"Người Việt nào cũng tự hào được đi trên con đường mang tên Đại tướng"

08/10/2013 09:49
Ngọc Luân
(GDVN) - "Việc dùng tên cụ Giáp để đặt tên cho những con đường đẹp nhất, quan trọng nhất ở mỗi địa phương trong cả nước là việc làm ý nghĩa mà các địa phương cần phải làm ngay và tức thời. Đó là việc làm hiển nhiên và chắc chắn sẽ được nhân dân đồng tình, ủng hộ". TS Trần Du Lịch – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP. HCM nhấn mạnh.

Những ngày qua, trước niềm tiếc thương vô hạn của mọi tầng lớp nhân dân nước Việt trước sự ra đi của vị anh hùng dân tộc – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã có rất nhiều ý kiến đề xuất chúng ta phải nhanh chóng có những công trình tưởng nhớ và ghi nhận công đức của Người. 

Tuy ra đi, nhưng những di sản mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại cho dân tộc là vô cùng to lớn và quý báu không gì so sánh được. Vì vậy, người dân Việt Nam các thế hệ tiếp nối mai sau sẽ phấn đấu để sống xứng đáng với niềm tự hào này – đó cũng chính là mục tiêu cao nhất mà mọi người có thể thực hiện để tri ân ông – vị Đại tướng của nhân dân.

Trước khoảng trống mà Đại tướng để lại trong lòng dân tộc, các đại biểu quốc hội tại TP. HCM đã bật lên những cảm xúc của mình về ông:

Tiến sĩ Trần Du Lịch – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP. HCM:

Cụ Giáp ra đi, không chỉ là một mất mát của dân tộc, mà còn là của cả nền nghệ thuật quân sự trong Thế giới này. Trong tim mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè Thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một thần tượng mà hơn hết, ông còn là một huyền thoại, một bậc vĩ nhân hiếm có trong thời đại của chúng ta.

Vì cụ quá vĩ đại như thế, nên phận bé nhỏ như tôi không dám nói nhiều về cụ. Tôi chỉ dám nén chặt niềm tiếc thương trong lòng mà quyết tâm phấn đấu phụng sự  đất nước để không hổ thẹn mỗi khi tôi nghĩ về cụ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ

Riêng việc để các thế hệ mai sau mãi tri ân, tưởng nhớ đến một bậc vĩ nhân như Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì dù cho có dùng tên cụ để đặt tên cho một trăm con đường hay là một địa danh, một đơn vị hành chính nào đó là cũng chưa thể hiện hết được với những công đức mà cụ để lại cho đất nước, cho dân tộc. Công đức Đại tướng tạc vào sử xanh.

Việc dùng tên cụ Giáp để đặt tên cho những con đường đẹp nhất, quan trọng nhất ở mỗi địa phương trong cả nước là việc làm ý nghĩa mà các địa phương cần phải làm ngay và tức thời. Đó là việc làm hiển nhiên và chắc chắn sẽ được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tôi nghĩ, bất cứ mỗi con người Việt Nam nào cũng sẽ tự hào được đi trên con đường mang tên Võ Nguyên Giáp, được hạnh phúc sống trong một đô thị Võ Nguyên Giáp, và học sinh nước Việt sẽ mãi tự hào suốt cuộc đời vì mình đã từng được học tập và trưởng thành dưới mái trường Võ Nguyên Giáp…

Với cương vị là một đại biểu của nhân dân, tôi sẽ nỗ lực hết sức mình để đề đạt tâm nguyện đó của nhân dân đến với các cấp lãnh đạo cao nhất từ Trung ương đến địa phương. Hơn ai hết, tôi kỳ vọng sẽ sớm được thỏa đạt ý nguyện nhỏ bé này…  

Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội:

Với một người đã ngoài trăm tuổi, chuyện ra đi không có gì bất ngờ. Nhưng riêng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người dân vẫn muốn ông sống lâu hơn nữa. Bởi, ông là biểu tượng của những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc  ta, của nhân dân ta, của người lính Cụ Hồ: trung với nước, hiếu với dân, dũng cảm, trí tuệ, nhân nghĩa. Cảm xúc đầu tiên trong tôi là sự tiếc nuối, thương cảm khi biểu tượng sống vĩ đại ấy rời bỏ chúng ta, rời bỏ thế giới này…

Càng nghiên cứu về ông, tôi càng bị ông cuốn hút, không phải chỉ ở một sự nghiệp vô cùng đồ sộ của một nhà cách mạng, một vị Tổng tư lệnh mà còn ở một phẩm cách của một nhà văn hóa lớn.

Nhìn những hình ảnh hàng người (không phân biệt tôn giáo, vùng miền, dân tộc) xếp hàng một cách trật tự và kéo dài mãi trước nhà riêng của Đại tướng mong được một lần vào bái vọng Đại tướng trong những ngày qua, khiến tôi vô cùng xúc động và rung cảm. Đại tướng ra đi là một tổn thất lớn lao cho dân tộc, nhưng dường như, qua đó ta thấy được cả dân tộc mình đang xích lại gần nhau hơn.

Từ hôm Đại tướng ra đi đến nay, tôi nghe thấy có nhiều ý kiến nôn nóng thúc giục phải nhanh chóng xây dựng những công trình tri ân Đại tướng, phải dùng tên của Đại tướng để đặt tên cho những con đường, những địa danh… Tôi nghĩ, việc đó là việc nên làm và cần thiết phải làm,. Tuy vậy, không nên coi đó là mục đích. Điều tôi băn khoăn nhất là làm sao cho các thế hệ mai sau hiểu biết về cuộc đời ông, yêu mến ông, coi ông là tấm gương trong tình cảm và suy nghĩ mình…

Đồng thời với cảm nhận mất mát, đó là một niềm tự hào dấy lên trong tôi. Dân tộc Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam đã có trong hàng ngũ của mình một người con ưu tú, một con người - vị tướng huyền thoại. Và, chính con người đó đã góp phần không nhỏ làm rạng danh Việt Nam trên trường Thế giới.

Nghị định của Chính phủ Về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng:

Trong chương 2, mục 1 và mục 2 của Nghị định của chính Về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã nêu rất rõ về nguyên tắc đặt tên đường, tên phố:

Chương 2: Nguyên tắc về cách đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng

Mục 1: Nguyên tắc chung

Điều 4. Tất cả các đường, phố và công trình công cộng trong thành phố, thị xã, thị trấn được xây dựng theo quy hoạch đô thị, được sử dụng ổn định thì được xem xét để đặt tên.

Điều 5. Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hoá của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ.

Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hoá, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng.

Điều 6. Không đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng bằng các tên gọi khác nhau của một danh nhân trên cùng một địa bàn đô thị. Trong trường hợp đặc biệt thì cần xem xét từng trường hợp cụ thể gắn với các mốc lịch sử cụ thể trong cuộc đời hoạt động của danh nhân để có phương án xử lý phù hợp.

Điều 7. Đô thị loại đặc biệt cần lựa chọn tên các địa danh, tên các sự kiện lịch sử trọng đại, các danh nhân tiêu biểu của cả nước hoặc của thế giới trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, nghệ thuật, khoa học, an ninh, quốc phòng để đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng. Các đô thị còn lại, căn cứ vào phân loại cấp đô thị để lựa chọn sự kiện lịch sử - văn hoá, danh nhân đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng cho phù hợp; cần ưu tiên lấy địa danh nổi tiếng, sự kiện lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, danh nhân tiêu biểu của địa phương mình để đặt tên đường, phố và công trình công cộng.

Điều 8. Tên danh nhân nước ngoài được xem xét đặt cho đường, phố và công trình công cộng đô thị loại đặc biệt và địa phương, đơn vị gắn liền với những đóng góp to lớn của danh nhân.

Điều 9. Căn cứ vào vị trí, cấp độ, quy mô của đường, phố và công trình công cộng để đặt tên tương xứng với ý nghĩa của địa danh, tầm quan trọng của sự kiện lịch sử và công lao của danh nhân.

Mục 2: Đặt tên đường, phố

Điều 10. Đường, phố được đặt tên trên cơ sở lựa chọn một trong các tên sau đây:

1. Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hoá của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt.

2. Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hoá, xã hội.

3. Tên di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hoá.

4. Tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương.

5. Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận.

Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.

Điều 11. Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố loại I trực thuộc Trung ương cần quy hoạch đại lộ. Tên đặt cho đại lộ phải là tên sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hoặc tên danh nhân tiêu biểu nhất.

Điều 12. Đường, phố quá dài, căn cứ vào điều kiện cụ thể, có thể phân ra từng đoạn để đặt tên.

Điều 13. Không đặt tên cho ngõ (kiệt), ngách (hẻm). Ngõ (kiệt) được gọi theo biển số nhà đầu ngõ (kiệt), tính từ đầu phố kèm theo tên phố; ngách (hẻm) được gọi theo biển số nhà đầu ngách (hẻm), tính từ đầu ngõ (kiệt).

 
Ngọc Luân