Ẩn ý Tập Cận Bình: "Đã mưu lợi nên mưu giành thiên hạ"

04/10/2013 13:46
Hồng Thủy
(GDVN) - Khi đi thăm Indonesia, Tập Cận Bình đã gây ngạc nhiên bằng cách trích dẫn một câu ngạn ngữ được biết đến rộng rãi như phương châm của Tưởng Kinh Quốc, một cố lãnh đạo Đài Loan và là con trai của Tưởng Giới Thạch.
Ông Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình.
Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc là một nhà cải cách hay người theo trường phái cứng rắn vẫn là câu hỏi tranh luận trong giới trí thức và học giả trên khắp Trung Quốc kể từ khi ông lên nắm quyền, Bưu điện Hoa Nam ngày 4/10 nhận xét. Nhưng một sự kiện thú vị thu hút dư luận chú ý của giới truyền thông và phân tích Hồng Kông đã xảy ra trong tuần này khi đi thăm Indonesia, Tập Cận Bình đã gây ngạc nhiên bằng cách trích dẫn một câu ngạn ngữ được biết đến rộng rãi như phương châm của Tưởng Kinh Quốc, một cố lãnh đạo Đài Loan và là con trai của Tưởng Giới Thạch. "Đã mưu lợi nên mưu tính cái lợi giành được thiên hạ, đã cầu công danh hãy cầu danh lưu muôn đời", câu ngạn ngữ được cho là của chính trị gia Nhật Bản Ido Hirobumi và được một sáng lập viên Quốc dân đảng viết tặng cho Tưởng Kinh Quốc năm 1961. "Tôi tin rằng ông Tập Cận Bình hiện đang tập trung vào việc củng cố quyền lực bằng cách cân bằng giữa phe cải cách và phe bảo thủ", Joseph Yu-chek Cheng, một giáo sư khoa học chính trị tại đại học Hồng Kông. Học giả này cho rằng trong khi chắc chắn sẽ tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng "đả hổ đập ruồi", Tập Cận Bình sẽ tiếp tục tự do hóa tài chính và cải cách kinh tế. Một nhà phân tích chính trị độc lập tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc xin giấu tên nói với Bưu điện Hoa Nam, Tập Cận Bình đã nới lỏng kiểm soát trong khu vực có rất nhiều quy định của chính phủ và tạo ra khu thương mại tự do Thượng Hải. Nếu mô hình thử nghiệm ở Thượng Hải thành công, ông Bình chắc chắn sẽ khởi động chiến dịch cải cách trên toàn Trung Quốc. Tuy nhiên không ít người cho rằng còn quá sớm để có thể đưa ra nhận xét khi ông Bình mới lên nắm quyền điều hành quốc gia này chưa đầy 1 năm.
Hồng Thủy