Hàng ngàn học sinh vẫn phải nghỉ học do lũ dâng cao

03/10/2013 19:09
Theo TTXVN
(GDVN) - Theo thông tin từ Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, đến ngày 3/10, toàn tỉnh có hơn 20.000 học sinh phải nghỉ học do nước lũ lên cao, không thể đến trường, tập trung chủ yếu tại các huyện Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và huyện Đức Thọ.
Tại huyện Hương Khê, do đập thủy điện Hố Hô xả lũ cùng với việc tuyến đường nối huyện Hương Khê, thành phố Hà Tĩnh sắp hoàn thành tạo nên một con đê ngăn dòng nên nước lũ rút chậm, gây ngập úng diện rộng. 
Bờ biển xã Hải Dương (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) sạt lở do bão. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Bờ biển xã Hải Dương (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) sạt lở do bão. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Nhiều trường ở các xã vùng thấp của huyện như Hương Đô, Hà Linh, Phương Mỹ, Hòa Hải, Hương Thủy, Phúc Đồng có thể phải nghỉ học đến hết tuần sau. Ngày 3/10, toàn huyện Hương Khê có gần 5.300 học sinh nghỉ học. 
Hai huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên do việc xả nước lũ ở Hồ Kẻ Gỗ vào ngày 2/10, làm ngập úng nhiều vùng hạ du ở hai huyện. Đến hôm nay có khoảng 16.000 học sinh phải nghỉ học; chủ yếu tập trung ở các xã Cẩm Duệ, Cẩm Vịnh, Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) và một số xã thuộc vùng Tây nam huyện Thạch Hà. 
Học sinh các trường mầm non, tiểu học thuộc các xã Đức Tùng, Đức Châu và trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong và một số xã khác thuộc vùng ngoài đê huyện Đức Thọ hiện vẫn chưa thể đến trường. Mưa lớn đã làm cho nước từ thượng nguồn sông Lam, sông La đổ về khiến nhiều trường bị ngập nặng. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo, khả năng đến ngày 9/10, việc học tập mới có thể trở lại ổn định. 
Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết Sở đã giao hiệu trưởng các trường tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương mà linh động trong việc ổn định lại việc dạy học, đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh. Sở cũng sẽ bám sát tình hình và giao các trường chủ động trong việc tăng, bù tiết để đảm bảo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra.
Ngày 3/10, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế do ông Hồ Viết Bá, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại do lốc xoáy gây ra trên địa bàn xã Lộc An huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, hỗ trợ các hộ thiệt hại nặng 2,5 triệu đồng/nhà. 
Trước đó, vào khoảng 16 giờ ngày 2/10, một cơn lốc xoáy rất mạnh bất ngờ ập đến gây tốc mái 12 nhà, làm gãy đổ nhiều cây cối, hoa màu, làm ông Đoàn Đẩu bị thương do gỗ từ mái nhà rơi trúng. Theo chứng kiến của những người dân ở trong vùng, cơn lốc xoáy chỉ xảy ra trong vòng 10 phút, đi qua xóm Bến Chợ, thôn Phú Môn một cách hết sức bất ngờ, không kịp trở tay. 
Lốc xoáy xảy ra ngay sau bão số 10 để lại hậu quả rất lớn cho Thừa Thiên-Huế . Toàn tỉnh đến nay có 9 nhà bị sập, 903 nhà bị tốc mái. Nặng nhất là huyện Quảng Điền có 3 nhà bị sập, 472 nhà tốc mái; huyện Phú lộc 3 nhà sập, 117 nhà bị tốc mái; huyện Phong Điền có 133 nhà bị tốc mái... Các địa phương vận động "lá lành đùm lá rách" nhường cơm sẻ áo, hoặc dành trụ sở làm việc bố trí cho các hộ khó khăn do nhà sập đến ở tạm trước khi dựng lại nhà mới. 
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã trích ngân sách hỗ trợ kịp thời 6 triệu đồng đối với các hộ có nhà bị sập; 2-4 triệu đồng có nhà bị tốc mái với mức độ hư hại từ 50-70%. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên-Huế đã kịp thời tổ chức thăm hỏi động viên cho những người bị thiệt hại do bão gây ra; chi hỗ trợ 3 nhà sập 33 triệu đồng; hỗ trợ 60 nhà tốc mái mỗi nhà 500.000 đồng; hỗ trợ 50 thùng mỳ tôm cho người dân huyện Phú Lộc. 
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế đã huy động 3.400 cán bộ, chiến sỹ, với hơn 10.000 ngày công hỗ trợ, giúp dân chữa lại nhà cửa sau bão số 10 tại địa bàn các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang...
Huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nằm trọn trong lưu vực của hai con sông lớn nhất tỉnh là sông Vu Gia và sông Thu Bồn. Trong mùa mưa lũ, huyện Đại Lộc được xem như “rốn lũ” chứa nước từ thượng nguồn đổ về. Riêng trong đêm mùng 2 rạng sáng 3/10, Đại Lộc còn phải “cõng” thêm lượng nước lớn đổ về từ các hồ thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4A ở thượng nguồn đồng loạt xả lũ, đẩy mực nước sông Vu Gia lên xấp xỉ báo động 3, đỉnh lũ lên đến ngưỡng 8,46 mét. 
Để bảo vệ tính mạng của nhân dân, nhất là những hộ sống ở những khu vực thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, có nguy cơ lũ quét cao thuộc các xã Đại Đồng, Đại Quang, Đại Hồng, ngay trong đêm 2/10, các lực lượng chức năng của các địa phương đã sơ tán 416 hộ gia đình với trên 1.600 nhân khẩu đến nơi ở an toàn.
Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão huyện Đại Lộc cho biết tuy lũ lớn trong đêm nhưng nhờ người dân chủ động trong công tác phòng ngừa, đặc biệt là không còn chủ quan như những năm trước nên thiệt hại do thiên tai và sự chủ quan của con người gây ra không đáng kể. 
Tuy nhiên mưa lũ cũng đã gây thiệt hại ước tính gần 9 tỷ đồng, trong đó có trên 90 ngôi nhà bị hư hỏng do ngập nước liên tiếp sau 2 trận lũ kế tiếp. Toàn huyện có hơn 260 ha lúa và hoa màu các loại bị hư hại, thiệt hại ước tính trên 7 tỷ đồng.
Trong ngày hôm nay (3/10), trời không có mưa, mực nước lũ trên các sông Vu Gia, Thu Bồn đã xuống nên các địa phương trong huyện đã huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ những hộ gia đình neo đơn, những hộ có nhà bị ngập nước vệ sinh nhà cửa. Ngành y tế đã nhanh chóng đến tận các khu dân cư để hướng dẫn nhân dân dùng hóa chất xử lý nguồn nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt và xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh xảy ra sau lũ. 
Đến chiều 3/10, hơn 400 hộ gia đình buộc phải di chuyển chỗ ở đã lần lượt trở về nhà. Ngành giáo dục cho học sinh các trường trên địa bàn nghỉ học và có kế hoạch dạy bù để đảm bảo chương trình.
Hiện tại, tuy nước sông đã bắt đầu xuống nhưng do đặc điểm là vùng “rốn lũ” nên huyện Đại Lộc vẫn yêu cầu tất cả các địa phương trong huyện tổ chức canh gác, tuyệt đối không cho bất kỳ phương tiện nào qua lại trên những đoạn đường ngập sâu để phòng ngừa tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra; duy trì công tác trực ban 24/24 giờ để theo dõi sát tình hình diễn biến của mưa lũ. 
Huyện yêu cầu các đơn vị thi công trên địa bàn đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, nhất là đối với các công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện và yêu cầu lãnh đạo các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn thông báo đầy đủ, kịp thời và chính xác về việc xả lũ hồ chứa để nhân dân vùng hạ lưu chủ động ứng phó.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Đại Lộc cũng cảnh báo mùa mưa lũ ở miền Trung mới chỉ bắt đầu, vùng “rốn lũ” Đại Lộc sẽ còn phải chống chọi nhiều hơn với thiên tai, yêu cầu người dân luôn cảnh giác trước nguy cơ này./.
Theo TTXVN