Thiệt hại sơ bộ khi bão số 10 đi qua

01/10/2013 08:14
Liễu Phạm (Tổng hợp)
(GDVN) - Theo báo cáo nhanh của các địa phương và các lực lượng cứu hộ cho thấy bão số 10 đã gây ra một số thiệt hại về người và tài sản.
Quảng Bình cột tín hiệu gãy đè chết 2 cán bộ trực sóng
Chiều nay 30/9, báo Tuổi trẻ đưa tin, khi bão số 10 đổ bộ vào Quảng Bình, gió giật mạnh làm gãy cột ăng ten tín hiệu của Trạm tiếp sóng đóng ở P.Đồng Phú, TP.Đồng Hới (thuộc Đài tiếng nói VN) khiến 2 cán bộ đang trực tử vong.
Được biết, cột tín hiệu vừa mới xây dựng. Theo thông tin từ lãnh đạo UBND TP.Đồng Hới thì vụ việc còn khiến 1 cán bộ khác bị thương nặng, hiện được mổ cấp cứu tại bệnh viện; ngoài ra còn có 3 ô tô bị đè bẹp.
Thông tin ban đầu, ở Quảng Bình có 2 người bị thương khi đang chằng chống nhà cửa và làm nhiệm vụ chống bão. Trong đó, anh Trần Văn Quyết là chiến sĩ dân quân bị tuột tay rơi từ trên cây xà cừ xuống đất (khoảng 10 m) nằm bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu.
Sóng biển đánh sập hàng trăm mét bờ kè biển Hội An
Báo Thanh niên đưa tin trưa 30/9, mưa to kèm theo gió lớn đã làm 2 đoạn bờ kè chạy dọc đường biển Cửa Đại (phường Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng.
Một đoạn bờ kè có chiều dài gần 100m được đúc bằng bê tông với chiều cao hơn 10m  nằm giữa 2 dự án khu du lịch đang thi công là Fusion ALYA và Vinpearl Resort Hội An đã bị nước biển xâm thực, quật ngã và ăn sâu vào trong đất liền hơn 15m.

Người dân lo lắng đổ ra xem chừng bờ kè bị vỡ - Ảnh: Thanh Ba
Người dân lo lắng đổ ra xem chừng bờ kè bị vỡ - Ảnh: Thanh Ba

Tại khu du lịch Fusion ALYA đang thi công, hàng trăm mét tường kè đã bị sóng biển dập mạnh, nước biển thẩm thấu vào các vết nứt gây sụt lún, nghiêng ngả. Thậm chí có đoạn tường kè đã bị sạt lở nặng, đơn vị thi công đã cấp tốc chằng tạm bằng bao tải cát nhưng đến chiều nay, một số bao cát vì không chịu nổi sức công phá của nước biển cũng đã ngã sập.
Nhiều tỉnh miền Trung mất điện
Gió lớn kèm theo mưa, đặc biệt bão qua Quảng Bình quá mạnh đã tách hai đường dây 500kV Bắc - Nam khỏi lưới. Nhiều cây xanh, cột điện đổ chắn ngang đường tàu cũng khiến tuyến đường sắt huyết mạch bị tê liệt
Hồi 12h52 ngày 30/9, do ảnh hưởng của bão Wutip, đường dây 500 kV mạch 2 đoạn Hà Tĩnh - Đà Nẵng đã bị sự cố. Hơn 2 giờ sau, đường dây mạch 1 đoạn Hà Tĩnh - Đà Nẵng tiếp tục bị sự cố, làm mất liên kết hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện 2 miền Bắc Nam vận hành độc lập.
Do ảnh hưởng của bão, nhiều đoạn đường dây 220 kV, 110 kV và các đường dây trung hạ áp tại khu vực phía Bắc miền Trung bị sự cố, gây mất điện hoàn toàn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và một phần tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cụ thể, sự cố đường dây 110 kV Lăng Cô - Hòa Khánh khiến trạm biến áp 110 kV Lăng Cô mất điện; sự cố đường dây 220 kV Hoà Khánh - Huế 2 gây mất điện toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế và trạm biến áp 110 kV Diên Sanh (Quảng Trị); mất điện toàn bộ các trạm biến áp 110 kV tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị do sự cố đường dây 220 kV Hà Tĩnh - Đồng Hới...
Khi bão tan, lưới điện tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã được kiểm tra để khôi phục cung cấp điện. 19h, trung tâm thành phố Huế, các huyện, thị trấn... của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được đóng điện.

Cột điện, cây đổ... cũng khiến điện lưới ở nhiều khu vực bị cắt. Ảnh: Nguyễn Đông.
Cột điện, cây đổ... cũng khiến điện lưới ở nhiều khu vực bị cắt. Ảnh: Nguyễn Đông.

Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Trị, mới có điện của huyện Hướng Hoá, thị xã Quảng Trị, trung tâm huyện Vĩnh Linh được cấp trở lại. Còn tại Quảng Bình, sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 12-13 đã làm tê liệt hoàn toàn hệ thống điện từ 13h35.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang tập trung chỉ đạo từng bước khôi phục liên kết hệ thống điện quốc gia, ứng trực 24/24, tập trung nhân lực và phương tiện khắc phục ngay các sự cố lưới điện khi bão đi qua, đảm bảo cung cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất.
Đường sắt Bắc Nam gián đoạn vì siêu bão

Trả lời trên báo VnExpress.net, ông Nguyễn Quang Tiến, Trưởng tổ Khách vận (Công ty Vận tải đường sắt ga Huế) cho biết, 4 chuyến tàu đang bị mắc kẹt do phải chờ thu dọn cây xanh và trụ điện gãy đổ đè lên đường sắt; nhiều chuyến tàu chưa thể khởi hành trong ngày 30/9.
Cụ thể, 3 chuyến Nam - Bắc gồm TN2 xuất phát tại Huế lúc 13h, hiện mắc kẹt tại ga Đông Hà; chuyến SE2 khởi hành lúc 15h đang kẹt tại ga Quảng Trị;  tàu SE4 kẹt tại ga Huế và chưa thể khởi hành; tàu Bắc - Nam SE7 đang dừng tại ga Đồng Lê (Quảng Bình).
Theo ông Tiến, nhà ga sẽ sẵn sàng hoàn tiền vé nếu khách không chờ được tàu thông xe do sự cố. Đồng thời, nhà ga vẫn bán vé cho khách nhưng chưa khẳng định được giờ khởi hành do phụ thuộc vào việc thông đường sắt.
Cùng ngày, nhiều hãng xe khách đã dừng chạy trên Quốc lộ 1A. Những xe khách đường dài buộc xếp hàng trên đường chờ bão tan.

Ba người bị thương, hàng chục ngàn nhà bị sập, tốc mái

Hồi 19h45 ngày 30/0, báo Tuổi trẻ đưa tin Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, thống kê chưa đầy đủ tính đến 18g30 ngày 30-9, đã có 3 người bị thương trong bão số 10 (Quảng Bình 2 người, Thừa Thiên Huế 1 người).

Bão số 10 gây thiệt hại nặng tại Quảng Bình.
Bão số 10 gây thiệt hại nặng tại Quảng Bình.

Bên cạnh đó ở Quảng Bình, Quảng Trị đã có hàng chục ngàn nhà bị tốc mái và sập đổ; nhiều tàu thuyền bị hư hỏng do va đập tại nơi tránh trú, hàng ngàn cây cối bị đổ và nhiều tuyến giao thông bị ngập sâu, chia cắt cục bộ (chưa có số liệu cụ thể).

Tại Thừa Thiên - Huế, bão làm sập 3 nhà, tốc mái 76 nhà. Hiện 7 thôn thuộc 2 xã Phong Thủy, Phong Thái, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế bị cô lập do nước ngập sâu, mất điện toàn huyện. Tại các xã Vĩnh Hải, Vinh Hiển, huyện Vĩnh Lộc và xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, nước biển xâm thực sâu vào đất liền khoảng 20-35 m, dài khoảng 10,4 km.

Trước đó, lúc 7g ngày 30-9, tại của Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, tàu vỏ sắt không số (quốc tịch Trung Quốc) với 3 người trên tàu bị sóng đánh đứt dây neo, trôi dạt. Biên phòng Nghệ An tổ chức lai dắt tàu bị nạn vào bờ an toàn.

Nhằm phòng chống và khắc phục hậu quả của bão, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu, quân chủng huy động  14.408  bộ độ và dân quân tự vệ cùng 153 phương tiện (106 ô tô, xe đặc chủng, 47 tàu xuồng) tham gia ứng trực, phòng chống bão.

Liễu Phạm (Tổng hợp)