Đề xuất đổi mới toàn diện giáo dục, không chỉ tập trung ở GD phổ thông

30/09/2013 08:04
GS-TSKH Phạm Sỹ Tiến
(GDVN) - "Giữ mô hình giáo dục phổ thông 12 năm là cách đổi mới đơn giản nhất và như vậy có lẽ cũng ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, nếu giữ mô hình giáo dục phổ thông 12 năm như hiện nay thì những bất cập lớn như quá tải về nội dung giáo dục phổ thông với nhiều kiến thức không cần thiết đã được nhiều ý kiến phản ánh và việc phân luồng sau trung học phổ thông sẽ vẫn khó có thể giải quyết". GS-TSKH Phạm Sỹ Tiến đánh giá.

Việc Bộ Giáo dục đào tạo sắp trình Chính phủ và Quốc hội đề án đổi mới sâu sắc và toàn diện không phải là chuyện quá mới mẻ. Thực chất, nội dung này đã được nhắc rất nhiều tại Hội nghị Trung ương VI, đó là phải đổi mới sâu sắc và toàn diện, toàn bộ hệ thống giáo dục kể cả từ giáo dục mầm non cho tới Đại học và Cao đẳng. 

Liệu đề án này có thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt giáo dục nước nhà hay không? Báo Giáo dục Việt Nam xin trân trọng gửi tới độc giả bài viết của GS-TSKH Phạm Sỹ Tiến bài viết về "một vài đề xuất đổi mới toàn diện giáo dục tập trung vào giáo dục phổ thông".

 
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là Giáo dục phổ thông phải giữ 12 năm được lý giải vì mô hình này tồn tại lâu nhất, nhiều giai đoạn nhất và ngày càng ổn định tại Việt Nam. Chúng ta ghi nhận những cố gắng rất lớn của ngành trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy đã và đang được triển khai.

Do đó giữ mô hình giáo dục phổ thông 12 năm là cách đổi mới đơn giản nhất và như vậy có lẽ cũng ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, nếu giữ mô hình giáo dục phổ thông 12 năm như hiện nay thì những bất cập lớn như quá tải về nội dung giáo dục phổ thông với nhiều kiến thức không cần thiết đã được nhiều ý kiến phản ánh và việc phân luồng sau trung học phổ thông sẽ vẫn khó có thể giải quyết.

Vì thế, xin đề xuất một phương án để tham khảo, đó là giáo dục phổ thông vẫn 12 năm nhưng bao gồm 4 cấp: tiểu học 4 năm, trung học cơ sở 3 năm, trung học phổ thông 3 năm và trung học nâng cao 2 năm. Để đổi mới toàn diện giáo dục, ngoài mô hình giáo dục phổ thông cần đồng thời đổi mới hệ thống trường dạy nghề, trường trung cấp và cao đẳng, nhanh chóng phân tầng cơ sở giáo dục đại học (CSGD ĐH) và thực hiện trao quyền tự chủ toàn diện cho các CSGD ĐH, đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Cụ thể như sau:

Tiểu học: chỉ nên bố trí 4 năm để lớp đầu cấp (lớp 1) không quá chênh với lớp cuối cấp (lớp 4). Giáo dục tiểu học phải giúp học sinh thích thú học điều mới, luyện sớm cho trẻ tính mạnh dạn, chủ động trong học tập, biết cách biểu đạt ý tưởng của mình, khuyến khích công nghệ giáo dục đã nghiên cứu nhiều năm.

Trung học cơ sở (THCS): 3 năm (lớp 5, 6 và 7) với học sinh từ 10 đến 13 tuổi là tuổi thiếu niên, tâm sinh lí gần nhau. Cấp học này trang bị kiến thức chung thống nhất để đảm bảo mặt bằng văn hóa, tiếp tục phương pháp dạy học tích cực, học tập theo nhóm để thảo luận xây dựng bài giảng, rèn luyện tư duy độc lập cho học sinh.

Trung học phổ thông (THPT): 3 năm (lớp 8, 9 và 10) học sinh tốt nghiệp THPT (lớp 10) khi 16 tuổi. So với THCS hiện nay, học sinh tốt nghiệp lớp 9 mới 15 tuổi, phần lớn chưa có ý thức học tại các trường trung cấp hoặc trường nghề. Hiện tại, nhiều trường trung cấp thích tuyển học sinh tốt nghiệp lớp 12 để đào tạo trong 2 năm hơn là tuyển học sinh tốt nghiệp lớp 9 đào tạo trong 3 năm để phải vừa dạy vừa dỗ.

Giáo dục THPT phải chú ý đến nguyện vọng, môn học ham thích của học sinh. Cần có chương trình nâng cao khác nhau, hướng dẫn học sinh lựa chọn chương trình hợp với sức và sở thích để phát triển năng lực của mình,chú ý giáo dục nghề nghiệp và tăng cường hướng nghiệp để học sinh có thể tham gia thị trường lao động ở trình độ sơ cấp một số nghề phổ thông cho gia đình cũng như xã hội.

Trung học nâng cao (THNC) thực hiện 2 năm tiếp theo THPT chỉ dành cho những học sinh đủ tiêu chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT (10 năm) để chuẩn bị học tập tại các CSGD ĐH, tỷ lệ học sinh được vào học THNC nên là 50% số học sinh tốt nghiệp THPT. Ở THNC học sinh tập học theo những nhóm bộ môn để có kiến thức sâu vào học các ngành tương ứng của các CSGD ĐH.
 
Tùy theo khả năng kinh tế, Nhà nước quy định giáo dục bắt buộc là THCS hay THPT. Dù quyết định thế nào thì đều tiết kiệm 2 năm so với cấu trúc hiện nay. Lưu ý rằng, trước những năm 1970 chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam là 10 năm, nhiều người đã trưởng thành từ hệ phổ thông 10 năm đó.

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Sau 10 năm học tập, cần thiết phải tổ chức cho học sinh thực hiện một kì thi quốc gia rất nghiêm túc, nội dung thi bao hàm hầu hết 8 môn dạy ở THPT (10 năm): văn – ngôn ngữ Việt, sử học, địa lý, toán học, vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ, bổ sung yêu cầu liên hệ thực tế, nhưng không nên quá khó.

Đề thi cần kiểm định sao cho có thể 85 -90 % số học sinh tốt nghiệp THPT sau 10 năm học tập. Nếu tỉ lệ đỗ quá thấp sẽ là gánh nặng cho các trường THPT và xã hội. Với kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT nghiêm túc thể hiện rõ trình độ của học sinh,có thể quy định như sau:

- Học sinh đạt 40 điểm là tốt nghiệp THPT (trung bình 5 điểm mỗi môn, không có môn bị điểm 0).

- Điểm chuẩn để được xét vào học trung học nâng cao có thể là 56 điểm(trung bình mỗi môn thi đạt 7 điểm trở lên). Học sinh đạt dưới chuẩn 56 điểm chỉ được đăng ký vào học tại các trường cao đẳng, trung cấp, trường nghề.

Khi hệ thống kiểm định chưa thật tốt, có thể xảy ra tình trạng tỷ lệ học sinh thi tốt nghiệp quốc gia đạt quá cao (hơn 95%, xấp xỉ 100%) hoặc đạt quá thấp. Khi đó, cùng với việc chấn chỉnh đề thi và xiết chặt kỷ luật thi có thể qui định điểm chuẩn cao hơn hoặc thấp hơn 56 điểm, sao cho vẫn đảm bảo khoảng 50% số học sinh tốt nghiệp THPTđược vào TH nâng cao.

Đổi mới giáo dục của các trường nghề, trường trung cấp, trường cao đẳng

Về cơ bản, 50% số học sinh tốt nghiệp THPT (10 năm) sẽ được định hướng học tiếp tại các trường nghề, trường trung cấp hoặc trường cao đẳng hoặc tham gia lao động. Đây là biện pháp để thực hiện mục tiêu phân luồng một cách kiên quyết. Để thực hiện tốt việc phân luồng thì hệ thống các trường nghề, trường trung cấp, trường cao đẳngcần được mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo với sự tham gia của các ngành và xã hội.

Lâu nay, các trường nghề, trường trung cấp, trường cao đẳng thiếu sức hấp dẫn vì học sinh tốt nghiệp khó tìm việc làm so với người tốt nghiệp trình độ cao hơn. Muốn giải quyết vấn đề này, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần ban hành các qui định về sử dụng lao động. Với nhiều nghề trình độ sơ cấp, yêu cầu các doanh nghiệp, công ty, tổng công ty chỉ được sử dụng người có văn bằng của các trường nghề hay trường trung cấp.

Đây là kinh nghiệm của các nước phát triển nhằm giúp cho các trường nghề, trường trung cấp về xây dựng, may mặc, điện dân dụng và nhiều nghề đơn giản hơn có thể phát triển, đồng thời chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp được đảm bảo.

Cần có quy định nhiều công việc phải ưu tiên sử dụng trình độ cao đẳng, đối với các công việc đóchỉ những vị trí lãnh đạo mới cần trình độ đại học, nếu sử dụng trình độ đại học vào các công việc của cao đẳng thì cơ quan và cá nhân phải chịu thuế cao hơn. Mặt khác, các trường nghề, trường trung cấp, trường cao đẳngphải được đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo để trang bị một số kỹ năng cho người học tốt hơn các trường đại học.

Còn nữa...
GS-TSKH Phạm Sỹ Tiến