Video: "Chiều sông Hồng ai mơ về Lệ Thủy"

11/10/2013 10:07
PHẠM LIỄU - ĐỖ TUYẾT
(GDVN) - Trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Đại tướng lỗi lạc của nhân dân Việt Nam, độc giả Nguyễn Hải Giang (CLB Thơ sinh viên Đại học Luật Hà Nội 1996 – 2000) đã chia sẻ với tòa soạn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài thơ do chính anh sáng tác với tựa đề “Chiều sông Hồng ai mơ về Lệ Thủy”.
Chia sẻ  về cảm xúc của mình, anh Giang bồi hồi cho biết: “Khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, mỗi chúng ta đề dấy lên trong lòng một sự tiếc thương đến khó tả. Mình cũng thế, nhưng cảm xúc của mình còn trộn rộn hơn rất nhiều. Bởi vì suốt từ cuối tháng 9 đến nay, khi cơn bão số 10 vào miền Trung, thì suy nghĩ của mình cũng đã hướng vào miền Trung rồi!”
Chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ về miền Trung, đặc biệt là quê hương Lệ Thủy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Giang xúc động tâm sự: “Trước đây khi làm ở Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, mình có may mắn rất nhiều lần được về với vùng đất miền Trung.
Trong số những chuyến đi đó, có một chuyến đi mình không thể quên được, đó là sau cơn lũ năm 2007. Sau một cơn lũ rất lớn, mình có một chuyến công tác về hai tỉnh là Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trong chuyến công tác đó, đoàn của mình đã được về tận huyện Lệ Thủy bên dòng sông Kiến Giang, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chứng kiến khung cảnh đau thương của người dân vùng lũ, chứng kiến ý chí vươn lên của người dân vùng lũ đó, bọn mình vô cùng xúc động”.
Nói về cảm xúc để viết nên bài thơ, anh Giang bồi hồi chia sẻ: “Những ngày trước, khi bão lũ tiếp tục gây ra những tổn hại khá nặng nề với Quảng Bình, với miền Trung mình đã rất xúc động rồi. Khi nỗi đau đó chưa nguôi ngoai thì thêm một nỗi đau nữa là Đại tưỡng Võ Nguyên Giáp qua đời.
Không chỉ mình, mà mình nghĩ đồng bào miền Trung, đồng bào Quảng Bình còn có nỗi đau gấp bội. Ngay từ đêm ngày mùng 4 đến hôm nay, cứ mỗi lần đi ngang qua khu nhà của bác ở 30 Hoàng Diệu, nhìn thấy dòng người xếp hàng ở đó, thì càng làm dấy lên trong mình nỗi xúc động. Bởi vì sự cộng hưởng của đồng bào trước một nỗi đau lớn như thế, nên cảm xúc trong mình rất lớn.
Và càng xúc động hơn khi biết tin, thể theo nguyện vọng của Đại tướng và gia đình thì Đại tướng sẽ về an nghỉ tại quê hương càng làm tăng thêm những trộn rộn trong cảm xúc. Chính vì vậy mình mới có cảm xúc viết lên bài thơ này.
Bài thơ mình lấy tựa đề “Chiều sông Hồng ai mơ về Lệ Thủy” có hàm ý sâu xa trong đó. Không chỉ có những người Hà Nội hướng về miền Trung mà mình tin rằng, trong những ngày Đại tướng còn nằm điều trị tại bệnh viện không lúc nào Đại tướng lại không nghĩ về quê hương của Đại tướng. Mình đã mượn ý đó để làm ý tưởng cho bài thơ. Đó cũng chính là cảm xúc chủ đạo để làm nên bài thơ này”.

Chiều Sông Hồng ai mơ về Lệ Thủy
Hà Nội đó chiều thu trời đẹp lắm
Gió mênh mang du sóng nước Sông Hồng
Hòa dòng người nhộn nhịp với phố đông
Hoàng hôn nhuộm quầng mây ngũ sắc
Phương xa ấy dòng Kiến Giang sôi sục
Cơn lũ gầm gừ dông bão vẫn chưa tan
Những gương mặt sạm đen trước khung cảnh điêu tàn
Chiều tê tái vệt khói nồng cay mắt
Nhưng có hề chi đâu: bão mưa hay nắng gắt
Đời dân ta đã chai sạn, kiên cường
Chẳng khó khăn nào thắng nổi cánh tay vươn
Bàn chân bấm giữ biển rừng đất mẹ...
Chiều Hà Nội trời thu dịu nhẹ
Trong thinh sâu thảng thốt trái tim người
Khắp phố phường ngơ ngác giọt thu rơi
Môi mím vội, từng đôi tay xiết chặt
Hoàng hôn đẹp bỗng trở mình hiu hắt
Ôi bao la đã gọi trái tim Người
Dẫu biết rằng ngày ấy sẽ đến thôi
Nhưng nhân loại vẫn mơ điều cổ tích
Lệ Thủy hỡi màn đêm buông tĩnh mịch
Xin mến thương thành kính đón Người về
Cây khế bên nhà trong trẻo hạt sương quê
Ru giấc ngủ cuộc đời Người dung dị
Chiều Sông Hồng ai mơ về Lệ Thủy... 
Hà Nội, ngày 5/10/2013
PHẠM LIỄU - ĐỖ TUYẾT