chính là Phạm Cường. Đóng tới 700 tập phim truyền hình, nhiều trong số đó đâu còn nhớ tên phim, đâu còn nhớ tên nhân vật, Phạm Cường rốt cục hợp hơn tất thảy ở loại vai chính diện nhiều tâm trạng, lắm éo le, tóm lại là tuýp "người tốt việc tốt". Nhưng người tốt mà vẫn hấp dẫn, vẫn để cho khán giả nữ xuýt xoa, liếc mắt, người tốt nhưng không bị phán cho bệnh kinh niên là nhạt thì không nhiều diễn viên, may mắn có cả Phạm Cường đã tu luyện được.

Nhận lời làm phim Chủ tịch tỉnh vì kết kịch bản, đọc một lèo rồi OK luôn, nhưng Phạm Cường phải chật vật len lỏi, uốn tách mình trong mớ thời gian quá ít ỏi để thực thi lời hứa. Vừa đóng phim, vừa đảm đương chức phận Phó giám đốc Nhà hát Kịch Quân đội, vừa chạy "sô" cùng lúc hai bằng đại học, đạo diễn ở Trường Sân khấu Điện ảnh và Lý luận chính trị cao cấp, "Chủ tịch tỉnh" Phạm Cường đã tiết kiệm từng giây từng phút trong 24h mỗi ngày, cho thỏa cái tính tham công tiếc việc. May là diễn xuất đã thành bản năng, kinh nghiệm tầng tầng lớp lớp tích lũy được trong hơn 20 năm lăn lội giữa môi trường nghệ thuật, Phạm Cường đã không bị đuối sức, cũng không vướng vào cái đi sớm về muộn, bỏ quay, hoãn quay làm cả đoàn phim phải bực mình ấm ức.

Gia đình hạnh phúc của NSƯT Phạm Cường - Thu Quế.
Gia đình hạnh phúc của NSƯT Phạm Cường - Thu Quế.

Va chạm, tiếp xúc, đi lại nhiều, đủ để Phạm Cường nhận thấy, không ít cô gái trẻ, coi phim ảnh truyền hình đơn thuần là bệ phóng, cầu nối chắp cánh cho các cô đến với những chân trời khác, an toàn hơn, đủ đầy, rạng rỡ hơn. Thế nên mới có chuyện, nữ diễn viên xinh đẹp quay bối cảnh ngoài trời, nắng một chút, mưa một chút đã cằn nhằn bực dọc đạo diễn và bầu đoàn phục vụ. Phạm Cường tâm niệm, như họ cũng là lẽ thường tình, dù rằng lứa của anh khác, đã có sự ổn định, có chỗ dựa là gia đình, tĩnh tâm tự tại, "biết là đủ" nên không còn quay cuồng với bao ảo vọng chất chứa sự cám dỗ ngay ở trong nghề.

2. Khác với hình dung của phần lớn khán giả về một nghệ sỹ ăn hình, nổi tiếng, đang ở thế thượng phong, Phạm Cường từ bé đã nhát, thấy chốn lao xao là ngần ngại. Thuở học trò, thứ 2 đầu tuần được biểu dương dưới cờ, nghe gọi tên mình lẩn vội từ hàng đầu xuống hàng cuối, làm thầy hiệu trưởng phải đích thân tìm xuống tận nơi, dỗ dành kéo tay dắt lên. Đứng trước toàn trường, nhận lời khen mà mặt dần dần đỏ nhừ, chả biết ẩn nấp vào đâu cho hết ngượng.

Vốn dân Hải Phòng, cả họ không một ai theo nghệ thuật, nên khi a dua chúng bạn đăng ký vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, chưa hình dung ra nổi, năng khiếu của mình là gì. Cùng lớp với những Bùi Thạc Chuyên đạo diễn, Chiều Xuân, Tú Oanh, Yến Chi, Giang "còi", Huệ Đàn diễn viên, ra trường, mỗi người một nơi, nhưng rốt cục ai cũng đều có danh có phận. Ra trường, định ngấp nghé Nhà hát Kịch Việt Nam, cả năm trời đạp xe từ Mai Dịch ra Tràng Tiền, nhẫn nại tập vở Vua Lia, nhẫn nại đợi thời và mơ về ngày được thành người nổi tiếng. Rốt cục, số phận đẩy đưa, tiến quân về Đoàn Kịch Quân đội và chậm rãi tạo dựng tên tuổi một Phạm Cường dễ nhận diện trong tâm tưởng phần không nhỏ khán giả ưu ái phim truyền hình.

Hơn 20 năm dấn thân vào đời nghệ sỹ, dẫu đã thuộc hàng "vua biết mặt chúa biết tên", được định giá thù lao trong top đầu của hàng "sao" phim truyền hình, Phạm Cường vẫn tự trào, mình chưa bỏ được tính nhát và thói quen e dè trước đám đông. Chỉ lúc đứng trên sân khấu trước hàng nghìn người, hay trần mình tại trường quay, Phạm Cường mới thấy yên tâm là mình, tự tin được làm mình như mình vốn có.

Không quen những xô bồ hào nhoáng, nên thế giới riêng của anh cũng lành hiền bình dị, ôn hòa như bất kỳ một người thường nào khác trong đời. Hai vợ chồng cùng nghề cùng nhà hát, chia nhau ra đi công tác để cách chi cũng phải có một người ở nhà với con. Thu Quế xa nhà dài ngày, Phạm Cường bám trụ, tự tay làm tất cả mọi việc chăm con. Nhà không có "Osin", Phạm Cường kiêm luôn các vai trò như một ông bố đảm, hãnh diện khoe chỉ mỗi việc đẻ là mình không làm được, còn lại không thua kém, lép vế gì so với phụ nữ được tiếng khéo léo khoản "tề gia". Vợ đi lưu diễn, lập tức Phạm Cường trừ việc cơ hữu của Nhà hát, đình hết mọi "sô" diễn bên ngoài, để toàn tâm toàn ý với con.

Cậu con trai 4 tuổi đã le lói tư chất nghệ sỹ, xem chừng lại sớm theo nghề bố mẹ. Thuộc số những cặp vợ chồng nghệ sỹ sống được thuần túy bằng nghề diễn, không giàu nhưng đủ xênh xang, đủ chiều mình và chiều con cái mà không phải nặng nề lo xa tính gần như mười mấy năm về trước, Phạm Cường - Thu Quế, giờ khắc này, đã thấy thôi thì cũng bằng lòng với cuộc sống, an nhiên với sự lựa chọn của cá nhân mình.

Những lúc lắng lòng suy tưởng theo những ước mơ, Phạm Cường cũng chỉ đơn giản là sao có thêm một vai diễn, một vai diễn khác với những gì người đời đã quen thuộc, mặc định về anh. Phân bua rằng bản mặt lành lạnh hay khiến người đối diện ngại gần thực chất là điểm yếu cố hữu, còn mình nếu quen rồi cũng hay cười và dễ tiếp xúc chả kém ai, Phạm Cường đang kiên tâm đợi một vai diễn đặc biệt, một kiểu người xấu nhưng đầy mãnh lực thu hút với xung quanh. Anh ngóng đợi một nhân vật như trùm ma túy Tano Cariddi trong loạt phim Bạch tuộc của Italia, đối trọng với thanh tra Corrado Cattani, loại người lạnh giá bên ngoài mà ấm áp, ngùn ngụt bên trong, xấu xa tận cùng đấy nhưng người xem vẫn vấn vương, và không thể quá lòng căm ghét.

Chủ tịch tỉnh dẫu thành công ngoài mong đợi, nhưng cũng chỉ là một điểm dừng, một cái gạch đầu dòng bình thản trong đời nghệ sỹ, chỉ biết lấy sức diễn làm điểm tựa cho cả sự bình yên và kế sinh nhai, nên Phạm Cường chưa cho phép mình đến hồi được dừng lại.

Là người được nghề chọn, không ỷ vào may mắn thoạt đầu ấy để xênh xang hưởng lộc, NSƯT Phạm Cường luôn biết mình cần gì, biết chừng mực tiêu xài vốn liếng trời cho và rèn giũa, trau dồi để nhân thêm lãi ròng mà không ăn lẹm vào cái bản năng cố hữu. Một nghệ sỹ sắm sanh được danh phận, biết chừng mực trong thường nhật, biết rạch ròi phân biệt được cái thật giả của đời và cái mê đắm dại khôn trong nghệ thuật, âu cũng là người tỉnh táo khôn ngoan, chủ động mình cả trên sân khấu phim ảnh, cả ở những giao đãi giữa bộn bề cuộc sống đương thời.

Theo An ninh Thế giới cuối tháng