Ông chủ Đại Nam trao "ghế" Chủ tịch cho con trai 1 tuổi: Không thể!

25/09/2013 08:09
Liễu Phạm (Tổng hợp)
(GDVN) - Trước quyết định khó hiểu và có phần gây sốc của ông Huỳnh Uy Dũng, nhiều luật sư am hiểu luật pháp đã chỉ ra những điều "không thể".
Tối ngày 21/9, nhân dịp sinh nhật 1 tuổi của cậu con trai Huỳnh Hằng Hữu, ông Huỳnh Uy Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam và vợ là bà Nguyễn Phương Hằng – đã chính thức tuyên bố trao khối tài sản khổng lồ của mình ước tính tổng trị giá hàng tỷ USD cho cậu bé trước mặt gần 600 thực khách tại một khách sạn lớn ở TP.HCM.

Tổng số tài sản mà cậu con trai 1 tuổi của ông Dũng thừa hưởng bao gồm: Khu du lịch Đại Nam, Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu dân cư Dĩ An, Khu công nghiệp và dân cư Sóng Thần 3 (tỉnh Bình Dương), Khu dân cư Bình Phước và nhiều bất động sản lớn tại TP.HCM... 

Như vậy, kể từ ngày 21/9/2013, cậu bé 1 tuổi Huỳnh Hằng Hữu trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam, với hơn 2.000 nhân viên, có trụ sở tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ông Huỳnh Uy Dũng vẫn giữ chức Tổng Giám đốc điều hành công ty này.

Ông Dũng cũng cho biết, Công ty cổ phần Đại Nam dưới sự thừa kế của Chủ tịch HĐQT Huỳnh Hằng Hữu, thời gian tới sẽ có trách nhiệm xây dựng 17 đền thờ Đại Nam (trị giá 100 tỷ đồng/đền) trên khắp đất nước, phục vụ người dân có nơi thờ tự, chiêm bái và tưởng nhớ tổ tiên.

Tối ngày 21/9, vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Đại Nam đã tổ chức lễ sinh nhật cho đứa con tròn 1 tuổi.
Tối ngày 21/9, vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng -  Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Đại Nam đã tổ chức lễ sinh nhật cho đứa con tròn 1 tuổi.

Sự việc nhanh chóng gây xôn xao dư luận, trước những sự vô lý đến khó hiểu từ quyết định của ông Huỳnh Uy Dũng, nhiều luật sư am hiểu luật pháp đã lên tiếng chỉ ra những điều "không thể".

Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời TS Lê Minh Hùng, trưởng bộ môn Luật dân sự - Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết: “Không thể có việc như thế”. 

TS Hùng phân tích: “Vợ chồng chủ Khu du lịch Đại Nam có quyền lập di chúc để lại khối tài sản cho cậu con trai một tuổi. Thế nhưng nếu nói đứa con là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam thì điều này chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi lẽ cá nhân mới một tuổi là người không có năng lực hành vi dân sự, trong khi Chủ tịch Hội đồng Quản trị là chức danh quản lý của công ty.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty cổ phần nếu được Hội đồng Quản trị bầu thì người đó phải là thành viên của hội đồng này và đương nhiên người đó phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tức đủ 18 tuổi trở lên. 

Như vậy, về pháp lý, tuy cậu bé có thể là chủ sở hữu phần vốn góp trong công ty nhưng bản thân cậu bé không thể tự mình định đoạt tài sản cũng như không có tư cách điều hành công ty. Lúc này, cậu bé phải có người đại diện hợp pháp (cha hoặc mẹ tùy theo thỏa thuận) làm người đại diện chủ sở hữu phần vốn góp để tham gia vào Hội đồng Quản trị. Ngoài ra, cần lưu ý, chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ được Hội đồng Quản trị bầu ra theo quy định của điều lệ chứ không phải theo ý chí của cá nhân ông Huỳnh Uy Dũng”.

Trao đổi thêm về việc này, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Theo khoản 1 Điều 667 Bộ luật Dân sự thì “di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế”, tức sau khi người để lại di chúc qua đời. Di chúc của ông Dũng để lại toàn bộ tài sản cho con trai một tuổi chỉ thể hiện ý chí của ông tại thời điểm ông lập di chúc. Theo Điều 664 BLDS thì di chúc vẫn có thể bổ sung, sửa đổi, thay thế, hủy bỏ bất cứ lúc nào. Vậy nên tuyên bố của ông Dũng để lại khối tài sản cho con trai hiện vẫn rất mong manh, trừ khi thay vì viết di chúc thì ông làm hợp đồng tặng cho.

Cậu bé Huỳnh Hằng Hữu, con trai của ông Huỳnh Uy Dũng và người vợ thứ 2 bà Nguyễn Phương Hằng.
Cậu bé Huỳnh Hằng Hữu, con trai của ông Huỳnh Uy Dũng và người vợ thứ 2 bà Nguyễn Phương Hằng.

Chia sẻ trên báo Đất Việt, luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: Pháp luật quy định cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Việc ông Dũng lập di chúc cho đứa con một tuổi là hoàn toàn hợp pháp và hợp lý.

Tuy nhiên, đây chỉ là di chúc chưa có hiệu lực pháp luật nên cậu bé 1 tuổi chưa thực sự là chủ sở hữu của khối tài sản này. Vậy việc gọi đứa trẻ này là đại gia là không hợp lý.

Luật sư Trần Thu Nam – Trưởng văn phòng luật sư Tín Việt, và cộng sự khẳng định hiệu lực pháp luật của di chúc chỉ có được khi người lập di chúc qua đời, trong trường hợp này là ông Huỳnh Uy Dũng.

Thực tế, ông Dũng vẫn là chủ sở hữu của toàn bộ số tài sản ấy. Trong suốt thời gian còn sống, ông Dũng hoàn toàn có quyền từ bỏ di chúc, hoặc thay đổi bất cứ lúc nào. Sau này, khi đứa trẻ đã đến tuổi trưởng thành, dù là 18, 28, hay 38 tuổi nhưng người lập di chúc chưa qua đời, đứa trẻ vẫn không có quyền sở hữu nào với số tài sản được kê trong di chúc.

“Nên nhớ đây là bản di chúc, không phải hợp đồng tặng cho” – Luật sư Nam khẳng định.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thanh Điệp – trưởng Văn phòng Luật sư Khang Dân cho biết: “Bé 1 tuổi không thể làm Chủ tịch Hội đồng quản trị được. Nếu đứa bé này muốn trở thành chủ tịch HĐQT hay thành viên góp vốn gì đó của công ty thì căn cứ vào luật doanh nghiệp, công dân Việt Nam phải đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự mới được pháp luật đồng ý chấp nhận, điều này đã được quy định trong luật doanh nghiệp.

Thứ hai, người lập di chúc chưa qua đời, bản di chúc chưa thể có hiệu lực, thì làm sao lại công nhận tài sản cho một đứa bé 1 tuổi này được.

Điều này hoàn toàn không đúng với pháp luật Việt Nam. Kể cả người lập di chúc qua đời, thì đến trước 18 tuổi, đứa bé này dù được hưởng tài sản nhưng việc quản lý vẫn phải thông qua một người khác có quyền giám hộ hợp pháp như mẹ đứa trẻ, hay người thân hoặc người được chỉ định trong bản di chúc cho đến khi 18 tuổi."



Được biết, trước đây, gia đình ông Huỳnh Uy Dũng đã không ít lần khiến cho dư luận xôn xao. Hồi đầu tháng 12/2012, vợ ông chủ Khu du lịch Đại Nam - Huỳnh Hữu Dũng báo tin bị mất trộm 54 viên kim cương cùng nhiều tài sản với tổng trị giá trên 6 tỷ đồng. Sau đó, cảnh sát đã bắt giữ thủ phạm là người giúp việc của vợ ông Dũng.

Ngày 16/1/2013, trong buổi tiếp xúc với báo chí, ông Huỳnh Uy Dũng tiếp tục gây xôn xao khi công bố treo thưởng 100 tỷ đồng cho ai chứng minh được vợ ông đem tài sản thế chấp vay tiền bên ngoài.

“Tôi còn biết hiện nay, nhân vật này còn ‘móc” với một số người có chức, có quyền, có học thức, có địa vị hẳn hoi, không ưa vợ chồng tôi, để theo dõi và xâm phạm hạnh phúc gia đình tôi một cách nhẫn tâm. Chính vì những thủ đoạn gần đây của họ, buộc tôi phải có cách treo thưởng “100 tỉ đồng” như vừa qua để bảo vệ gia đình, bảo vệ danh dự cho vợ", ông Dũng giải thích.

Đến ngày 17/6, báo Lao động đưa tin, công ty Đại Nam sẽ dành 2.000 tỷ đồng, sau khi thoái vốn để đầu tư xây dựng 17 đền thờ Đại Nam trên khắp đất nước. Bình quân mỗi đền thờ có giá trị hơn 100 tỷ đồng. Đồng thời, kể từ ngày 12/6 (tức mồng 5/5 tết Đoan ngọ, năm Quý Tỵ), khu du lịch Đại Nam sẽ mở cửa miễn phí vĩnh viễn cho tất cả khách tham quan khu Đền thờ Đại Nam. Bên cạnh việc mở cửa miễn phí, khu du lịch Đại Nam còn tổ chức bữa ăn chay, với quy mô 3.000 – 5.000 suất, nhằm phục vụ khách tham quan vào ngày mùng 1 và rằm mỗi tháng.

Liễu Phạm (Tổng hợp)