Giảm mức đóng bảo hiểm y tế cho HS-SV năm học mới

04/09/2011 08:51
Theo SGTT
Cần thay đổi về chính sách BHYT đối với mức đóng giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Năm học 2010 – 2011, cả nước đã có 10,5 triệu HSSV tham gia BHYT, chiếm 70% số HSSV phải tham gia, nếu tính cả số HSSV hộ nghèo, cận nghèo và thân nhân sĩ quan quân đội, công an. Đây là kết quả đáng khích lệ trong năm đầu thực hiện khi chuyển từ loại hình BHYT tự nguyện sang bắt buộc thực hiện theo quy định của luật BHYT có hiệu lực từ 1.1.2010.

Giảm mức đóng bảo hiểm y tế cho HS-SV năm học mới ảnh 1

Ông Lê Văn Phúc

Theo luật BHYT, mức đóng BHYT đã tăng lên đáng kể so với trước đây. Hiện, HSSV phải đóng 3% lương tối thiểu; trong đó, Nhà nước hỗ trợ tối thiểu là 30%. Như vậy, theo mức lương tối thiểu mới hiện nay, HSSV phải đóng BHYT hơn 200.000 đồng/năm học.

Trước đây, khi chưa tăng lương tối thiểu, các cháu chỉ phải đóng khoảng 184.000 đồng. Vì mức đóng tăng nên quỹ BHYT HSSV cũng tăng lên đáng kể. Trong năm 2010, quỹ BHYT HSSV đã dành khoảng 280 tỉ đồng cho công tác y tế học đường.

Ông Lê Văn Phúc – trưởng phòng chế độ BHYT thuộc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết, khi tham gia BHYT, HSSV được sử dụng những dịch vụ y tế chất lượng cao, chi phí lớn. Trước đây, khi còn là BHYT tự nguyện, muốn được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao, chi phí lớn đòi hỏi phải có thời gian đóng bảo hiểm nhất định.

Tuy nhiên, hiện nay, HSSV được hưởng ngay từ đầu năm học mới. Thậm chí, các cháu vừa vào học lớp 1 mà tham gia BHYT thì ngay sau ngày đó, sẽ được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao, chi phí lớn ngay nếu không may bị bệnh.

Thực tế, ngành BHXH đã chi trả cho nhiều HSSV bị các bệnh nặng (chạy thận nhân tạo, ung thư, tim mạch…) từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng thừa nhận, mức đóng BHYT đối với HSSV hiện nay tương đối cao, đặc biệt với khu vực nông thôn và miền núi. Trước đây, HSSV chỉ phải đóng từ 60.000 – 100.000 đồng, thành thị phải đóng cao hơn nông thôn.

Nhưng hiện nay, mức đóng cả hai khu vực là như nhau. Quy định này đã tạo ra những khó khăn nhất định vì thực tế, vào đầu năm học mới, HSSV đang phải đóng quá nhiều khoản nên tạo ra áp lực rất lớn. Chẳng hạn, ở các vùng nông thôn, nếu một gia đình có hai – ba con đi học thì riêng tiền BHYT đã phải chi tới hơn 700.000 đồng.

Hiện nay, BHYT đối với HSSV hộ cận nghèo, theo quy định, được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT. Nhưng nếu tham gia theo hộ cận nghèo, phải nộp trên tổng số 4,5% mức lương tối thiểu chứ không phải 3% như HSSV thông thường.

Nếu tính ra, HSSV hộ cận nghèo lại phải đóng cao hơn mức HSSV thông thường (HSSV hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 50% nhưng phải đóng 4,5% mức lương tối thiểu; còn HSSV thông thường được hỗ trợ 30% nhưng chỉ phải đóng 3% lương tối thiểu – PV). Vì quy định bất hợp lý này nên đa số các hộ cận nghèo lại quay sang tham gia BHYT theo mức đóng thông thường.

Theo ông Phúc, đây chính là bất cập và vướng mắc cần phải thay đổi trong thời gian tới. Cần thay đổi về chính sách BHYT đối với mức đóng giữa khu vực thành thị và nông thôn. Làm sao giúp HSSV ở khu vực nông thôn giảm bớt khó khăn, có điều kiện tham gia tốt hơn vì BHYT đối với HSSV có tới 70% là do bố mẹ đóng.

Riêng với HSSV hộ cận nghèo cần phải được giảm mức đóng BHYT xuống thấp hơn nữa so với quy định hiện nay.

Theo SGTT