Dịch cúm gia cầm rình rập

05/09/2011 06:49
Theo Ngọc Dung/Người lao động
Các chuyên gia dịch tễ lo ngại nguy cơ dịch cúm gia cầm sẽ bùng phát trở lại vào cuối năm 2011.
Mặc dù từ đầu năm 2011 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm (A/H5N1) nhưng tâm lý chủ quan với dịch bệnh khiến các chuyên gia dịch tễ lo ngại nguy cơ dịch sẽ bùng phát trở lại vào cuối năm 2011.

Biến thể H5N1 mới

Dịch cúm gia cầm với “thủ phạm” là virus H5N1 đã lan tới nhiều quốc gia, cướp đi sinh mạng hàng trăm người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ khi xuất hiện lần đầu vào năm 2003, dịch cúm A/H5N1 đã khiến hơn 560 người bị lây nhiễm và hơn 330 người tử vong. Đến thời điểm này, vẫn chưa có chế phẩm vắc-xin đặc hiệu để phòng bệnh cho người.

Mới đây, Cơ quan Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO) đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ dịch cúm A/H5N1 bùng phát trở lại ở Việt Nam và Trung Quốc. Trong một thông báo về dịch bệnh nguy hiểm này, đại diện FAO cảnh báo về dòng virus có gien biến đổi dạng H5N1-2.3.2.1, nếu dịch bệnh xảy ra sẽ gây nguy hiểm cho nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam - nơi virus H5N1 vẫn còn lưu cữu.

Bình luận về cảnh báo của FAO, PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho rằng sự biến đổi nhỏ của virus H5N1 không có gì bất thường và đáng ngạc nhiên trong quá trình tiến hóa tự nhiên, đặc biệt khi virus này thường xuyên lưu hành ở gia cầm. “Sự thay đổi này chưa thể tạo ra một chủng virus mới” – ông Hiển nhận định.

Ông Hiển cho biết WHO cũng vừa thông báo sự biến đổi của virus H5N1 không làm tăng các nguy cơ về y tế công cộng đối với con người và bức tranh về cúm A/H5N1 ở người vẫn không thay đổi. Hiện cúm A/H5N1 xảy ra tản phát ở người, chủ yếu là khu vực có sự lưu hành của virus H5N1 và chưa có sự lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, ông Hiển lưu ý cần phải tăng cường giám sát virus H5N1 đang lưu hành ở gia cầm để sớm phát hiện sự thay đổi của nó và đưa ra các chiến lược khống chế phù hợp.

Lơ là với “tử thần”
Ở nước ta, dịch cúm A/H5N1 trên người được ghi nhận từ tháng 12-2003, tích lũy số mắc/tử vong đến nay là 119/59 trường hợp tại 39 tỉnh, TP. Từ đầu năm 2011 đến nay, không xảy ra dịch ở người, ca mắc gần đây nhất là đầu tháng 4-2010.
Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, trong các năm từ 2007-2010, mỗi năm có từ 5-7 ca nhiễm cúm A/H5N1 nhưng chưa có bằng chứng lây từ người sang người. “Chủng virus H5N1 phân lập ở người trong giai đoạn 2007-2010 thuộc nhóm 2.3.4, tương đồng với virus H5N1 lưu hành trên gia cầm tại miền Bắc trong cùng giai đoạn. Chưa phát hiện sự kết hợp, tái tổ hợp của virus H5N1 và virus cúm theo mùa lưu hành tại cùng thời điểm. Bên cạnh đó, không có bằng chứng về sự thay đổi độc lực hay cơ chế lây truyền của virus”- ông Hiển khẳng định.
Gia cầm chưa được kiểm dịch vẫn bày bán tràn lan ở Hà Nội Ảnh: NGỌC DUNG
Gia cầm chưa được kiểm dịch vẫn bày bán tràn lan ở Hà Nội Ảnh: NGỌC DUNG
Mặc dù dịch bệnh chết người này hiện đang tạm lắng nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan sang người. Các chuyên gia dịch tễ cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay là virus H5N1 đang lưu hành ở các đàn gia cầm, đặc biệt là ở các đàn vịt mà không có biểu hiện bệnh.

Các cơ quan chức năng dự báo năm 2011, nguy cơ bùng phát trở lại các bệnh dịch ở gia cầm vẫn cao. Buôn bán, kinh doanh gia cầm sống chưa qua kiểm dịch sẽ dẫn tới việc bùng phát dịch và lây lan sang người. Do vậy, ông Hiển khuyến cáo người dân không nên chủ quan vì bệnh cảnh ban đầu của cúm A/H5N1 ở người cũng khá giống với các bệnh cúm thông thường khác là ho, sốt, mệt mỏi nên bệnh nhân nhập viện thường trong giai đoạn muộn, nguy hiểm tới tính mạng.

Vắc-xin không còn tác dụng
Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết sau một thời gian sử dụng vắc-xin để tiêm phòng cúm A/H5N1, hiện virus H5N1 đã biến đổi sang phân nhóm khác, do đó, loại vắc-xin tiêm phòng trước đây không còn tác dụng.
Kết quả phân tích virus phân lập được từ các ổ dịch cúm A/H5N1 tại nhiều địa phương trong thời gian qua cho thấy nhánh virus mới đã xuất hiện ở các địa phương thuộc Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong quá trình chờ loại vắc-xin mới, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có ổ dịch cúm A/H5N1 xuất hiện, không để dịch lây lan.
Theo Ngọc Dung/Người lao động